Theo Điều lệ trường tiểu học, hiệu trưởng có trách nhiệm quản lý hành chính; quản lý và tự chủ trong việc sử dụng các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường theo quy định; tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện xã hội hóa giáo dục, phối hợp tổ chức, huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia hoạt động giáo dục, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng xã hội.
Thông tư ban hành năm 2020 với quy định rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Nhưng từ hiểu đến thực hiện mỗi nơi mỗi khác, thể hiện qua thực trạng lạm thu đầu năm.
Động thái từ địa phương
Tại hội nghị khối phòng GD&ĐT thuộc Sở GD&ĐT TPHCM ngày 4/10, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở đề nghị các phòng GD&ĐT tham mưu UBND quận/huyện/thành phố kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh trường hợp thu các khoản không đúng quy định. Thu tài trợ được quy định rõ theo Thông tư 16/2018 của Bộ GD&ĐT, nhưng tại sao cứ nhằm vào phụ huynh để thu, rồi chia trung bình. Thầy, cô không thu cho mình nhưng ngó lơ để xảy ra những khoản thu trái quy định, gây bức xúc trong dư luận cần phải xử lý.
Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định, mọi công việc, thông tin giữa ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường, hiệu trưởng phải nắm, có thông tin, bàn bạc để tạo sự đồng thuận. Hiệu trưởng không thể nói không biết khi xảy ra tình trạng thu sai quy định…
Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, thời gian qua Hà Nội ghi nhận một số phản ánh về thu chi. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, sở đã quán triệt các quy định liên quan đến công tác thu chi, dạy - học thêm, dạy bổ trợ.
Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất về thực hiện nhiệm vụ năm học, nhất là nội dung dư luận quan tâm, phản ánh. Để ngăn hiện tượng ép học sinh học thêm, sở yêu cầu nhà trường thực hiện đúng quy định Thông tư số 17/2012 của Bộ GD&ĐT.
Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho hay, UBND quận đã có văn bản phê duyệt danh mục các khoản thu khác trong trường công lập năm học 2023 - 2024. Hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, THCS tổ chức thu, quản lý và sử dụng theo đúng quy định.
Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi; nội dung chi phải được thỏa thuận bằng văn bản của phụ huynh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên trước khi ban hành và thực hiện.
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - giảng viên cao cấp của Học viện Quản lý Giáo dục. |
Nâng cao năng lực
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS, giảng viên cao cấp Trần Thị Minh Hằng (Học viện Quản lý Giáo dục) nhận định, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước chưa có nguồn kinh phí thỏa đáng để đầu tư công cho giáo dục nhằm phát triển toàn diện và thực hiện Chương trình GDPT mới.
Do đó, huy động nguồn lực toàn dân là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, cơ sở giáo dục cần thực hiện đúng theo văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, chính quyền địa phương.
Cụ thể, HĐND tỉnh tới UBND huyện phải quy định rõ năm học này, các nhà trường được phép thu khoản gì, mức thu tối đa bao nhiêu? Chính quyền các cấp phê duyệt sau đó nhà trường mới thu từ phụ huynh. Đồng thời, chủ trương về xã hội hóa giáo dục cần có sự đồng thuận từ nhà trường, người dân, đảm bảo đem lại lợi ích tối đa cho học sinh. Nếu đơn vị nào thu các khoản trái quy định phải xử lý thích đáng.
“Thu bất cứ khoản gì, giáo viên đều chịu sự chỉ đạo của hiệu trưởng. Do đó, để tránh tình trạng thu sai quy định cần nâng cao năng lực đội ngũ quản lý. Trách nhiệm này giao cho sở, phòng GD&ĐT địa phương. Hiệu trưởng phải có năng lực tuyên truyền cho phụ huynh thấu hiểu, đồng thuận khi quyết định thu các khoản. Muốn vậy, tập huấn cho đội ngũ giáo viên cách thức trao đổi với phụ huynh. Phụ huynh nào đồng thuận thì thu và ngược lại”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, đối với các trường ngoài công lập, việc thu chi đa số dựa trên thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh. Mức thu có thể cao hơn nhiều lần so với trường công, nhưng trường tư có cam kết về chất lượng đào tạo. Giả sử, cho học sinh học thêm tiếng Anh tăng cường thì cuối năm, trường sẽ báo cáo phụ huynh bằng số liệu cụ thể về sự tiến bộ của người học nên tạo được sự đồng thuận. Do đó, vấn đề cốt yếu ở đây là nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ hiệu trưởng và giáo viên nhà trường.
“Một bộ phận người dân có tâm lý đám đông, chưa tìm hiểu kỹ nhưng vẫn nói nhà trường lạm thu dù trường thu đúng quy định. Chưa bao giờ ngành Giáo dục chịu nhiều áp lực từ dư luận xã hội như hiện nay. Chúng ta cần nhìn nhận những kết quả đáng tự hào của giáo dục. Nước ta còn vô vàn tấm gương nhà giáo, cán bộ quản lý tâm huyết ngày đêm tận hiến vì học trò. Các thầy cô cần sự thấu cảm từ xã hội. Bản thân họ cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả để bám trụ với nghề”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng bày tỏ.
Thầy Chu Quang Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ, nhà trường đang chờ quyết định chính thức từ UBND huyện về hướng dẫn các khoản thu trong năm học, sau đó mới cân nhắc mức thu cụ thể để áp dụng với từng đối tượng.
Nằm ở địa bàn thuần nông, phụ huynh đa số làm nông nghiệp và lao động tự do nên tình trạng nợ học phí vẫn diễn ra. Trường mới thu tiền Bảo hiểm y tế; các khoản được quy định trong Quyết định 51/2013 của UBND TP Hà Nội, trừ Điều 11 về thu chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết.