Tiết đọc thư viện là tiết hoạt động thư viện được đưa vào thời khóa biểu, thời gian bằng 1 tiết học, do giáo viên thực hiện ở thư viện hoặc lớp học nhằm hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học.
“Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt,
Một người bạn tốt cho ta một điều hay”.
Đúng vậy, đọc sách giáo dục cho mỗi chúng ta biết yêu thương, quý trọng, đoàn kết với mọi người, biết nói lời hay, làm việc tốt và sách chính là cơ hội để chúng ta mở rộng tầm nhìn với thế giới.
Cách xây dựng gắn với chủ đề, chủ điểm
Lựa chọn chủ đề, chủ điểm cho phù hợp với đối tượng học sinh. Có thể lựa chọn những chủ điểm trong môn Tiếng Việt, Hoạt động trải nghiệm, Tự nhiên & Xã hội trong khối lớp mình giảng dạy. Nếu chọn chủ đề trong môn học sẽ bổ trợ, mở rộng kiến thức cho học sinh.
Hướng dẫn học sinh lựa chọn sách liên quan đến chủ đề mà giáo viên đã chọn. Chọn được chủ đề rồi thì giáo viên lựa chọn hình thức tổ chức cho phù hợp với đối tượng học sinh. Ở khối 1, 2, 3 môn Tiếng Việt sau mỗi chủ đề, chủ điểm có tiết tự đọc sách báo.
Đọc sách tại thư viện, đọc sách ở không gian ngoài thư viện và mượn sách về nhà: Nhằm khuyến đọc và phát triển thói quen đọc; Nhân viên thư viện, giáo viên và đội cộng tác viên thư viện (có thể thành lập đội học sinh lớp 4, lớp 5 hỗ trợ thư viện để hỗ trợ việc mượn trả cho học sinh) thực hiện theo lịch mượn trả hàng tuần cho tất cả các lớp.
Tổ chức tiết đọc tại thư viện: Tạo hứng thú và đam mê với việc đọc sách, tăng cường vốn từ vựng và củng cố kỹ năng đọc cho học sinh. Tiết đọc tại thư viện được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau.
Tiết đọc tại thư viện được sắp xếp linh hoạt trong thời khóa biểu hoặc lồng ghép trong các hoạt động giáo dục khác phù hợp với điều kiện của nhà trường (từ 2 - 4 tiết/tháng).
Tổ chức ngày đọc sách, tuần đọc sách, đọc sách theo chủ đề, thi kể chuyện theo sách, viết về sách: Giúp học sinh tương tác với sách thông qua các hoạt động đọc sách; kết nối giữa học sinh, cha mẹ học sinh và nhà trường trong việc hỗ trợ học sinh đọc sách, duy trì việc đọc thường xuyên nhằm hình thành và phát triển thói quen đọc cho học sinh.
Nhân viên thư viện xây dựng kế hoạch tổ chức định kỳ 1 - 2 lần/năm với sự hỗ trợ của Ban giám hiệu, giáo viên, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội khác ngoài nhà trường.
Các hoạt động hỗ trợ học sinh
Thư viện xanh Trường Tiểu học và THCS xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải (Thái Bình). Ảnh: INT |
Tra cứu theo chủ đề: Giúp học sinh khám phá tri thức, tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến tự nhiên và xã hội. Viết, vẽ, tự làm sách, làm sách cùng tác giả, làm đồ chơi nhằm phát triển năng lực, nuôi dưỡng tư duy sáng tạo thông qua việc khơi gợi những ý tưởng cho học sinh bằng các trải nghiệm thực tế.
Tùy theo điều kiện của từng trường để có kế hoạch thực hiện phù hợp. Nhân viên thư viện thực hiện cùng với sự hỗ trợ của giáo viên.
Tương tác và làm việc nhóm: Giúp học sinh hình thành kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hợp tác và kỹ năng làm việc độc lập. Nhân viên thư viện và giáo viên phối hợp trình bày thông tin hoặc kiến thức thu thập được tại thư viện về một chủ đề hoặc đối tượng nào đó.
