Nâng cao hiệu quả dạy học theo mô hình VNEN

GD&TĐ - Mô hình VNEN triển khai trong các trường tiểu học thực sự đã có kết quả khả quan, bước đầu được xã hội tin tưởng. HS được phát triển theo hướng phát triển năng lực, năng động, chủ động, tự tin, mạnh dạn giao tiếp... 

Nâng cao hiệu quả dạy học theo mô hình VNEN

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những hạn chế, khó khăn, đặc biệt từ phía giáo viên khiến một số trường tiểu học chưa thực sự phát huy hết hiệu quả của mô hình này.

Đâu đó vẫn còn hình thức

Mô hình VNEN thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo nguyên tắc lấy HS làm trung tâm, học tập mang tính tương tác và phù hợp với từng cá nhân HS, chuyển việc truyền thụ của giáo viên thành việc hướng dẫn HS tự học.

Từ thực tế triển khai VNEN, cô Phạm Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạnh Sơn (Văn Chấn, Yên Bái) - cho biết: Bài Hướng dẫn học theo Mô hình VNEN được viết dưới dạng “mở”. Bộ GD&ĐT đã cho phép giáo viên được điều chỉnh tài liệu dạy học.

Năm học 2014 - 2015, Dự án GPE - VNEN đã tập huấn bộ công cụ giúp giáo viên bước đầu biết cách điều chỉnh tài liệu Hướng dẫn học. Tuy nhiên, trên thực tiễn, giáo viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi điều chỉnh tài liệu.

Cũng do việc nghiên cứu và xử lý tài liệu Hướng dẫn đọc chưa tốt, nên đâu đó việc thực hiện Mô hình VNEN còn mang nặng tính hình thức, còn tình trạng giáo viên ham giảng; khâu kiểm soát chất lượng và dạy đến từng HS chưa được chú trọng. Giáo viên chưa thấy hết tầm quan trọng của việc rèn cho HS phương pháp tự học và học theo nhóm.

Hậu quả của việc không được rèn thói quen tự học và học theo nhóm là thói quen chờ đợi, không tự mình suy nghĩ, tìm tòi để phát hiện ra kiến thức mới.

Đó là chưa kể, về hoạt động của Hội đồng tự quản, một số nhóm trưởng chưa biết cách lãnh đạo nhóm hoạt động. Công cụ học tập, góc học tập, hòm thư bạn bè, hòm thư điều em muốn nói... chưa được sử dụng thường xuyên.

Giáo viên phải nắm chắc phương pháp dạy học VNEN

Khi bắt đầu triển khai Mô hình VNEN, Trường Tiểu học Hạnh Sơn đã chỉ đạo tốt công tác bồi dưỡng giáo viên theo hướng tự học, tự bồi dưỡng, tự làm đồ dùng dạy học, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp qua sinh hoạt chuyên môn tại tổ, trường.

Giáo viên hướng dẫn HS sử dụng tài liệu Hướng dẫn học tập để tự học, tự đánh giá; tổ chức cho HS hoạt động khám phá, phát hiện kiến thức, kĩ năng mới thông qua quá trình học tập mang tính hợp tác. Giáo viên chỉ hỗ trợ và hướng dẫn HS khi cần thiết.

5 giải pháp được cô Phạm Thị Thu Huyền chia sẻ. Theo đó, bên cạnh việc hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung bài hướng dẫn học; đổi mới cách học của HS; chỉ đạo các lớp xây dựng, bồi dưỡng năng lực cho Hội đồng tự quản, nhóm trưởng, nhà trường tập trung bồi dưỡng phương pháp cho giáo viên và chỉ đạo sinh hoạt chuyên môn tập trung vào xây dựng dạy học đúng theo phương pháp của Mô hình VNEN.

“Ngay những tháng đầu năm học, chúng tôi đã yêu cầu các tổ khối phải xây dựng kế hoạch thực hiện dự án VNEN. Trong đó, cụ thể hóa chuyên đề của từng tháng, từng kỳ và cả năm tập trung nghiên cứu về dạy học theo Mô hình VNEN; xác định những vấn đề còn hạn chế, phương án, biện pháp giải quyết, cách thức tiến hành.

