Chương trình GDPT mới:

Nâng cao chất lượng thư viện

GD&TĐ -  Các trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã quan tâm đầu tư, đổi mới thư viện trường học.

Chia sẻ về phương pháp đọc sách hiệu quả tại Ngày hội sách và văn hóa đọc Việt Nam tổ chức ở Tam Nông, Phú Thọ.
Chia sẻ về phương pháp đọc sách hiệu quả tại Ngày hội sách và văn hóa đọc Việt Nam tổ chức ở Tam Nông, Phú Thọ.

Gần 90% thư viện đạt chuẩn

Với Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, các thư viện không chỉ là không gian học tập trung của nhà trường, mà còn là “trung tâm” của các hoạt động kết nối và làm việc nhóm của học sinh. Vì vậy, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã thường xuyên quan tâm, chú trọng chỉ đạo, triển khai việc xây dựng thư viện trong các trường THPT, gắn với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Từ đó, giúp các em học sinh phát triển năng lực tự học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay.

Để thu hút đông đảo giáo viên, học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện, những năm gần đây, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển mô hình thư viện thân thiện. Thư viện thân thiện là nơi mang lại cho học sinh nhiều lợi ích ngoài mục đích đọc sách. Đó là một không gian học tập mở, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thông tin, xây dựng thói quen đọc sách. Thư viện thân thiện tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia các hoạt động của thư viện, hỗ trợ cho việc dạy học tích cực, dạy và học mọi lúc mọi nơi.

Không chỉ có vậy, thư viện thân thiện còn góp phần phát triển mối quan hệ thân ái, cởi mở giữa các đối tượng trong thư viện. Để làm được điều đó, ngành Giáo dục đã chỉ đạo đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng thư viện thông qua việc triển khai tập huấn công tác thư viện cho cán bộ quản lý và cán bộ thư viện các trường THPT; hướng dẫn các nhà trường, các lớp học đều triển khai thư viện góc lớp, thư viện xanh, đưa sách và tài liệu đến từng lớp cho học sinh đọc, thường xuyên bổ sung các loại sách mới phù hợp với yêu cầu và lứa tuổi học sinh cũng như thường xuyên luân chuyển sách và tài liệu giữa các lớp để tạo cơ hội nhiều nhất cho học sinh tiếp cận với sách và tài liệu.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Phú Thọ còn chỉ đạo các trường THPT tổ chức nhiều hình thức hoạt động phong phú như giới thiệu trưng bày sách, thi tìm hiểu sách, tổ chức hoạt cảnh và đóng nhân vật trong sách… để tạo hứng thú đọc sách cho học sinh. Hàng năm có kiểm tra, đánh giá xếp loại thư viện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Hiện nay, toàn tỉnh Phú Thọ có 48 trường THPT thì trên 86% các trường có thư viện đạt chuẩn trở lên, trong đó có 11 thư viện đạt xuất sắc, 15 thư viện đạt tiên tiến. Nhìn chung, thư viện các trường THPT đều được đặt ở vị trí khá thuận lợi, diện tích kho sách, diện tích phòng đọc, chỗ ngồi, các trang thiết bị khác đảm bảo theo yêu cầu. Nhiều thư viện đã được trang bị các thiết bị đa phương tiện, vốn tài liệu khá phong phú, tổ chức hoạt động dưới nhiều hình thức, đem lại hiệu quả thiết thực.

Không gian thư viện tại Trường THPT Hưng Hóa (huyện Tam Nông, Phú Thọ).

Không gian thư viện tại Trường THPT Hưng Hóa (huyện Tam Nông, Phú Thọ).

Vẫn còn nhiều hạn chế

Bên cạnh các trường đã nỗ lực đổi mới công tác thư viện, còn không ít thư viện ở các trường THPT vẫn tồn tại một số hạn chế do phát triển chưa đồng bộ. Một số trường diện tích còn hẹp, điều kiện chưa cho phép nên còn gặp khó khăn trong công tác xây dựng thư viện: Có trường thư viện chỉ là tận dụng từ một phòng học cũ, có trường thư viện được đặt ở tận cuối hành lang tầng 3... Vì vậy, việc tham gia thư viện chưa thuận tiện, thư viện chưa có sức hấp dẫn với các em học sinh trong nhà trường.