Học sinh làm các sản phẩm sáng tạo như xây dựng các tiểu phẩm kịch dựa theo các nhân vật trong những câu chuyện, làm sách truyện, phim ngắn… theo nhóm.
Tương tác giữa các khối lớp để học sinh có điều kiện hỗ trợ nhau: Học sinh khối lớp 4, 5 đọc sách cho các em học sinh khối lớp 1, 2, 3. Hoạt động này thực hiện theo kế hoạch và điều kiện của mỗi trường. Chia sẻ và hướng đến cộng đồng nhằm hình thành ý thức và trách nhiệm công dân cho học sinh.
Tổ chức các câu lạc bộ, các nhóm để chia sẻ sách, tài liệu và đồ dùng học tập, tìm hiểu truyền thống, văn hóa và lịch sử địa phương, làm các dụng cụ học tập từ sản phẩm tái chế… Hoạt động này được thực hiện tùy theo điều kiện của mỗi trường với sự hướng dẫn của giáo viên, nhân viên thư viện và khuyến khích sự tham gia của cha mẹ học sinh.
Phát triển nghiệp vụ cho nhân viên thư viện và giáo viên
Khen thưởng trong hoạt động đọc sách Trường Tiểu học Đức Lâm. Ảnh: NTCC |
Giới thiệu thư viện cho giáo viên: Đầu năm học, nhân viên thư viện giới thiệu về thư viện và các nguồn tài liệu mà thư viện cung cấp, giới thiệu danh mục tài liệu phù hợp theo môn học hoặc chủ đề để giáo viên tham khảo phục vụ cho việc giảng dạy.
Nhân viên thư viện tổ chức các buổi tư vấn về cách kết hợp kiến thức thông tin (tìm kiếm, đánh giá và sử dụng thông tin phù hợp) cho giáo viên định kỳ hàng quý hoặc khi có yêu cầu từ giáo viên.
Xây dựng bộ danh mục tài liệu theo từng môn học hoặc từng khối lớp nhằm phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên, từ đó hỗ trợ cho việc học tập của học sinh được tốt hơn. Lưu những đường link sưu tầm được về các tài liệu, quyển sách hay.
Phối hợp với các đoàn thể, các giáo viên chủ nhiệm trong các hoạt động thư viện như chuyên mục: “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”. Phối hợp với trường bạn để tăng đầu sách, tạo cơ hội cho giáo viên học sinh được đọc nhiều đầu sách phong phú hơn.
Minh họa xây dựng kế hoạch bài dạy gắn với chủ đề, chủ điểm như sau:
Đọc sách thư viện
CHỦ ĐỀ: .........................................................
I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
- Học sinh biết chọn sách đọc theo ý thích phù hợp với trình độ và chủ đề; đọc, nhớ và hiểu được nội dung câu chuyện.
- Học sinh có kĩ năng lắng nghe và chia sẻ câu chuyện mình đã đọc.
- Học sinh yêu thích đọc sách và biết giữ gìn sách, truyện.
II. ĐỒ DÙNG DẠY HỌC
1. Giáo viên: Sách, truyện kể về chủ đề.
2. Học sinh: Nhật ký đọc sách.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY – HỌC
1. Khởi động
- Ổn định chỗ ngồi cho học sinh.
- Học sinh có thể hát, múa, tham gia trò chơi, giáo viên dẫn dắt vào tiết học.
2. Khám phá
Hoạt động 1: Đọc cá nhân
a) Trước khi đọc
- Yêu cầu mỗi em sẽ lựa chọn cho mình một cuốn sách nói về chủ đề.
- Các em sẽ chọn sách ở chủ đề nào? (hoặc mã màu nào)?
- Hướng dẫn học sinh chọn sách tương ứng với các kệ sách phù hợp để đọc.
- Nhắc học sinh về cách lật sách đúng (với những tiết đầu năm). Giáo viên thực hành lật sách, vừa lật vừa nói cách thực hiện.
- Nhắc học sinh về tư thế ngồi đọc, khoảng cách giữa sách và mắt khi đọc.
