Đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, theo ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ GD Mầm non (Bộ GD&ĐT), ngành GD Mầm non đề ra mục tiêu tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trường lớp; tuyển dụng đủ số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ, bảo đảm các điều kiện nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GD cho trẻ 5 tuổi, tiến tới phổ cập cho trẻ 4 tuổi; Xây dựng chương trình GD mầm non sau năm 2020….
Nâng cao chất lượng đội ngũ
Bà Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Sau khi Đề án phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi (PCGDMNTNT) giai đoạn 2010 - 2015 được ban hành, sở GD&ĐT xác định yếu tố quyết định để thực hiện thành công công tác phổ cập chính là đội ngũ cán bộ, GV mầm non.
Sở đã tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết số 148/NQ-HĐND ngày 21/7/2010 về chế độ, chính sách với GV mầm non diện hợp đồng. Nhờ có Nghị quyết này, 100% GV mầm non diện hợp đồng được hưởng lương theo ngạch bậc và được hưởng các chế độ như GV trong biên chế.
Theo bà Tuyến, hàng năm, sở GD&ĐT tham mưu với UBND tỉnh giao chỉ tiêu tuyển dụng GV, nhân viên đáp ứng yêu cầu và bảo đảm tỷ lệ đội ngũ theo điều lệ trường mầm non. Các huyện, thành phố thực hiện tuyển dụng bổ sung chỉ tiêu để thay thế số GV nghỉ chế độ và số GV còn thiếu do phát triển quy mô trường lớp theo từng năm.
Để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ, tỉnh Hòa Bình cử GV đi tham dự các lớp đào tạo nâng chuẩn về trình độ chuyên môn và chính trị theo chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với GV mầm non.
Liên quan đến công tác xây dựng và bồi dưỡng GV mầm non, ông Trần Thanh Văn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình chia sẻ: Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ luôn được quan tâm, chỉ đạo. Sở GD&ĐT thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về trình độ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của ngành, trong đó, có đội ngũ GV mầm non.
Hàng năm, căn cứ kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT và tình hình thực tế của địa phương, cấp học, sở xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cốt cán cấp tỉnh với 1 - 2 đợt/năm, 1 - 3 lớp/đợt và 90 - 150 người/đợt.
Đồng thời, sở chỉ đạo các phòng GD&ĐT tổ chức tốt lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ ngay tại địa bàn các huyện; thực hiện hiệu quả việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong cơ sở GDMN, trong đó, chú trọng lựa chọn đơn vị làm điểm thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học để nhân rộng.
Tại Bình Định, theo ông Phan Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, để đáp ứng yêu cầu PCGDMNTNT, ngoài việc quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp bảo đảm đủ cơ sở để huy động trẻ ra lớp, việc đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ GV để nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN được duy trì.
“Ngành GD-ĐT Bình Định đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đội ngũ GV mầm non cốt cán; bồi dưỡng GV mầm non đạt chuẩn nghề nghiệp; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, nâng cao năng lực thực tiễn cho GV”, ông Liêm thông tin.
Tạo nên một diện mạo mới
Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ GD Mầm non (Bộ GD&ĐT) trao đổi: Đề án PCGDMNTNT đã tạo nên diện mạo mới với bậc học mầm non. Mạng lưới trường lớp được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Toàn ngành hiện có 364.776 GV mầm non, tăng 148.072 GV sau 10 năm. Công tác đào tạo GV mầm non được các địa phương quan tâm: Tăng chỉ tiêu đào tạo hàng năm; giao nhiệm vụ cho các trường ĐH, CĐ sư phạm đào tạo nâng chuẩn cho cán bộ quản lý, GV mầm non địa phương. Một số địa phương tổ chức hướng nghiệp cho HS THPT vào học tại các trường sư phạm mầm non, tạo nguồn tuyển dụng GV.
Cũng theo ông Minh, để tạo cơ hội cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số được đến trường, học tập, ngành cũng đặc biệt quan tâm đào tạo GV là người dân tộc thiểu số, mở các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ dạy trẻ dân tộc thiểu số, cử tuyển GV cho các vùng khó khăn với nguồn tuyển tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, HS đã tốt nghiệp THPT tại các thôn, bản...
Ngoài ra, chương trình giáo dục mầm non được đổi mới, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ được nâng cao rõ rệt. Trẻ được chuẩn bị sẵn sàng về thể chất, tâm lý, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm kỹ năng xã hội để vào lớp 1, mạnh dạn, tự tin, ham hiểu biết, thích đi học.