Nâng cao chất lượng đội ngũ: Khắc phục tình trạng ghi danh, điểm tên

GD&TĐ - Mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ đã khắc phục được cách làm tập trung ngắn ngày trước đây là “bồi dưỡng xong tất cả lại về”.

Giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội) trao đổi chuyên môn.
Giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội) trao đổi chuyên môn.

Hiệu quả từ tập huấn

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại các kỳ thi tuyển sinh, tuyển sinh đầu cấp, giáo viên các cấp học tiếp tục tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn. Đây là cơ hội thuận lợi để các thầy cô trang bị thêm kiến thức, bổ sung kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học mới.

Cô Lê Thùy Dương - giáo viên Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Xác định bồi dưỡng là nhiệm vụ quan trọng, tôi lựa chọn giải pháp qua các hình thức tự học khác nhau như tìm hiểu kiến thức trên mạng Internet, tham khảo sách, tài liệu liên quan đến giáo dục. Qua đó, từng bước nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp”.

Là giáo viên được đào tạo theo phương pháp truyền thống, cô Nguyễn Thị Phương Thảo - giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (huyện Ba Vì) thấy hứng thú khi được tiếp cận phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Các bài học và ví dụ minh họa sinh động, dễ hiểu, bổ ích để giáo viên thay đổi phương pháp và kỹ thuật dạy học.

Tại Trường Tiểu học Mê Linh (huyện Mê Linh), ngay khi kết thúc năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên trong hè và trong năm học mới; triển khai kế hoạch đến các tổ chuyên môn, giáo viên, nhân viên theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Trần Anh Tuấn, nhà trường chủ động kinh phí, mua sắm sách, tài liệu; cử cán bộ, giáo viên, nhân viên tham dự đầy đủ lớp bồi dưỡng do các cấp tổ chức; Đồng thời tạo điều kiện để giáo viên nghiên cứu tài liệu trước khi tham dự lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Từ đầu tháng 7, nhà trường tổ chức chuyên đề tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên dạy lớp 5 năm học 2024 - 2025. Đó là các chuyên đề về xây dựng kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận năng lực đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018...

Cùng đó là các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn dành cho giáo viên khối 1, 2, 3, 4; bồi dưỡng giáo viên dạy Tin học và Công nghệ theo lộ trình; bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên theo tài liệu bồi dưỡng thường xuyên của Bộ GD&ĐT và của sở GD&ĐT…

Cô Trần Lệ Khanh - Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cho biết: “Tham gia lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành đã giúp tôi có thêm hiểu biết và sử dụng tốt công cụ, thiết bị để phục vụ công tác quản trị trường học; đồng thời, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của ngành về công tác giáo dục đến giáo viên toàn trường”.

Là giáo viên cốt cán của quận, tham gia lớp tập huấn, thầy Nguyễn Thế Hoàn - Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai) cũng tự học các tài liệu trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến, chuẩn bị các nội dung. Sau đó, giảng viên sư phạm sẽ bồi dưỡng trực tiếp, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn xây dựng kế hoạch hỗ trợ giáo viên đại trà.

khac phuc tinh trang ghi danh diem ten (1).jpg
Giáo viên Trường Tiểu học Thăng Long (Hà Nội) tập huấn sách giáo khoa lớp 5 dịp hè 2024.

Đa dạng mô hình

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, toàn ngành đã và đang tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của giáo viên.

Thực hiện chỉ đạo của sở, chuyên viên, giáo viên cốt cán từng đơn vị đã tham gia các lớp tập huấn về đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh; bồi dưỡng giáo viên cốt cán về Chương trình GDPT 2018 ở 6 mô-đun các môn học; tập huấn cộng tác viên thanh tra và đánh giá ngoài chất lượng giáo dục.

Hiện 30/30 quận huyện, 100% nhà trường thực hiện hiệu quả công tác tập huấn đại trà nhiệm vụ năm học, định hướng hoạt động chuyên môn các môn học. 100% giáo viên bộ môn được tập huấn về kỹ năng xây dựng các chủ đề STEM, dạy học phát triển năng lực và thiết kế các hoạt động dạy học; kiến tạo lớp học hạnh phúc, chuyển đổi số.

Về xây dựng kế hoạch tổ chức chuyên đề môn, sở chỉ đạo các đơn vị xây dựng chuyên đề cấp cụm, tổ chức tập huấn chuyên đề với các nội dung: Trường học hạnh phúc, dạy học STEM…, tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới công tác quản lý; công tác chỉ đạo việc dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, bồi dưỡng năng lực đánh giá học sinh.

Một số mô hình tiêu biểu là: Đề án Hỗ trợ dạy học ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh tại 35 trường tại huyện Ba Vì; mô hình “Trường học cùng nhau phát triển”, “Trường học điện tử” tại quận Long Biên; “Giáo viên của giáo viên”, “Học sinh của giáo viên”, “Tổ công tác hỗ trợ thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” của quận Thanh Xuân)...

Ngoài ra, các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ qua Hội thi giáo viên giỏi, hội giảng. Đây được coi như đợt sinh hoạt chuyên môn sâu rộng, tạo chuyển biến rõ rệt, mang đến sự tự tin, vững vàng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và được dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Đánh giá về mô hình tập huấn được triển khai những năm gần đây, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ đã khắc phục được cách bồi dưỡng tập trung ngắn ngày trước đây. Các nội dung bồi dưỡng được giáo viên áp dụng vào thực tế giảng dạy và nhận sự phản hồi tích cực của học sinh.

“Giáo viên đa số dày dặn kinh nghiệm nên thay đổi thói quen tư duy là một thách thức. Nếu bồi dưỡng ngắn ngày sau đó dừng lại thì sự thay đổi thói quen rất hạn chế, vì thế với thời gian học kéo dài, hình thức tập huấn chuyển từ bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng hiện nay đã khắc phục triệt để tình trạng ghi danh, điểm tên, bồi dưỡng xong xuôi, tất cả lại về”, PGS.TS Hiền nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.