- Mời lần lượt từng nhóm học sinh chọn sách (mỗi nhóm khoảng 6 - 8 em).
b) Trong khi đọc
- Giáo viên quan sát lắng nghe hoạt động đọc của học sinh, khen ngợi những nỗ lực của học sinh.
- Kiểm tra học sinh đọc theo quy tắc 5 ngón tay, giúp đỡ những em gặp khó khăn.
c) Sau khi đọc
- Thông báo hết thời gian, nhắc học sinh mang sách quay lại về vị trí ban đầu.
Hoạt động 2: Chia sẻ sách
Mời 3 - 4 học sinh chia sẻ về quyển sách mà các em đã đọc.
Sau khi các em chia sẻ, giáo viên và các bạn trong lớp có thể hỏi:
+ Em hãy cho biết: Tên câu chuyện mà em vừa đọc? Nội dung câu chuyện nói lên điều gì? Em có thích câu chuyện mình vừa đọc không? Tại sao? Nhân vật trong truyện là ai? Những chi tiết nào trong truyện làm em thích? Cảm động? Vì sao? Em học được gì ở nhân vật ấy?
- Tuyên dương, khen các em chia sẻ tốt.
Hoạt động 3: Hoạt động mở rộng: Viết và vẽ
a) Thông báo hoạt động
Viết và vẽ để các em có thể tiếp tục chia sẻ với cô và các bạn về quyển sách của mình vừa đọc.
b) Chia học sinh theo nhóm
- Giáo viên tổ chức trò chơi “Kết bạn”, chia lớp thành các nhóm 4.
- Đặt tên nhóm và về vị trí ngồi của nhóm.
c) Đưa ra yêu cầu để học sinh thực hiện.
Các em hãy lựa chọn một hình ảnh hay một nhân vật mà các em yêu thích trong cuốn sách mình vừa đọc để vẽ.
d) Hướng dẫn học sinh phần nào dùng để vẽ, phần nào dùng để viết.
e) Phát nguyên liệu cho học sinh.
- Các nhóm trưởng lên lấy nguyên liệu về cho nhóm mình.
- Di chuyển đến hỗ trợ học sinh, hướng dẫn vẽ khi học sinh gặp khó khăn.
- Đặt câu hỏi, khen ngợi học sinh: Em định vẽ nhân vật nào? Nhân vật đó có hình dáng ra sao? Đặc điểm nổi bật của nhân vật là gì?…
Sau khi học sinh viết, vẽ xong: 3 - 4 học sinh lên chia sẻ với cả lớp.
+ Nhân vật vẽ là nhân vật nào?
+ Nêu cảm nhận của mình về nhân vật đó?
+ Em thích nhất hành động hay câu nói nào của nhân vật này trong truyện?
- Giáo viên có thể linh hoạt đặt các câu hỏi cho học sinh chia sẻ.
- Mời 1 - 2 học sinh đặt câu hỏi với nhóm bạn.
- Hướng dẫn học sinh thu lại sản phẩm - treo sản phẩm lên góc Viết - vẽ.
3. Vận dụng
- Nhận xét học sinh qua tiết học.
- Liên hệ chủ đề để giáo dục học sinh.
- Hướng dẫn học sinh về nhà tìm thêm những cuốn sách, tư liệu trên báo, tạp chí về chủ đề em vừa đọc. Khuyến khích học sinh mượn sách về nhà đọc.
Để các hoạt động thư viện có hiệu quả chúng ta hãy bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất vận dụng tốt một số kĩ thuật khi tổ chức trong tiết đọc thư viện như: Cách cầm sách, cách đưa sách cho học sinh quan sát, vị trí, tư thế ngồi, khoảng cách ngồi của giáo viên so với học sinh, giọng đọc diễn cảm kết hợp ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt, cách quan sát học sinh. Điều quan trọng là khơi gợi cho các em niềm đam mê tìm tòi, ham học hỏi. Các em học tập được nhiều điều bổ ích, hướng con người tới những điều tốt đẹp, lương thiện và đưa các em đến với tri thức, với sự nhân bản, văn hóa đọc luôn tỏa sáng và ươm mầm trong các thư viện trường học.