Vì vậy việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên sư phạm và giáo viên là hoạt động cơ bản trong quá trình đào tạo và bồi dưỡng giảng viên. Nâng chất năng lực sư phạm cũng là đòi hỏi tất yếu đáp ứng quá trình đổi mới giáo dục căn bản toàn diện.
Yếu tố quyết định chất lượng
Nghiên cứu và khảo sát của các chuyên gia giáo dục, nhà quản lý giáo dục, giáo viên đã cho thấy đội ngũ giảng hiện nay nhìn chung có trình độ chuyên môn khá tốt song trình độ sư phạm lại còn nhiều hạn chế.
Rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này song vấn đề đặt ra bức thiết và trước mắt đó là cần tìm ra những biện pháp bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giáo viên phù hợp, giúp đội ngũ giảng viên nâng cao năng lực sư phạm bản thân... Trên cơ sở đó đáp ứng tốt nhất đòi hỏi của công tác giảng dạy trước yêu cầu nâng cao chất lượng và đổi mới căn bản giáo dục.
Có nhiều giải pháp để nâng cao trình độ sư phạm người giáo viên đã được chỉ ra. Trước tiên cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bồi dưỡng năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên đang giảng dạy trực tiếp hàng ngày thông qua tổ chức tăng cường dự giờ giảng của những giảng viên giỏi giúp các giảng viên khác có cơ hội được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm dạy học và nghiên cứu.
Mặt khác nhà trường cũng cần tạo mọi điều kiện để đội ngũ giảng viên có cơ hội tham gia học tập bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học... để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp...
Các cơ sở giáo dục nên đổi mới nội dung, hình thức thi đua khen thưởng theo hướng hiệu quả sát thực, nhân rộng những cá nhân đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Chủ động và thường xuyên đánh giá thực trạng về trình độ giảng viên nói chung để xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ.
Chủ động từ cơ sở giáo dục
Vấn đề xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho các đối tượng giảng viên khác nhau cũng quan trọng và không thể bỏ qua. Các nhà trường cần khảo sát nhu cầu bồi dưỡng của giảng viên sau đó tập hợp lại và phân chia thành các lớp.
Các lớp sẽ được sắp xếp, giảng dạy theo từng chuyên đề. Giảng viên là những người có chuyên môn, có trình độ sẽ thuyết trình, trao đổi, bàn bạc… những vấn đề, những nội dung bồi dưỡng để từ đó giúp cho đội ngũ giảng viên nhanh chóng nắm bắt được yêu cầu đề ra để thực hiện.
Cần cải tiến các hình thức tổ chức hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Khảo sát nhu cầu bồi dưỡng nâng cao để tổ chức thêm nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nâng cao. Hội giảng phải được tổ chức thành những buổi sinh hoạt chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm để giáo viên học tập, trau dồi kỹ năng giảng dạy. Tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng theo hình thức kết hợp tự bồi dưỡng và bồi dưỡng tập trung...
Một hoạt động không thể bỏ qua đó là xây dựng kế hoạch dự giờ và tổ chức hội thi giảng viên giỏi cấp trường hàng năm. Việc dự giờ không thể tuỳ tiện, trước khi dự giờ người tham dự cần xem trước nội dung bài học để khi dự giờ nhanh chóng hiểu và phân tích cái hay, cái hạn chế trong bài giảng của giảng viên.
Trong cùng tổ bộ môn tổ chức các buổi dự giờ chéo nhau để học hỏi kinh nghiệm, ngay sau buổi dự giờ thảo luận đóng góp ý kiến đánh giá, nhận xét chính xác, chân tình, có tính xây dựng, khuyến khích giảng viên phát triển những mặt mạnh, điều chỉnh những mặt còn hạn chế...
Phát huy trí tuệ nhà giáo
Các nhà trường cũng cần tạo ra cơ chế kích thích quá trình tự bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên. Có kế hoạch kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên, nhằm thúc đẩy các giảng viên tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Khuyến khích giảng viên có ý thức, chủ động và không ngừng tự học, tự bồi dưỡng để mở rộng tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình; nghiên cứu, cải tiến các phương pháp dạy học theo hướng dạy học tích cực, phối hợp với nội dung, chương trình, giáo trình mới và đặc điểm tâm lý sinh viên; sẵn sàng đổi mới và ủng hộ sự đổi mới của đồng nghiệp.
Đặc biệt, cần vận dụng các chế độ chính sách của nhà nước và có chế độ hỗ trợ thêm để giúp giảng viên trong học tập nâng cao trình độ. Sau khi học xong căn cứ vào trình độ cụ thể của giảng viên sẽ nâng mức lương theo hệ số, bảng lương mà nhà trường xây dựng.
Đảm bảo tốt các quyền lợi vật chất, tinh thần cho người giảng viên. Làm sao để mỗi giảng viên thấy được trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi của việc tự nâng cao năng lực sư phạm chính mình trong quá trình giảng dạy và cống hiến cho ngành Giáo dục.