Nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học

GD&TĐ - Tăng cường huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học là một trong những chính sách sửa đổi Luật Giáo dục đại học.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham gia nghiên cứu khoa học.
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham gia nghiên cứu khoa học.

Thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;

Đồng thời, triển khai định hướng của Quốc hội về hoàn thiện thể chế theo hướng xây dựng luật khung, “luật mềm”, Bộ GD&ĐT tổ chức tham vấn rộng rãi chính sách sửa đổi Luật Giáo dục đại học; trong đó có một số chính sách như:

Tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học

Chính sách xác định rõ định hướng hiện đại hóa cơ chế tài chính cho giáo dục đại học theo hướng công bằng, minh bạch, hiệu quả và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục, không phân biệt công lập hay tư thục.

Theo phương án được lựa chọn, ngân sách nhà nước sẽ được phân bổ dựa trên kết quả đầu ra, gắn với hiệu quả hoạt động, chất lượng đào tạo và sứ mệnh phát triển. Cơ chế phân bổ này áp dụng chung cho cả các cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục, bảo đảm nguyên tắc đối xử bình đẳng, đặc biệt là với các trường tư thục không vì lợi nhuận.

Đồng thời, chính sách mở rộng quyền tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đại học, cho phép chủ động sử dụng toàn bộ nguồn thu hợp pháp và phát triển các hình thức hợp tác đầu tư, liên kết đào tạo, hợp tác công – tư, cũng như huy động đa dạng nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức quốc tế và người học.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục, chính sách hướng đến tạo hành lang pháp lý rõ ràng để tiếp cận các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, cũng như được tham gia bình đẳng vào các nhiệm vụ nghiên cứu, đầu tư công, chương trình mục tiêu nếu đáp ứng yêu cầu về chất lượng và hiệu quả xã hội.

Đây là bước đi thiết yếu để giải phóng nguồn lực xã hội cho giáo dục đại học, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình tài chính, góp phần xây dựng hệ thống giáo dục đại học hiện đại, đa dạng hóa loại hình và bền vững về tài chính.

vimachjpg1.jpg
Học sinh trải nghiệm tại Ngày hội tuyển sinh các ngành khoa học và công nghệ năm 2025. Ảnh: Dương Triều.

Phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính

Chính sách đề xuất luật hóa vị thế pháp lý và định danh giảng viên đại học như một lực lượng học thuật nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học. Theo đó, giảng viên không chỉ là người giảng dạy mà còn là chủ thể của tri thức, đổi mới sáng tạo và kết nối xã hội, đóng vai trò trung tâm trong đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng và hội nhập quốc tế.

Luật sẽ quy định ngắn gọn, nguyên tắc và có chọn lọc về nhiệm vụ, quyền hạn của giảng viên trên cơ sở kế thừa Luật Giáo dục và dự thảo Luật Nhà giáo, nhưng có điểm nhấn riêng của giáo dục đại học, bao gồm: tham gia giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; phát triển chuyên môn học thuật liên tục; tham gia hoạt động học thuật, phản biện xã hội, tư vấn chính sách…

Cùng với đó, chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học xây dựng môi trường học thuật hiện đại, sáng tạo và liêm chính, thúc đẩy tự do học thuật đi đôi với trách nhiệm giải trình, đề cao giá trị minh bạch, trung thực trong giảng dạy và nghiên cứu.

Nhà nước có cơ chế thu hút, bồi dưỡng, đãi ngộ và phát triển giảng viên xuất sắc, nhất là ở các lĩnh vực then chốt, ngành đào tạo đặc thù, khu vực khó khăn và các trường đại học mới thành lập. Các trường được chủ động về cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh, trả lương theo năng lực và hiệu quả học thuật, gắn với chiến lược phát triển đội ngũ.

Chính sách này sẽ tạo nền tảng để hình thành một đội ngũ giảng viên, nhà khoa học có bản sắc đại học, năng lực nghiên cứu, tinh thần đổi mới sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp, đóng góp cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đại học, phát triển khoa học công nghệ và hội nhập tri thức toàn cầu.

quansujpg1.jpg
Sinh viên Học viện Kỹ thuật quân sự.

Đổi mới công tác bảo đảm chất lượng theo hướng hiện đại và thực chất

Chính sách đề xuất chuyển đổi toàn diện cơ chế bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, theo hướng hiện đại hóa công cụ, tăng cường tự chủ và đề cao trách nhiệm giải trình. Kiểm định chương trình bắt buộc sẽ chỉ áp dụng đối với lĩnh vực đặc thù như sư phạm, y tế. Khuyến khích phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ hiện đại, sử dụng công nghệ và dữ liệu số. Mục tiêu là giảm hình thức, tăng minh bạch, và thúc đẩy cải tiến liên tục.

Luật hóa quyền và trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc thiết lập và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ, bảo đảm phù hợp với sứ mệnh, chiến lược phát triển và chuẩn đầu ra đã công bố. Việc tự đánh giá sẽ là nền tảng bắt buộc, gắn với kiểm định ngoài, kế hoạch cải tiến chất lượng, công khai thông tin và giải trình trước người học, xã hội và cơ quan quản lý.

Chính sách này tạo nền tảng để xây dựng văn hóa chất lượng thực chất, thúc đẩy cải tiến liên tục, tăng tính cạnh tranh và minh bạch trong hệ thống giáo dục đại học, hướng tới chuẩn mực chất lượng quốc tế trong thời đại số và hội nhập toàn cầu.

khoahoccongnghejpg3.jpg
Ngày hội tuyển sinh các ngành khoa học và công nghệ năm 2025. Ảnh: Dương Triều.

Thông qua quá trình tham vấn chính sách, Bộ GD&ĐT kỳ vọng tiếp thu đầy đủ, khách quan và đa chiều các ý kiến đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và cơ sở giáo dục đại học, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho giáo dục đại học Việt Nam. Đây sẽ là bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới sửa đổi Luật Giáo dục đại học theo hướng hiện đại, mở và hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