Yêu cầu cấp bách
Trước yêu cầu về đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) chuyển từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực người học, TS Phan Thị Lan Phương, Phó Trưởng khoa Sư phạm (Trường Cao đẳng Cần Thơ) cho rằng, các trường sư phạm, các cơ sở đào tạo GV phải nhanh chóng chuẩn bị song song 2 nhiệm vụ là xây dựng chương trình đào tạo lại GV và bồi dưỡng năng lực sư phạm của các giảng viên đạt mức chuyên gia để đảm bảo yêu cầu đổi mới GDPT hiện nay.
Theo TS Phan Thị Lan Phương, trong quá trình tổ chức đợt thực tập sư phạm 1 và thực tập sư phạm 2 năm học 2016 - 2017, nhóm tác giả đã sử dụng hình thức phỏng vấn và quan sát sư phạm trong quá trình dạy học của 85 GV tại 7 trường THCS thành phố Cần Thơ.
Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ đáp ứng năng lực sư phạm của GV đối với yêu cầu của chương trình GDPT phổ thông mới là mức thấp và chưa đáp ứng được một số năng lực mới (mức đáp ứng thấp nhất là 6,0%, mức cao nhất là 92,0%).
Đồng thời trong quá trình phỏng vấn, phần lớn các GV (có tới 82% số ý kiến) cho biết, Bộ GD&ĐT đã có các đợt tập huấn xung quanh vấn đề đổi mới chương trình GDPT.
Tuy nhiên kết quả các đợt tập huấn đạt được ở mức làm thay đổi nhận thức về tính khách quan cần phải đổi mới giáo dục, còn để có được năng lực sư phạm mới thì phải cần được đào tạo lại, bồi dưỡng theo một chương trình tổng thể và cần có thời gian nhất định, không thể chỉ trong đợt tập huấn đại trà, với vài ba ngày mà có thể hình thành được các năng lực sư phạm mới.
Đào tạo lại GV theo cách tiếp cận mới
TS Phan Thị Lan Phương cho rằng, đào tạo lại và bồi dưỡng năng lực sư phạm cho GV là một quá trình tổ chức và thực hiện đào tạo GV theo cách tiếp cận mới về lý luận, mới về tính chất và mức độ. Điều này được định hướng như sau:
Mục tiêu của chương trình đào tạo lại và bồi dưỡng năng lực sư phạm cho GV là nhằm đáp ứng được chuẩn đầu ra và chuẩn nghề nghiệp GV THCS; Nội dung của chương trình đào tạo lại và bồi dưỡng năng lực sư phạm cho GV đảm bảo tính tinh giản, hiệu quả, thiết thực, thực hành, tăng cường vận dụng thực tiễn giáo dục, tập trung mạnh hơn vào việc giáo dục nhân cách, đạo đức nhà giáo và văn hóa sư phạm.
Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, đa dạng hóa hình thức tổ chức học tập, coi trọng cả dạy trên lớp và các hoạt động kết nối cộng đồng, trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các hoạt động giáo dục; Đổi mới căn bản hình thức tổ chức, phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng GD, đảm bảo trung thực khách quan trong kiểm tra đánh giá chất lượng đầu ra.
TS Phan Thị Lan Phương cho biết, hình thức đào tạo tập trung hay định kỳ theo nhu cầu thực tế về thời gian ở các trường THCS. Thời gian đào tạo có thể liên tục 3 năm vào dịp hè (2 tháng hè/năm). Khối lượng kiến thức toàn khóa 25 tín chỉ. Sau khi học xong tín chỉ, người học sẽ được cấp chứng chỉ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT quy định trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu thực tế về năng lực sư phạm của GV ở các trường THCS để quy định số tín chỉ, số lượng học phần, tên học phần cần đào tạo lại, hoặc chỉ ở mức độ bồi dưỡng những năng lực sư phạm còn thiếu và yếu.
100% giảng viên cần được bồi dưỡng, tập huấn
Cũng theo TS Phan Thị Lan Phương, thực hiện chương trình môn học phải đảm bảo phát triển được năng lực sư phạm của GV đã được xác định trong khung năng lực. Sau khi học xong chương trình, người học có khả năng tự học, tự rèn luyện năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu mới của nghề nghiệp, người học có khả năng tự ý thức về điểm mạnh về năng lực sư phạm của mình.
Thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan để tạo thành modul/chủ đề tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung GD. Phải đảm bảo phân hóa mạnh theo tiềm năng của người học và nhu cầu thực tế trường THCS.
Sử dụng đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, tăng cường hình thức trải nghiệm, sử dụng hình thức dạy học tiên tiến để hình thành và phát triển năng lực sư phạm cho người học.
Cần biên soạn, giáo trình giảng dạy mới phục vụ cho việc triển khai thực hiện chương trình đào tạo đã xây dựng. Có 3 loại giáo trình chính thức được sử dụng (giáo trình chính thức, giáo trình điện tử, và tài liệu hướng dẫn tự học). Căn cứ vào tên các học phần trong chương trình đào tạo và khung năng lực sư phạm của GV để xây dựng tên và nội dung của giáo trình trong đào tạo lại GV.
Hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng định hướng năng lực: Vấn đáp, thuyết trình, trắc nghiệm, trình diễn, kịch bản, thiết kế, sản phẩm hoạt động, trải nghiệm…
Điều kiện thực hiện chương trình: Tổ chức quản lý nhà trường cần đổi mới thực sự theo hướng: Tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho giảng viên trong việc triển khai chương trình mới. Quy định về mô hình lớp học với sĩ số lớp học 20 học viên, tối đa đến 30 học viên.
Lãnh đạo chuyên môn và giảng viên cần nhận thức được việc đổi mới thực hiện chương trình là tất yếu khách quan để đáp ứng yêu cầu đổi mới phổ thông, tích cực tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng năng lực của giảng viên để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình đào tạo mới.
Cần có sự phân hóa năng lực chuyên sâu, điểm mạnh về tiềm năng và những phẩm chất nhân cách đặc trưng của từng giảng viên… để sắp xếp đảm nhiệm các học phần sao cho phù hợp nhất. Đặc biệt 100% giảng viên cần được bồi dưỡng, tập huấn về việc triển khai chương trình đào tạo lại và bồi dưỡng GV THCS.
“Tăng cường trang thiết bị giảng dạy phục vụ học tập; Hợp tác tốt với các trường THCS và các cơ sở GD khác để người học được đi tham quan, trải nghiệm giáo dục, các công trình khoa học có giá trị quốc gia, quốc tế để khuyến khích và đáp ứng nhu cầu đọc, nghiên cứu, giảng dạy của giảng viên và học viên để đáp ứng thực hiện chương trình mới”. TS Phan Thị Lan Phương