Quy chế thực hiện, quy chế sinh hoạt chuyên môn, hồ sơ, sổ sách ngay đầu năm đều được xây dựng rõ ràng, cụ thể, mỗi giáo viên cần có sổ ghi chép VNEN riêng.

Mỗi tháng, nhà trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn ít nhất 4 lần, trong đó có 1 buổi sinh hoạt chuyên môn cấp trường tập xây dựng chuyên đề về VNEN.

“Chúng tôi cũng quy định mỗi giáo viên dạy VNEN đều phải dạy ít nhất 1 tiết chuyên đề cấp tổ về VNEN trong năm học. Mỗi tổ tham gia dạy 2 chuyên đề cấp trường trở lên.

Sinh hoạt chuyên đề đều phải thực hiện theo đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Ngoài ra, tăng cường dự giờ, xây dựng phương pháp cho các giáo viên dạy học VNEN để đảm bảo HS được tăng cường tính chủ động, tích cực, tự giác học tập, chấm dứt dạy theo lối đọc chép” - Hiệu trưởng Phạm Thị Thu Huyền chia sẻ.

Khi dạy học theo Mô hình VNEN, vai trò của giáo viên có sự chuyển đổi rõ rệt so với dạy học truyền thống. Giáo viên thực hiện quy trình dạy học với 5 bước: Gợi động cơ, tạo hứng thú; trải nghiệm; phân tích, khám phá, rút ra bài học; thực hành; vận dụng.

Để làm tốt 5 bước này, theo cô Phạm Thị Thu Huyền, đòi hỏi bản thân giáo viên phải tự thiết kế, đạo diễn các hoạt động học tập để giúp HS tự phát hiện kiến thức, phân tích kiến thức và sử dụng kiến thức.

Chẳng hạn, muốn không khí lớp học vui tươi, kích thích sự tò mò, khơi dậy hứng thú của HS về chủ đề sẽ học, giáo viên phải nghiên cứu thật kỹ tài liệu để lựa chọn hình thức phù hợp. Có thể là đặt câu hỏi, câu đố vui, kể chuyện, một tình huống, tổ chức trò chơi hoặc sử dụng các hình thức khác...

“Với người quản lý, để bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy VNEN cho giáo viên, cần cung cấp đầy đủ tài liệu để giáo viên nghiên cứu. Đồng thời, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán VNEN đủ năng lực, khả năng giảng dạy tốt; cử giáo viên cốt cán tham gia đầy đủ các đợt tập huấn VNEN cấp Trung ương, tham gia sinh hoạt cụm. Tổ cốt cán sẽ là người chia sẻ, đi dự giờ rút kinh nghiệm cho giáo viên.

Bên cạnh tổ chức tốt các đợt tập huấn VNEN, nhà trường nên tổ chức các chuyên đề về VNEN, yêu cầu mỗi giáo viên đều phải tham gia giảng dạy.

Qua thực dạy có sự rút kinh nghiệm của đồng nghiệp, các giáo viên sẽ nắm bắt dần về phương pháp. Cùng với đó, có thể tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi, thao giảng theo phương pháp VNEN; tổ chức sinh hoạt theo các chuyên đề về dạy VNEN như chuyên đề cách thành lập Hội đồng tự quản, nghiên cứu cấu trúc tài liệu hướng dẫn học...” - Cô Phạm Thị Thu Huyền chia sẻ thêm.

Tỉnh Yên Bái hiện nay mới có 14 trường tiểu học thực hiện dạy học theo Mô hình VNEN. Trong đó Trường Tiểu học Hạnh Sơn đã được tham gia thực hiện thí điểm đổi mới dạy học theo Mô hình VNEN từ năm học 2012 - 2013, ban đầu thực hiện ở 6 lớp khối 2 và khối 3. Số lớp học VNEN tăng dần, đến năm học 2015 - 2016 có 12/15 lớp từ khối 2 - 5 thực hiện học theo VNEN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