Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Văn Đạt - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trường học là nơi học sinh dành khá nhiều thời gian hàng ngày và cũng là môi trường có ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát triển của các em.
Tuy nhiên, học sinh trong các trường học ở Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng, ảnh hưởng lớn tới việc học tập và quyền của các em. Ví dụ như: bạo lực, xâm hại, bắt nạt, nghiện games, nghiện ma túy, sức khỏe tâm thần, bỏ học, khuyết tật, nghèo đói, thiếu kỹ năng sống, giá trị sống...
Do tính chất đan xen, đa dạng, nhiều chiều và phức tạp của các vấn đề này cho nên đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, can thiệp đồng bộ nhiều hơn nữa thông qua các hoạt động, dịch vụ khác nhau, trong đó có hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học.
Các đại biểu dự hội thảo |
Giai đoạn 2015-2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản liên quan đến tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học, trong đó có Thông tư số 31 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Thông tư 33 hướng dẫn công tác xã hội trong trường học cùng nhiều văn bản, kế hoạch, chương trình, dự án khác về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường.
Hằng năm, Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các Sở GD&ĐT thực hiện các nhiệm vụ về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường; phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức quốc tế thực hiện các hội thảo, tập huấn, khảo sát, thí điểm mô hình tư vấn học đường, biên soạn tài liệu hướng dẫn, xây dựng các ấn phẩm truyền thông.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã triển khai khảo sát tại 13 tỉnh, thành phố từ tháng 8 đến tháng 11/2022 nhằm mục đích đánh giá công tác chỉ đạo và việc triển khai thực hiện hoạt động công tác xã hội và hoạt động tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục.
Ông Trần Văn Đạt - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai mạc hội thảo. |
Hiện nay, một số địa phương đã quan tâm triển khai hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường một cách tích cực. Một số cơ sở giáo dục đã quan tâm tổ chức thực hiện các hoạt động này như: Bố trí nhân sự kiêm nhiệm, huy động kết nối nguồn lực xã hội hóa để triển khai, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, quan tâm công tác kiểm tra, giám sát...
Vì vậy, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về triển khai công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục được tổ chức nhằm mục đích nâng cao kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm về công tác xã hội trường học và tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục; tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiêu biểu về triển khai công tác xã hội trường học và tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục.
Hội thảo được nghe 4 tham luận “Hoạt động công tác xã hội trường học tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay”, “Kinh nghiệm triển khai hiệu quả hoạt động công tác xã hội trường học tại các cơ sở giáo dục”, “Mô hình phòng tư vấn tâm lý học đường tại trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội”, "Công tác phối hợp và phát huy nguồn lực trong tư vấn tâm lý học đường tại trường THPT Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình” cùng nhiều ý kiến tham gia thảo luận trực tiếp.
Thông qua hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều vấn đề về kinh nghiệm triển khai công tác xã hội trường học và tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam hiện nay, đề xuất giải pháp thiết thực cũng như mục tiêu, chiến lược để Bộ GD&ĐT cũng như các Sở GD&ĐT, Phòng GDĐT và các cơ sở giáo dục nghiên cứu triển khai hiệu quả hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học trong thời gian tới.