Theo TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng để thực hiện tốt chương trình.
“Trong khó ló khôn”
- Ông đánh giá ra sao về khó khăn và giải pháp tháo gỡ sau 4 năm triển khai Chương trình GDPT 2018 từ lớp 1 - lớp 4 cấp tiểu học?
- Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, đến nay chúng ta chuẩn bị kết thúc một chu trình. Đây là một trong những giai đoạn đầu tiên đánh giá các chính sách, hướng dẫn chuyên môn cho một tiến trình mới với nhiều điểm mới trong nền giáo dục nước nhà.
Đến nay, chúng ta đã đảm bảo yếu tố công bằng trong tiếp cận, giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục. Tức là, học sinh tiểu học trên toàn quốc đều phải học các môn bắt buộc trong chương trình, trong đó có môn Tin học và Tiếng Anh từ lớp 3. Đây là điểm mới và khó ở một số địa phương khi vừa thiếu giáo viên lại yếu cả cơ sở vật chất.
Nhiều trường vùng khó khăn phải tổ chức điểm lẻ để đáp ứng nhu cầu người học. Do đó, việc quy hoạch để đầu tư cơ sở vật chất và bố trí giáo viên dạy các môn học bắt buộc, nhất là Tin học và Tiếng Anh cũng là bài toán không dễ. Ngay từ đầu năm 2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn khi Chương trình GDPT 2018 còn chưa triển khai, các địa phương đã có sự chuẩn bị bước đầu.
Nhiều nơi đã lường trước kịch bản sẽ bị thiếu định mức giáo viên, thừa thiếu cục bộ nên áp dụng mô hình dạy liên trường trong cùng một cấp, hoặc liên trường giữa các cấp học với nhau trong thẩm quyền quản lý của mình.
Ví dụ, giáo viên Tin học/Tiếng Anh ở THCS xuống dạy ở tiểu học; sử dụng phòng học bộ môn của cấp THCS trên cùng một địa bàn để đáp ứng ban đầu cho học sinh tiểu học khi học môn Tin học.
Nếu giáo viên khó tuyển thì địa phương đặt hàng, mở lớp học/khóa đào tạo trên nguồn đã có. Ví dụ, giáo viên học giáo dục tiểu học trình độ cao đẳng, trung cấp mà chưa có việc làm; giáo viên đang thừa/thiếu cục, bộ địa phương sẽ cấp ngân sách để đưa đi đào tạo bổ sung đối với môn học mới.
Nhờ có kế hoạch từ sớm, từ năm học 2022 - 2023, 100% học sinh lớp 3 trên toàn quốc được học môn Tin học và Tiếng Anh với nhiều kịch bản bố trí giáo viên khác nhau.
Ví dụ, giáo viên ở TP Yên Bái (Yên Bái) được điều động lên dạy hỗ trợ lớp 3 ở huyện Mù Cang Chải; mô hình lớp học online của giáo viên TP Đà Lạt (Lâm Đồng) dạy tiếng Anh cho học sinh tỉnh Hà Giang. Điều này thể hiện sự đồng lòng, cùng nhau vượt khó của ngành Giáo dục các địa phương. Thời gian tới, mỗi địa phương sẽ có những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt chương trình mới.
- Đổi mới phương pháp giảng dạy và tổ chức lớp học theo Chương trình GDPT 2018 rất quan trọng. Vậy theo ông, vai trò của giáo viên được thể hiện thế nào?
- Trước khi thực hiện chương trình mới, chúng ta chỉ có 1 chương trình và 1 sách giáo khoa (SGK) và dạy đồng loạt trên cả nước. Hiện nay, cấp tiểu học có 5 bộ SGK với lớp 1, 3 bộ sách SGK từ lớp 1 – lớp 5. Mỗi trường dạy theo bộ sách khác nhau, SGK không biên soạn theo bài mà theo chủ đề.
Có thể cùng một chủ đề học tập, Hà Giang phải dạy trong 8 tiết nhưng Hà Nội chỉ cần 4 tiết. Tốc độ đi và cách thức triển khai kế hoạch dạy môn học tùy thuộc vào học sinh ở mỗi địa phương. Giáo viên được quyền bổ sung ngữ liệu địa phương vào tiết dạy của mình.
Đây là việc giao quyền chủ động về chuyên môn cho giáo viên trên phương châm, thầy cô dạy học theo kế hoạch cá nhân của học sinh đáp ứng sự phát triển, tiến bộ hằng ngày của các em. Đến nay, giáo viên đã làm quen với phương thức này.
Với học sinh lên lớp 6 chuyển từ Chương trình GDPT 2006 sang Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn bổ sung kiến thức cho các em để kết nối, chuyển tiếp sang chương trình mới không bị ngỡ ngàng. Học sinh lớp 5 của năm học tới có thuận lợi là các em được học theo chương trình mới ngay từ lớp 1.
Hiểu đúng để làm đúng
- Về phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học theo chương trình mới được tiến hành ra sao và có gì khác so với chương trình cũ, thưa ông?
- Năm 2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30/2014 về kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học theo tiếp cận phẩm chất, năng lực người học. Sau đó, chúng ta đã điều chỉnh, bổ sung ở Thông tư 22/2016. Cả hai thông tư này có sự đổi mới đánh giá theo tiếp cận phát triển năng lực của người học, coi trọng đánh giá thường xuyên, định kỳ và sự tiến bộ của học sinh ngày hôm trước với ngày hôm sau.
