Nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp tục thực hiện đúng chương trình hành động đã hứa với cử tri góp phần nâng cao chất lượng hoạt động.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội - Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội nghị.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội - Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội nghị.

Chiều 15/12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị “Một số giải pháp tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội thành phố. Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Nguyễn Kim Sơn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội - Nguyễn Lan Hương và các đại biểu Quốc hội thành phố. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội - Phạm Thị Thanh Mai chủ trì hội nghị.

Trách nhiệm đại biểu dân cử

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, đại biểu Quốc hội chuyên trách Nguyễn Tuấn Thịnh cho biết, để nội dung trao đổi được tập trung, hội nghị đạt kết quả đề ra, đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến vào 6 nhóm nội dung gồm: Nâng cao chất lượng bầu cử; nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội trong các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, xây dựng luật; hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ và quyền hạn; hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong giữ mối quan hệ với cử tri; tăng cường các yếu tố nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động đại biểu Quốc hội; xây dựng cơ chế đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Quang cảnh buổi họp.

Quang cảnh buổi họp.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá chất lượng đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV đã được nâng lên rõ rệt, thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu dân cử. Theo đó, công tác tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kiến nghị cử tri ngày càng được đổi mới. Cùng với đó, cử tri ngày càng quan tâm, theo dõi sát sao các đại biểu Quốc hội để xem tâm tư, nguyện vọng của cử tri được truyền tải đến các kỳ họp và được giải quyết ra sao.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Đống Đa - Đỗ Trọng Nam đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội như trình độ từ đại học trở lên, phải là người thực sự có kinh nghiệm công tác và uy tín, điều kiện tham gia hoạt động của Quốc hội. Về lâu dài, cần nghiên cứu nâng độ tuổi người ứng cử đại biểu Quốc hội để đáp ứng tiêu chuẩn về kinh nghiệm công tác, hoạt động xã hội.

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm tiếp xúc cử tri chéo giữa các đơn vị bầu cử của Hà Nội, ông Đỗ Trọng Nam cũng đề nghị Quốc hội cần cụ thể hóa, quy định rõ việc tiếp xúc chéo tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương khác nơi đại biểu Quốc hội ứng cử.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Oai - Nguyễn Thị Bích Thủy đề nghị các đại biểu Quốc hội cần thông tin báo cáo kết quả hoạt động, kết quả các kỳ họp Quốc hội nhiều và cụ thể hơn nữa. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về tiếp xúc cử tri để phục vụ theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Cầu Giấy - Mai Quý Dân đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chương trình hành động của mình đã đề ra khi vận động bầu cử.

Nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri

Về phía các đại biểu Quốc hội trân trọng sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội để đại biểu hoàn thành nhiệm vụ trên địa bàn. Đồng thời, đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân thành phố. Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường mong muốn, để bảo đảm chuyển tải có hiệu quả các tâm tư của cử tri và nhân dân, tại cuộc tiếp xúc cử tri đại biểu Quốc hội sẽ đón nhận được nhiều nhất các ý kiến mang tính phổ quát để có thêm tư liệu phản ánh trên nghị trường Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội nghị.

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội nghị.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ cho rằng, để công tác tiếp công dân hiệu quả, cần tăng cường số lượng đại biểu và có tổ giúp việc phân loại ý kiến của công dân. Đồng thời có cơ chế thuê giúp việc chuyên môn phù hợp với thực tiễn hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh đề nghị cần công khai quyết định tại nghị trường của đại biểu Quốc hội để cử tri giám sát việc xây dựng chính sách pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời có cơ chế đủ mạnh để xử lý các cơ quan, đơn vị không kịp thời giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri được đại biểu Quốc hội chuyển đến.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội - Nguyễn Lan Hương đề nghị lựa chọn kỹ từ chất lượng đại biểu, tính đến đặc thù địa phương, kiến thức, kỹ năng, năng lực xã hội. Đại biểu cũng cần duy trì mối quan hệ với cử tri và nhân dân nơi ứng cử, nơi cư trú, phải dành thời gian và sự quan tâm lắng nghe ý kiến cử tri để truyền tải tới diễn đàn Quốc hội. Theo bà Nguyễn Lan Hương, đại biểu cần thực hiện đúng chương trình hành động đã hứa với cử tri, có trách nhiệm từ nghị trường Quốc hội tới sâu sát cơ sở, gần gũi cử tri.

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội - Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh, các ý kiến của đại biểu trao đổi tại hội nghị khẳng định sự gắn bó mật thiết giữa cơ quan dân cử với hệ thống cơ quan mặt trận các cấp.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng như các đại biểu Quốc hội luôn ý thức không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội các cấp thành phố để nâng cao chất lượng trong các hoạt động tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến góp ý, tổ chức phản biện,… Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.