Ngoài ra, ở một số trường, tỉ lệ học sinh tham gia thư viện chưa đồng đều do một bộ phận học sinh chưa có thói quen tự đọc sách báo, đặc biệt sách báo giấy. Việc tạo thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc cho học sinh là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc định hướng các em tới thư viện. Sở dĩ có sự thờ ơ là do nhà trường và các thầy cô chưa định hướng tốt.

Cũng cần phải kể đến vốn tài liệu trong thư viện còn sơ sài, hình thức, tài liệu còn chưa đa dạng phong phú. Chủ yếu vẫn chỉ có sách giáo khoa và sách tham khảo, ít những tài liệu giải trí. Mặt khác, một số cán bộ thư viện nghiệp vụ chưa được bồi dưỡng thường xuyên, chưa thực sự trở thành cầu nối giữa bạn đọc và vốn tài liệu. Cá biệt, có một số trường ở vùng nông thôn, miền núi, cán bộ thư viện là văn thư hay nhân viên y tế kiêm phụ trách nên chưa đảm bảo về trình độ chuyên môn, kĩ năng phục vụ. Vì thế chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ, giới thiệu sách trong nhà trường một cách rộng rãi, thường xuyên.

Ở một số trường THPT, nhất là các trường học ở vùng núi, khó khăn việc đầu tư kinh phí còn khiêm tốn, số lượng máy tính kết nối Internet trong thư viện không nhiều, tài liệu bổ sung không thường xuyên, liên tục... làm cho chất lượng của hoạt động thư viện chưa được nâng cao.

Lấp đầy “khoảng trống”

Có thể khẳng định hoạt động của hệ thống thư viện ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã và đang phát huy được vai trò, tác dụng đối với việc phát triển năng lực, phẩm chất học sinh theo tinh thần mà CT GDPT 2018 hướng tới. Tuy nhiên, nhằm bồi đắp tình cảm cho các em học sinh, làm giàu thêm tri thức, giúp các em phát huy được tính tích cực, chủ động trong học tập, tính sáng tạo và tư duy độc lập để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của ngành GD-ĐT trong công tác xây dựng và lấp đầy “khoảng trống” thư viện ở các trường THPT trong tỉnh.

Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện ở trường THPT thời gian tới là phải xây dựng nguồn học liệu đa dạng và phong phú. Thư viện phải biết thu thập, lựa chọn những tài liệu có giá trị nhất, phù hợp với CT GDPT 2018 để bổ sung vào vốn tài liệu của thư viện như: Phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực; Xu hướng thi cử, sách ôn thi tốt nghiệp; Tài liệu tham khảo cho các bài học/chủ đề của chương trình mới; Tạp chí giáo dục chuyên ngành… Sử dụng công nghệ phần mềm xây dựng các bộ sưu tập tài liệu chuyên môn một cách khoa học, giúp cho người học tìm được tài liệu dễ dàng và chính xác.

Đồng thời, mở rộng và phát triển nguồn tư liệu theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa. Nguồn tư liệu được huy động từ quyên tặng của học sinh, giáo viên, cựu học sinh, phụ huynh, nhà tài trợ...; Tài liệu “chia sẻ - cho mượn” của học sinh, giáo viên, thư viện trường; Tài liệu tự viết của học sinh, giáo viên trong toàn trường; Tài liệu từ “trạm đọc” của thư viện tỉnh, thư viện huyện, thị xã và thành phố...

Các trường THPT cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ thư viện đáp ứng CT GDPT mới. Bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ thư viện chuyên trách, có trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn và tâm huyết với nghề. Đặc biệt cán bộ thư viện phải được đào tạo đầy đủ 4 nhóm kĩ năng như tra cứu thông tin, công nghệ, giao tiếp, diễn thuyết và trình bày.

Không kém phần quan trọng đó là cần xây dựng thư viện theo hướng thân thiện để tạo hứng thú đọc cho học sinh. Đó là một không gian học tập đa chức năng với các góc đọc, góc tính toán, góc vẽ tranh, góc âm nhạc, góc trò chơi. Mỗi góc sẽ rèn luyện cho các em kỹ năng khác nhau. Lan tỏa mô hình Thư viện thân thiện Room to Read lấy học sinh làm trung tâm đến tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh. Với mô hình này, việc lựa chọn sách tiện lợi và phù hợp với từng lứa tuổi đã thu hút các em học sinh mỗi khi đặt chân đến đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.