Nâng cao năng lực phòng, chống ma túy trong trường học

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma tuý trong trường học đến năm 2025” đề xuất các Bộ, ngành, các cơ sở giáo dục nghiên cứu, góp ý kiến.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tệ nạn ma túy đang diễn biến phức tạp

Theo đại diện Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, kiểm soát ma túy và đã mang lại kết quả nhất định, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, hiện nay, tệ nạn lạm dụng ma túy trong nhân dân chưa giảm, đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp (dạng Amphetamine và Methamphetamine), trong đó thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên đang có những diễn biến phức tạp.

Đây là khăn và những dấu hiệu nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân chủ yếu phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội, làm mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Hậu quả, tác hại do tệ nạn ma túy gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế xã hội và an ninh trật tự của đất nước, làm băng hoại đạo đức truyền thống, phá vỡ hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng xấu đến nòi giống và sự tồn vong của dân tộc.

Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến thời điểm tháng 6/2020, cả nước có 234.620 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó, số người nghiện đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi là 318 người, từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi là 1.866 người. Tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) chiếm khoảng 70-80% trong số người nghiện.

Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ sử dụng ATS và chất hướng thần mới rất cao (Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85%, Trà Vinh 90,7%...). Ngoài ma túy truyền thống và ATS thì các loại ma túy khác như cần sa, “cỏ Mỹ”... xuất hiện ngày càng nhiều. Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15-25.

Đặc biệt, hiện nay với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao của ma túy tổng hợp, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.

Thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ trẻ hóa người sử dụng trái phép, người nghiện ma túy. Do thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng phòng, chống ma túy, chủ quan, thờ ơ nên nhiều em ngày càng dấn sâu và bị lệ thuộc vào ma túy.

Bên cạnh đó, gần 2/3 số thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, đây là bài toán nan giải trong việc giải quyết tình trạng nghiện và giải quyết việc làm cho thanh niên trong bối cảnh dư thừa lao động hiện nay.

Cần nâng cao kỹ năng phòng chống ma túy trong trường học
Cần nâng cao kỹ năng phòng chống ma túy trong trường học

Ma túy để lại nhiều hệ lụy xấu cho cộng đồng xã hội

Nghiện ma túy là tác nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm pháp luật của thanh niên với tỷ lệ khoảng 50% và gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy trong các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ là 41,04%, tỷ lệ 1 phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy là 28,58%.

Nghiện ma túy làm tiêu hao tiền bạc của bản thân và gia đình. Khi lên cơn nghiện, người nghiện ma tuý có thể tiêu tốn hết tiền của, tài sản, đồ đạc của gia đình vào việc mua ma tuý để thoả mãn cơn nghiện của mình hoặc để có tiền sử dụng ma tuý, nhiều người đã trộm cắp, hành nghề mại dâm, hoặc thậm chí giết người, cướp của.

Gia đình có người nghiện, sức khoẻ các thành viên khác cũng bị giảm sút (lo lắng, mặc cảm, ăn không ngon, ngủ không yên... vì trong gia đình có người nghiện), gây tổn thất về tình cảm của mọi người (thất vọng, buồn khổ hạnh phúc gia đình tan vỡ, ly thân, ly hôn, con cái không ai chăm sóc...), gây tổn thất về thời gian, chi phí chăm sóc và điều trị các bệnh của người nghiện do ma tuý gây ra

Ma túy còn để lại những hệ lụy xấu cho cộng đồng xã hội: Gây mất trật tự an toàn xã hội, gia tăng các tệ nạn xã hội: lừa đảo, trộm cắp, giết người, mại dâm, băng nhóm... Ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc. Làm giảm sút sức lao động sản xuất trong xã hội. Tăng chi phí ngân sách xã hội cho các hoạt động ngăn ngừa, khắc phục, giải quyết các hậu quả do ma tuý đem lại.

Ma tuý còn là nguồn gốc, là điều kiện nảy sinh, lan truyền đại dịch HIV/AIDS (một hiểm hoạ toàn cầu chưa có thuốc chữa...). Các chất ma tuý ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống hoocmon sinh sản, làm giảm khả năng sinh hoạt tình dục, ảnh hưởng đến quá trình phân bào hình thành các giao tử, tạo cơ hội cho các gen độc có điều kiện hoạt hoá, dẫn tới suy yếu nòi giống.

Bộ tài liệu kỹ năng phòng chống ma túy trong trường học
Bộ tài liệu kỹ năng phòng chống ma túy trong trường học

Giúp học sinh, sinh viên tránh xa tệ nạn xã hội

Ngành Giáo dục có gần 23 triệu học sinh, sinh viên và trên 2 triệu cán bộ, giáo viên, chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Đây là lực lượng quan trọng đối với tương lai của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, lứa tuổi học sinh, sinh viên cũng rất dễ bị tác động, lôi kéo tham gia tệ nạn ma tuý nếu như không có biện pháp phòng ngừa thường xuyên, quyết liệt.

Việc tổ chức giáo dục tốt cho thanh thiếu niên, học sinh sinh viên về phòng, chống ma tuý cũng chính là nâng cao nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ cho bản thân mỗi học sinh, sinh viên, nói không với ma túy, tránh xa các tệ nạn xã hội, đảm bảo cho việc học tập trong môi trường lành mạnh, an toàn. Theo đó, học sinh, sinh viên cũng chính là lực lượng quan trọng trong công tác tuyên truyền phòng chống ma tuý cho toàn xã hội.

Mặc dù nhà nước, ngành Giáo dục luôn coi trọng việc giáo dục cho học sinh sinh viên về tác hại của ma túy và các chất kích thích khác. Tuy nhiên, những việc làm đó vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn hiệu quả tình trạng ma túy đang có dấu hiệu tấn công, xâm nhập vào trường học.

Nhận thức và hành động của học sinh, sinh viên trong trường học vẫn là điều rất đáng lo ngại, đặc biệt là trước sự xuất hiện của ngày càng nhiều loại ma túy tổng hợp mới, đa dạng, ẩn dưới nhiều hình thức như thuốc lá điện tử, trà sữa, bóng cười... cùng thủ đoạn tinh vi của các nhóm đối tượng hoạt động có tổ chức.

Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống ma túy trong trường học, Bộ GD&ĐT xây dựng và ban hành dự án "tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025" với mục tiêu tạo chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của các thành viên trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy, ngăn chặn không để tệ nạn ma túy xâm nhập vào trường học, đặc biệt là các trường học thuộc khu vực phức tạp về tệ nạn ma túy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.