Tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tổ chức Chương trình chào mừng ngày công tác xã hội Việt Nam lần thứ VII với chủ đề “Công tác xã hội Việt Nam: Chuyên nghiệp - Sáng tạo - Phát triển”.
Văn nghệ Chào mừng ngày công tác xã hội lần thứ VII với chủ đề “Công tác xã hội Việt Nam: Chuyên nghiệp - Sáng tạo - Phát triển”. |
Phát biểu tại chương trình, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm cho biết, công tác xã hội đã có lịch sử phát triển hơn một thế kỷ và ngày nay đã trở thành một nghề chuyên nghiệp được thừa nhận trên thế giới. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Công tác xã hội đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là quan tâm, hỗ trợ những những nhóm người yếu thế.
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thu được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển kinh tế, nhiều vấn đề xã hội đã nảy sinh cần phải quan tâm giải quyết. Với truyền thống của một dân tộc luôn đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành, đùm lá rách”, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh ngay trong quá trình phát triển. Với quan điểm “vừa quan tâm phát triển kinh tế, vừa quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong những năm qua, các quy định của pháp luật và chính sách xã hội cũng được ban hành có bổ sung vai trò của Công tác xã hội như: Bộ luật Lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư hướng dẫn CTXH trong các hoạt động chuyên ngành như trường học và bệnh viện. Có thể khẳng định hệ thống văn bản pháp luật đã từng bước được hoàn thiện, góp phần bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế, giảm thiểu những rào cản, sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm phát biểu khai mạc chương trình. |
Bí thư trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm thông tin: Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu điểm khởi đầu cho sự phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam.
Đặc biệt, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg về việc lấy ngày 25 tháng 3 hàng năm là “Ngày công tác xã hội Việt Nam”. Đây là dịp để tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội, ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Từ đó đến nay, các cơ sở đào tạo không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, trong đó đã có các cơ sở đào tạo công tác xã hội ở bậc thạc sỹ, tiến sỹ. Đến nay cả nước có: 55 cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội ở trình độ cao đẳng và trình độ đại học, 5 cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội ở trình độ thạc sĩ và 2 cơ sở đào tạo ở trình độ tiến sĩ.
Tại các địa phương đã hình thành hệ thống Trung tâm dịch vụ công tác xã hội cấp tỉnh và huyện, hệ thống Trung tâm này đã bắt đầu cung cấp những dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm khẳng định, trong những năm vừa qua, Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn trong xu thế chung của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là những thách thức mới do đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội của nhiều đối tượng, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên.
Trong bối cảnh đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã nỗ lực, thể hiện rõ vai trò của mình gắn với các hoạt động công tác xã hội chuyên nghiệp thông qua các phong trào và chương trình hành động như phong trào Thanh niên tình nguyện, tiếp sức đến trường, cuộc vận động vì đàn em thân yêu, chương trình triệu túi an sinh…
Theo anh Nguyễn Tường Lâm, vai trò của Đoàn Thanh niên các cấp được khẳng định rõ nét trong việc tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, vấn đề mới phát sinh, các hoạt động an sinh xã hội, tham gia phát triển cộng đồng, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, thanh niên yếu thế, dễ bị tổn thương….
Trong các chương trình đồng hành với thanh thiếu niên chăm sóc sức khỏe tinh thần, phát triển kỹ năng xã hội, hoạt động giáo dục trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, ứng xử, giải quyết các vấn đề, phản biện, làm việc nhóm, kỹ năng hội nhập, nâng cao thái độ tích cực của thanh niên trong học tập, lao động, cuộc sống… với phương thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng chính đáng của thanh thiếu nhi.
Đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Đoàn các cấp tích cực, chủ động thực hiện và tham gia giám sát Luật trẻ em năm 2016, thực hiện tốt vai trò tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; kịp thời phản ánh, đề xuất, kiến nghị và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em, đặc biệt là phòng chống bạo lực học đường, phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích và bạo hành, xâm hại trẻ em. Các hoạt động lên tiếng bảo vệ trẻ em thông qua các vụ việc ngày càng được thực hiện chủ động, kịp thời.
Mô hình “Hội đồng trẻ em” được triển khai thí điểm thành công, trở thành phương thức hiệu quả để phát huy quyền tham gia của trẻ em. Toàn Đoàn đã chủ động, tích cực chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn cho trẻ em trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, bền vững, đặc biệt là trẻ em các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số và các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
"Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ vai trò tiên phong, là một trong những tổ chức đi đầu đồng hành với các nhóm thanh thiếu nhi và người dân trong cộng đồng nhất là những người yếu thế vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng, bình đẳng và phát triển. Trong thời gian tới, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục triển khai và chỉ đạo các cấp bộ Đoàn thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã đề ra, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc chăm lo cho nhóm thanh thiếu nhi yếu thế về cơ hội phát triển, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, phát triển của thanh niên trong các hoạt động của đoàn gắn với công tác xã hội", Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm nhấn mạnh.
Trước đó, sáng 23/3, Trung ương Đoàn đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện khung pháp lý phát triển công tác xã hội tại Việt Nam".