Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở huyện Mai Châu

GD&TĐ - Thời gian qua, huyện Mai Châu đã nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cho người dân. Từ đó, giúp bà con nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế.

Huyện Mai Châu luôn chú trọng đến việc nâng cao phổ cập giáo dục.
Huyện Mai Châu luôn chú trọng đến việc nâng cao phổ cập giáo dục.

Linh hoạt bố trí lớp học…

Hiện nay, huyện Mai Châu (Hoà Bình) có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 100%; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 100%; đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ (XMC) mức độ 2.

Tuy nhiên, trên thực tế về công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, XMC, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS tỷ lệ đã đạt chuẩn nhưng chưa cao, nhiều xã việc duy trì còn hạn chế. Tỷ lệ tái mù chữ và phổ cập đúng độ tuổi ở các xã vùng đặc biệt khó khăn như: Hang Kia, Tân Dân… còn cao.

Đây chính là những khó khăn lớn nhất đặt ra, đối với công tác phổ cập giáo dục cho người dân trên địa bàn huyện. Vì vậy, huyện đã không ngừng tập trung nguồn lực nâng chất lượng giảng dạy và phổ cập giáo dục tại các xã vùng cao, góp phần XMC, nâng cao nhận thức cho người dân.

Công tác phổ dục giáo dục luôn được huyện Mai Châu chú trọng.

Công tác phổ dục giáo dục luôn được huyện Mai Châu chú trọng.

Ông Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng GĐ&ĐT huyện Mai Châu chia sẻ: “Nhằm nâng cao phổ cập giáo dục, phòng đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, đổi mới công tác XMC.

Cụ thể, như: Linh hoạt trong việc bố trí lớp học, đổi mới cách kiểm tra đánh giá đối với kết quả người học, phối hợp với các xã/thị trấn phân công cán bộ chủ chốt các ban ngành vận động người học tham gia thường xuyên, không bỏ học giữa chừng. Còn đối với các nhà trường, phòng chỉ đạo lựa chọn mở lớp phù hợp, cử giáo viên có năng lực trình độ tham gia giảng dạy tại các lớp xóa mù”.

Ông Hiếu cho biết, xã Hang Kia là "điểm nóng” về vấn đề mù chữ. Theo số liệu khảo sát, Hang Kia có hơn 800 người trên 18 tuổi mù chữ và tái mù chữ. Với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 55%, nguyên nhân chính được xác định là do học viên đã học xong chương trình tiểu học nhưng xây dựng gia đình, ở nhà đi làm nương rẫy nên không có cơ hội tiếp xúc với sách vở dẫn đến tái mù. Có học viên chưa bao giờ đi học nên mù chữ hoàn toàn. Nhiều học viên chưa nói được tiếng Việt, ngại giao tiếp, không hợp tác…

Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thường xuyên được huyện quan tâm.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thường xuyên được huyện quan tâm.

Từ thực tế trên, được sự giúp đỡ của Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình, huyện Mai Châu đã mở hàng 3 lớp học XMC mức độ 1 cho 76 học viên. Từ thành công của những lớp học tại trường TH&THCS Hang Kia B, huyện Mai Châu tiếp tục khai giảng 4 lớp học XMC cho 92 học viên. Tất cả học viên đều là phụ nữ dân tộc Mông tuổi từ 18 đến 40. Sau các lớp học này, công tác XMC trên địa bàn huyện sẽ được cải thiện đáng kể.

Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng...

Ông Phạm Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết: Công tác phổ cập giáo dục của huyện luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhận thức của đa số bà con các dân tộc trên địa bàn huyện về vị trí, vai trò của GD&ĐT đã được nâng cao.

Những năm qua, huyện bố trí nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục nói chung và công tác phổ cập giáo dục nói riêng. Trường, lớp học, các phòng chức năng, công trình phụ trợ được đầu tư xây dựng, nâng cấp khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Học sinh Trường PTDTNT THCS và THPT B, huyện Mai Châu đang thảo luận trong giờ học.

Học sinh Trường PTDTNT THCS và THPT B, huyện Mai Châu đang thảo luận trong giờ học.

“Chúng tôi chỉ đạo phòng GD&ĐT tập trung bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các cấp học, bậc học ổn định để triển khai hiệu quả công tác phổ cập giáo dục. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên đạt và vượt chuẩn ngày càng cao góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Công tác xã hội hóa giáo dục được huyện triển khai đồng bộ, đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và tái mù chữ ở các xã vùng sâu, vùng xa”, ông Hoàn nhận định.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trên địa bàn, huyện Mai Châu đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, nhân dân hiểu đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc thực hiện phổ cập giáo dục, XMC. Chỉ đạo rà soát các những trường hợp mù chữ và có nguy cơ tái mù chữ trên địa bàn huyện để có phương án đào tạo.

Theo ông Hoàn, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, trong đó quan tâm đến việc phổ cập giáo dục và XMC. Tiếp tục bố trí kinh phí cho công tác phổ cập giáo dục, XMC. Đồng thời, chỉ đạo phòng GD&ĐT phối hợp với các xã, thị trấn và các cơ quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, XMC.

"Một nội dung mà chúng tôi cũng đang trăn trở đó là, với các lớp học đang mở tại xã Hang Kia, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo duy trì và vận động các học viên là nam giới người Mông ra học các lớp này. Vì, qua khảo sát có đối tượng mù chữ và tái mù chữ là người Mông tại xã Hang Kia là nam giới, tuy nhiên hiện mới có học viên nữ đi học", ông Hoàn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.