Hội thảo được phối hợp tổ chức bởi Tiểu ban Giáo dục Mầm non thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực và Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN), Bộ GD&ĐT.
Sự cần thiết ban hành đề án
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi - Trưởng Tiểu ban Giáo dục Mầm non nhấn mạnh, trong 10 năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản quy định cơ chế hỗ trợ thúc đẩy phát triển GDMN ở địa bàn khu công nghiệp (KCN) - nơi có nhiều lao động và chính sách hỗ trợ đối với trẻ em là con công nhân làm việc tại KCN.
Điều này góp phần giải quyết khó khăn đối với GDMN ở khu vực này, giúp công nhân, người lao động yên tâm lao động sản xuất. Hiện cả nước có 59/63 tỉnh/thành phố có KCN, phần lớn đều tập trung ở địa bàn các đô thị, là nơi tập trung nhiều lao động và có nhu cầu cao về dịch vụ GDMN.
Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều khó khăn trong phát triển GDMN cho các địa bàn này như: Công tác quy hoạch, phát triển cơ sở GDMN ở địa bàn đô thị, KCN chưa phù hợp với nhu cầu của công nhân, người lao động; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn một số hạn chế, đặc biệt là trẻ em nhà trẻ.
Cơ chế chính sách để thúc đẩy xã hội hóa phát triển GDMN ở địa bàn đô thị, KCN còn chưa đủ mạnh; chính sách đối với trẻ em, giáo viên ở địa bàn có KCN, nơi tập trung nhiều lao động còn thấp, chưa bao phủ được hết các đối tượng.
Một số địa phương chưa phát huy rõ vai trò của các ban, ngành trong việc hỗ trợ ngành Giáo dục theo dõi, quản lý hoạt động của các cơ sở GDMN, nhất là khối tư thục.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ ngành tham mưu xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2045”.
Đề án thực thi quan điểm chỉ đạo của Đảng thông qua những mục tiêu và giải pháp cụ thể hỗ trợ phát triển GDMN tại địa bàn đô thị, KCN. Đề án là cơ sở để triển khai các giải pháp gồm:
Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non. Phát triển đa dạng loại hình, mô hình cơ sở giáo dục mầm non phù hợp đặc thù địa bàn đô thị, khu công nghiệp.
Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 - 36 tháng tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non và tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng hoạt động của nhóm trẻ độc lập tư thục ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp.
Huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân bảo đảm trẻ em là con công nhân, người lao động được tiếp cận dịch vụ giáo dục mầm non có chất lượng. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp.
Cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng
Bà Hoàng Thị Dinh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết, mục tiêu chung của đề án nhằm hỗ trợ phát triển GDMN ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giúp trẻ em là con công nhân, người lao động được bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ GDMN có chất lượng.
GS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, cơ cấu dân số các KCN đa số là trẻ nên việc đầu tư cho GDMN khu vực này cần tính toán phù hợp và đề cập đến chính sách dân số. Nên đưa hình thức Baby Setting vào để đào tạo để góp phần giảm áp lực cho các trường mầm non công lập.
Đề án tập trung vào nhóm trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, từ đó phải đề xuất các chỉ tiêu cụ thể. Khi điều chỉnh các chỉ tiêu thì nhiệm vụ cũng sẽ thay đổi và sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp cơ bản: Phát triển loại hình, mạng lưới cơ sở GDMN; chất lượng nuôi dưỡng trẻ; cơ chế chính sách về kinh phí nguồn lực; tổ chức thực hiện - tức giao trách nhiệm cho các bộ/ngành.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu và đề xuất của các đại biểu, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại địa bàn đô thị và nơi có khu công nghiệp để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2045”.