Trên cơ sở kế thừa những ưu việt của Thông tư 30/2014 và Thông tư 22/2016, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 27/2020 về kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học. Hiện nay, việc đổi mới kiểm tra đánh giá khi chuyển sang Chương trình GDPT 2018 có nhiều thuận lợi. Chúng ta chỉ bổ sung quá trình đánh giá theo chương trình mới ở một số môn học mới như Tin học, Tiếng Anh, Công nghệ. Về quan điểm và phương pháp đánh giá cơ bản giữ nguyên.
- Như ông phân tích, Tiếng Anh dạy bắt buộc với học sinh từ lớp 3, lớp 1 và 2 là tự chọn. Vậy dạy môn Tiếng Anh cần thực hiện thế nào để tránh tình trạng phụ huynh có con học lớp 1, 2 phải “tự chọn” trên cơ sở “bắt buộc”?
- Đối với tổ chức dạy học ở nhà trường, chương trình chỉ quy định những tiết học giống nhau là 7 tiết/ngày. Tính theo thời gian thực, học sinh được học tăng cường (ngoài 7 tiết cố định) theo nhu cầu người học và trên cơ sở đăng ký của phụ huynh.
Trong quá trình tổ chức xếp lớp ban đầu, phụ huynh học sinh phải phối hợp với nhà trường thực hiện phiếu nghiên cứu, khảo sát. Nhà trường có trách nhiệm công bố nội dung bắt buộc, môn học tăng cường tự chọn gồm những gì?
Những môn học/hoạt động tự chọn phải có căn cứ pháp lý và văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT hay không? Có được HĐND cấp tỉnh/thành phố đưa vào nội dung để quản lý về thu chi dịch vụ hay không?
Như vậy, với học sinh lớp 1 – 2 có quyền lựa chọn Tiếng Anh là môn tự chọn nếu có nhu cầu. Tiếng Anh lớp 1 – 2 vẫn có chương trình và SGK. Những nơi học sinh đăng ký học tiếng Anh tự chọn, nhà trường có trách nhiệm tổ chức dạy cho các em. Nếu các em không đăng ký học tiếng Anh tự chọn vẫn không ảnh hưởng vì lên lớp 3 mới bắt buộc học môn Tiếng Anh.
Về nguyên tắc, ngay từ đầu năm học, hiệu trưởng trường tiểu học phải tiến hành khảo sát nguyện vọng của phụ huynh mới xếp lớp. Em nào có cùng nhu cầu học tiếng Anh tăng cường thì có thể xếp lớp tự chọn học chung với nhau. Nếu nhu cầu của học sinh khác nhau mà nhà trường xếp lớp tự chọn trong giờ chính khóa là sai quy định.
Tiến tới đổi mới quy trình bồi dưỡng thường xuyên
- Để sẵn sàng cho năm học 2024 - 2025, công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên tiểu học được thực hiện ra sao?
- Theo nhiệm vụ và quy chế bồi dưỡng thường xuyên, mỗi năm giáo viên được thực hiện 3 chương trình bồi dưỡng gồm: Bồi dưỡng thường xuyên theo chương trình của Bộ GD&ĐT; bồi dưỡng thường xuyên, cập nhật kiến thức theo chương trình của địa phương; tự bồi dưỡng.
Căn cứ vào thực tế triển khai, nhiều địa phương đang tổ chức bồi dưỡng tập huấn sử dụng SGK mới lớp 5, 9 và 12 cho giáo viên; bồi dưỡng các quy định mới của ngành Giáo dục cũng như điều kiện về kinh tế xã hội ở mỗi địa phương. Thời gian qua, việc tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên cũng có những hạn chế nhất định.
Trong đó, số lượng tác giả viết SGK thì có hạn trong khi nhiều địa phương có địa bàn trải rộng, không tập trung nên phải tận dụng thời gian nghỉ hè để bồi dưỡng cho giáo viên. Dù biết giáo viên gặp nhiều khó khăn và vất vả nhưng mong các thầy cô tiếp tục cố gắng. Hy vọng sang năm, quy trình bồi dưỡng thường xuyên được gom vào một khoảng thời gian nhất định để thầy cô có trọn vẹn 2 tháng nghỉ hè.
- Một trong các công việc cần triển khai ở năm học mới là giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương. Bộ GD&ĐT có chỉ đạo ra sao để mỗi giáo viên đều hiểu và biết việc của mình?
- Tài liệu Giáo dục địa phương là nội dung bổ sung cho các môn học theo chương trình mới. Khi học sinh học Lịch sử, Địa lý, tinh thần yêu nước, yêu quê hương thì các em phải biết truyền thống của nơi mình ở. Trong SGK không thể viết hết giá trị lịch sử ở mỗi địa phương mà chỉ viết dưới dạng sơ lược, Khi dạy, giáo viên được quyền lấy ngữ liệu ở địa phương để bổ sung vào bài học.
Mỗi địa phương có trách nhiệm biên soạn, thẩm định và trình Bộ GD&ĐT để phê duyệt tài liệu Giáo dục địa phương. Việc này nhằm thể hiện chức năng quản lý Nhà nước vì đó là một phần của chương trình cũng như kiểm soát, đôn đốc quá trình triển khai.
Trong năm học tới, chúng ta phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 32 của Chính phủ, ngày 20/3/2024 về triển khai Nghị quyết 686 ngày 18/9/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XV về Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó, Chính phủ giao cho UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phải bố trí nguồn kinh phí để in ấn, phát hành tài liệu Giáo dục địa phương. Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn về chuyên môn để tháo gỡ vướng mắc khi triển khai. - TS Thái Văn Tài