Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 thực hiện tại 21 tỉnh ở Khu vực miền núi phía Bắc, Tây nguyên và Nam trung bộ giai đoạn 2016-2021.
Quang cảnh Hội nghị |
Chương trình có mục tiêu: Cải thiện hành vi vệ sinh và tăng cường tiếp cận tới dịch vụ nước và vệ sinh được cải thiện cho hộ gia đình cũng như cung cấp nước sạch, công trình rửa tay và vệ sinh hợp vệ sinh ở trường học và trạm y tế; Bảo đảm các công trình cấp nước bền vững và tất cả các trường học và trạm y tế tiếp tục có công trình nước và vệ sinh hợp vệ sinh; Xây dựng năng lực ở cấp tỉnh, xã và làng để triển khai quản lý và quan trọng là duy trì việc cấp nước và vệ sinh hợp vệ sinh.
Chương trình có sự tham gia của 3 ngành: NN&PTNT, Y tế, Giáo dục. Trong đó, ngành Giáo dục có vai trò “chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, quản lý, báo cáo giám sát và đánh giá tiến độ các hoạt động về cấp nước và vệ sinh cho các trường học và các hoạt động liên quan về cấp nước và vệ sinh trường học; hợp tác chặt chẽ với ngành NN&PTNT và ngành Y tế về cung cấp nước sạch và vệ sinh ở trường học cũng như hỗ trợ các trường học vận hành và bảo dưỡng các công trình cấp nước và vệ sinh".
Theo TS. Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT): Chương trình là thách thức cho các địa phương, đặc biệt là ngành Giáo dục bởi áp dụng phương thức cho vay mới, kinh phí được vay chỉ được giải ngân sau khi kết quả thực hiện đã được thẩm định bởi cơ quan kiểm toán độc lập do Ngân hàng Thế giới chỉ định; Kết quả đầu ra phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chương trình được cụ thể trong sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình; Giải ngân vốn của Ngân hàng thế giới sẽ dựa trên kết quả đạt được thay vì dựa trên chi phí. Kết quả được xác định thông qua các chỉ số cụ thể có thể đo lường được, được gọi là Chỉ số giải ngân.
Để biến thách thức thành cơ hội, Chương trình cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 ngành để đảm bảo đạt đầy đủ các tiêu chí vệ sinh toàn xã và cần sự tham mưu kịp thời của cán bộ đầu mối và sự vào cuộc của lãnh đạo ngành và các cấp chính quyền.