Nâng cao năng lực giáo viên thực hiện công tác xã hội trường học

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT tổ chức khai mạc tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên thực hiện thí điểm mô hình công tác xã hội trường học.

Quang cảnh lớp tập huấn.
Quang cảnh lớp tập huấn.

Sáng 20/7, Bộ GD&ĐT tổ chức khai mạc tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên thực hiện thí điểm mô hình công tác xã hội trường học trong việc hỗ trợ, bảo vệ học sinh, đặc biệt là nhóm học sinh yếu thế tại các cơ sở giáo dục.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Văn Đạt - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội tại các cơ sở giáo dục có vai trò quan trọng trong việc tư vấn hỗ trợ học sinh.

Tư vấn tâm lý được hiểu là sự áp dụng nguyên tắc tâm lý, sức khỏe tinh thần hay nguyên tắc về sự phát triển con người thông qua các chiến lược can thiệp một cách có hệ thống về nhận thức, xúc cảm, hành vi, tập trung vào sự phát triển cá nhân lành mạnh, phát triển nghề nghiệp cũng như vấn đề bệnh lý.

Tư vấn tâm lý tập trung giải quyết vấn đề cụ thể liên quan đến tâm lý của một cá nhân. Trong khi đó công tác xã hội hướng tới giúp đỡ cá nhân, nhóm và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội, bao gồm các vấn đề vi mô như các mối quan hệ xã hội của cá nhân hay vấn đề vĩ mô như quyền con người, công bằng xã hội...

Giai đoạn 2015 - 2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác tư vấn tâm lý trong trường học như Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học..

Hằng năm, Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các Sở GDĐT thực hiện các nhiệm vụ về công tác xã hội và tư vấn tâm lý và học đường; phối hợp tích cực với các bộ ngành, các tổ chức quốc tế triển khai thực hiện các hội thảo, tập huấn, khảo sát, biên soạn tài liệu hướng dẫn, xây dựng các ấn phẩm truyền thông.

Nhằm giúp cán bộ giáo viên có thêm công cụ để thực hiện ngày càng tốt hơn hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thí điểm mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại một số cơ sở giáo dục phổ thông ở 4 tỉnh thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Đồng Tháp. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn cho 12 cán bộ, giáo viên tại các địa phương triển khai thí điểm.

Để lớp tập huấn đạt được hiệu quả, ông Trần Văn Đạt đề nghị các thầy cô, chuyên gia đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu của tập huấn, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn được trao đổi, tương tác, chia sẻ và giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn xử lý các tình huống trên thực tiễn về công tác xã hội tại trường học.

Đồng thời đánh giá những kết quả đạt được cũng như hạn chế còn tồn tại của tập huấn để đưa ra những đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên về triển khai tư vấn tâm lý, công tác xã hội của Bộ GD&ĐT.

Tại buổi tập huấn, các cán bộ giáo viên đã tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, tương tác thực hành trong các chuyên đề, tiếp thu và cầu thị nắm bắt những kiến thức, kỹ năng cần thiết để áp dụng thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình. Cùng với đó, các học viên đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những tình huống thực tiễn gặp phải tại các nhà trường.

Các chuyên đề sẽ được triển khai trong lớp tập huấn gồm:

1. Triển khai mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục phổ thông - Tầm quan trọng, cơ sở pháp lý và đối tượng can thiệp;

2. Cơ cấu tổ chức và các hoạt động của mô hình công tác xã hội - tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục phổ thông;

3. Hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục phổ thông

4. Hướng dẫn triển khai hoạt động hỗ trợ, can thiệp với nhóm học sinh yếu thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.