Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội, kết nối với các điểm cầu tại các cơ sở giáo dục cả nước. Dự tại hội nghị có ông Nguyễn Ngọc Ân- Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Hợp- Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; đại diện Ban thường vụ, Ban chấp hành cùng lãnh đạo, cán bộ công đoàn phụ trách công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT, Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội, Công đoàn các Đại học vùng, Công đoàn các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và các đơn vị trong 7 khối thi đua của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Tại buổi tập huấn, TS Trần Văn Đạt- Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) đã trình bày chuyên đề "Kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong tình hình mới". ThS Vũ Tuấn Anh đến từ Ban chính sách Pháp luật Tổng liên đoàn Việt Nam đã trình bày chuyên đề "Công đoàn Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và đảng viên".
Theo dõi các chuyên đề, các đại biểu đã cùng tập trung thảo luận, nêu những vướng mắc khó khăn trong quá trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ nhà giáo, người lao động, phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp công đoàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Ngọc Ân- Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ nhà giáo, người lao động được ngành giáo dục cũng như Công đoàn Giáo dục các cấp đặc biệt quan tâm.
Trong năm 2022, Công đoàn Giáo dục Việt Nam xác định một số nội dung pháp luật trọng tâm cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục gồm: Tuyên truyền, phổ biến chủ trương. đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ nhà giáo, người lao động.
Cùng với đó là các văn bản, quy định mới, chủ trương mới về giáo dục, đào tạo; các quy định, các văn bản, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới; tự chủ đại học, công tác thi, tuyển sinh năm 2022; những nội dung pháp luật liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới...
Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đẩy mạnh tuyên truyền những quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ nhà giáo, vận động cán bộ nhà giáo chủ động trong tìm hiểu, nghiên cứu, vận dụng và gương mẫu trong thực thi pháp luật; gắn việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao với việc thông tin, phổ biến pháp luật tới đồng nghiệp, tới nhân dân và học sinh, sinh viên, gắn phổ biến pháp luật với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và vận động nhân dân thực hiện.
Trong quá trình phối hợp tham gia đề xuất, góp ý xây dựng các văn bản, cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến quyền, lợi ích của đoàn viên, cán bộ nhà giáo, người lao động và tổ chức Công đoàn cần chú ý định hướng dư luận nhằm tạo sự đồng thuận, đặc biệt khi góp ý xây dựng, sửa đổi một số luật trong năm 2022 như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế; Luật Công đoàn; Luật Nhà giáo.