Nâng cao chất lượng giáo dục gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc

Nâng cao chất lượng giáo dục gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc

(GD&TĐ) -Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương về bảo tồn và phát huy bàn sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII ra đời đã tạo thêm nhiều cơ hội cho ngành Giáo dục đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy  bản sắc văn hóa dân tộc trong các trường học.

Xuất phát từ đặc thù là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng dân tộc Khmer. Trorng bối cảnh chung đó, công tác giáo dục và đào tạo tỉnh Trà Vinh có điểm xuất phát rất thấp, nên ngành Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh đã quan tâm tăng cường công tác giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc Khmer "nâng cao chất lượng giáo dục gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc", đã đáp ứng được nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân.

Những giá trị văn hóa dân tộc

Ra chơi.   Ảnh: Minh Hằng
 Ảnh: Minh Hằng

Trà Vinh có nhiều di tích lịch sử và danh thắng như: Đền thờ bác Hồ, Ao Bà Om và đặc biệt với 141 ngôi chùa của cộng đồng người Khmer, bên cạnh 50 ngôi chùa của người Việt (Kinh) và 5 ngôi chùa của cộng đồng người Hoa, vùng đất Trà Vinh có nhiều nét văn hoá mang đậm màu sắc của dân tộc Khmer. Người Khmer có chữ viết riêng, các lễ hội truyền thống như: Chol Chnam Thmay (mừng năm mới), Dolta (lễ cúng ông bà), Ok Om Bok (lễ cúng trăng), Dâng bông, Dâng phước và các phong tục tập quán có giá trị văn hoá khác.

Vì vậy, nhu cầu giáo dục văn hóa dân tộc học sinh dân tộc Khmer là rất cần thiết,  Sở Giáo dục và đào tạo Trà Vinh đã xác định  nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Trà Vinh cần chú trọng gắn việc giáo dục văn hóa dân tộc với các hoạt động dạy và học trong nhà trường.

Các việc đã làm

- Đối với việc giữ gìn và bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Khmer, dưới sự lãnh chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer bằng việc thực hiện nhiều hình thức rất phong phú như: tổ chức dạy học cho học sinh dân tộc Khmer biết ít và chưa biết Tiếng Việt.

Theo đó, vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer tiến hành tổ chức học 2 buổi/ngày tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tăng cường tiếng Khmer để học Tiếng Việt; có 35% trường vùng dân tộc Khmer thực hiện chương trình tăng cường Tiếng Việt.

Đối với trẻ mầm non, việc tăng cường Tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số thực hiện theo hướng dẫn chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số.  Riêng mẫu giáo 5 tuổi vùng dân tộc Khmer được tăng cường tiếng Việt bằng 1 câu chuyện tiếng Việt/ngày. Có 8/8 huyện, thành phố triển khai thực hiện.

Đối với các Trường PT DTNT, đã triển khai tốt giáo dục đặc thù cho học sinh dân tộc; tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh bằng nhiều hình thức, thông qua các môn học trong đó có môn Ngữ Văn Khmer, chú trọng song ngữ.

Đối với học sinh tiểu học, tỉnh đã tổ chức giao lưu Tiếng Việt cho học sinh dân tộc với chủ đề “ Tiếng Việt của Chúng em” cho học sinh dân tộc Khmer ở từng trường học đến cấp huyện và cấp tỉnh.

- Đặc biệt, việc dạy và học tiếng nói chữ viết Khmer theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định được các trường học thực hiện tại 94/215 trường tiểu học, 7/7 trường phổ thông Dân tộc nội trú, với 13.118 học sinh đang học tiếng dân tộc Khmer 2 trình độ (cấp 1 và THCS).

Có 141/141 điểm chùa Khmer giảng dạy ngữ văn Khmer trong chùa cho học sinh phổ thông ngoài giờ học ở trường, chủ yếu do sư sãi trong chùa trực tiếp dạy, các trung tâm học tập cộng đồng tổ chức dạy chữ Khmer cho đồng bào dân tộc.

Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu người học về tiếng nói chữ viết đồng bào dân tộc Khmer, riêng Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thi và cấp giấy chứng nhận 845 trình độ cấp I ngữ văn Khmer cho học sinh.

- Song song đó, các trường học trong tỉnh Trà Vinh còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Khmer trong nhà trường vào các giờ ngoại khóa, các ngày lễ tết của đồng bào dân tộc Khmer gắn với phong trào thi đua "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" như: thành lập đội văn nghệ, đội múa trống Sadam, đấu cờ ốc...

Trong môi trường tập thể, học sinh dân tộc Khmer được tham gia nhiều hoạt động như luyện tập thể dục, thể thao, vui chơi, giao lưu văn nghệ, tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong tập thể nhà trường. Ngoài ra, công tác hướng nghiệp được triển khai đối với số học sinh chuẩn bị tốt nghiệp bằng các hình thức như tọa đàm, hướng dẫn các em lựa chọn nghề phù hợp với khả năng... tạo sự gắn bó và đoàn kết trong giáo viên, học sinh  giữa các dân tộc.

