Điều kiện bảo đảm, quy trình kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục, xoá mù chữ

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành quy định về điều kiện bảo đảm và quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục, xoá mù chữ và xin ý kiến rộng rãi.

Điều kiện bảo đảm, quy trình kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục, xoá mù chữ

Thông tư này quy định về điều kiện bảo đảm và hồ sơ, nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xoá mù chữ.

Thông tư áp dụng đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Dự thảo ghi rõ: Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xoá mù chữ được quy định tại Nghị định số 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong đó huy động ít nhất 60% người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.

Theo dự thảo, mỗi tỉnh có Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ gồm trưởng ban là chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn hóa, xã hội; phó trưởng ban thường trực là giám đốc sở giáo dục và đào tạo; các ủy viên là đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan của tỉnh và các phòng chức năng của Sở GD&ĐT.

Mỗi huyện, mỗi xã có một Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ do lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã làm trưởng ban; có người phụ trách theo dõi phổ cập giáo dục, xoá mù chữ; có người phụ trách vận hành hệ thống thông tin quản lí phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Mỗi cơ sở giáo dục có người theo dõi phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tại địa bàn được phân công.

Kinh phí thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, theo phân cấp quản lí và nguồn huy động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.

UBND tỉnh chịu trách nhiệm về kết quả phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của tỉnh; kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh và chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ huyện, xã; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của tỉnh; kiểm tra công nhận kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của huyện; báo cáo kết quả, số liệu về Bộ GD&ĐT;

UBND tỉnh quy định hồ sơ, nội dung, quy trình, thủ tục và biên bản kiểm tra công nhận huyện, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục hoặc xoá mù chữ phù hợp với quy định;

Sử dụng hệ thống thông tin quản lí phổ cập giáo dục, xoá mù chữ thống nhất trong cả nước do Bộ GD&ĐT quy định để cập nhật; lưu giữ, quản lí, khai thác thông tin về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ;

Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ huyện cập nhật dữ liệu vào hệ thống thông tin quản lí phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đúng biểu mẫu, thời gian, đầy đủ, chính xác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