- Riêng đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, việc giáo dục văn hóa dân tộc được Sở Giáo dục quan tâm chỉ đạo, ngoài giờ học các em học sinh được tập luyện các bài hát, điệu múa của đồng bào dân tộc Khmer thông qua sự hướng dẫn của giáo viên hay của các nhà sư trong chùa, các vị phụ huynh học sinh.

Ngoài ra, các em còn thường xuyên được giao lưu văn hóa dân tộc giữa các trường phổ thông dân tộc nội trú trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giúp cho các em càng hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa của dân tộc, từ đó tích cực học tập và vận dụng thực tế vào các giờ học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

- Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên về văn hóa, dạy tiếng dân tộc có 7 lớp với 210 học viên là cán bộ, giáo viên dạy tại các trường và 19 lớp với 631 học viên là cán bộ, nhân dân học tiếng Khmer, trong đó có 2 lớp đàm thoại tiếng Khmer dành cho cán bộ, công chức với số học viên 65 đang học.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn 268 giáo viên là nhà Sư dạy chương trình bổ túc văn hóa chữ Khmer tại các điểm chùa; phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh đào tạo nâng chuẩn giáo viên dạy tiếng Khmer đạt chuẩn kiến thức giảng dạy tiếng dân tộc cho 75 giáo viên đã tốt nghiệp và 15 giáo viên đang học sư phạm ngữ văn Khmer, mở lớp cao học chuyên ngành văn hóa Khmer Nam bộ tại Trà Vinh.

- Về đầu tư, trang thiết bị, CSVS, tài liệu văn hóa dân tộc cho các trường được tỉnh và ngành Giáo dục quan tâm thực hiện tốt, hiện 7/7 trường phổ thông dân tộc nội trú được xây dựng cơ bản, khang trang, trong đó có 01 trường đạt chuẩn quốc gia.

- Về Chính sách đặc thù đối với  giáo dục dân tộc, học sinh cử tuyển vào đại học được hưởng đầy đủ và kịp thời các chế độ chính sách theo quy định. Giáo viên và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng chế độ, chính sách đúng quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh chi trả 6.953.325.000 đồng cho 1.050 giáo viên ( kẻ cả nhà sư ) đang dạy trường chùa với 278.133 tiết dạy theo Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg ngày 5/2/2008 của Thủ tướng về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Cửu Long đến 2010.

Kết quả: Thông qua các hoạt động trên, chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh Trà Vinh nói chung, vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng hàng năm không ngừng được nâng lên, số học sinh dân tộc xếp loại học lực khá giỏi chiếm trên 60%.

Đội ngũ giáo viên là người dân tộc Khmer đã được đào tạo cơ bản, nắm vững chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, có năng lực quản lý, có uy tín trong tập thể sư phạm và học sinh.

Việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer đã tạo cho học sinh Khmer tự tin hơn trong giao tiếp, sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.

Để tiếp tục đẩy mạnh "nâng cao chất lượng giáo dục gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc", trong thời gian tới  ngành Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

- Thường xuyên sưu tầm, tổng hợp, thống kê, phân loại các vốn văn hóa truyền thống của đồng bào  dân tộc Khmer để phát huy gắn với hoạt động giáo dục trong nhà trường. Từ đó, tăng cường tổ chức các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc trong từng trường học.
- Lựa chọn những trường học, những gương giáo viên, học sinh tiêu biểu trong hoạt động dạy và học để  biểu dương và giới thiệu, phát huy.

- Tích cực vận động giáo viên, cha mẹ học sinh giới thiệu, hướng dẫn học sinh tìm hiểu, học tập văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer để vận dụng, bổ sung kiến thức trong nhà trường.

- Đẩy mạnh các hoạt động dạy học tiếng Việt  cho học sinh dân tộc Khmer thông qua các môn học, các trò chơi học tập, các hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn hóa văn nghệ trong học sinh giữa ba dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa trong tỉnh.

- Nâng cao chất lượng dạy học trong học sinh dân tộc  bằng việc dạy song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ, giúp các em làm quen vốn tiếng Việt nhất là trẻ mẫu giáo để chuẩn bị đến trường. Đồng thời, tăng cường dạy tiếng  nói và chữ viết cho cán bộ, giáo viên, học sinh vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Chúng tôi xin kiến nghị Đảng, với Nhà nước và với Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách đầu tư thỏa đáng công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng, nhất là quan tâm phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú để tạo cơ hội cho nhiều em học sinh dân tộc được vào học tập và rèn luyện trong môi trường giáo dục có chất lượng tốt.

 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