Với nhiệm vụ này, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học đổi mới mục tiêu, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy từ cung cấp kiến thức sang hỗ trợ phát triển năng lực và phẩm chất, kỹ năng của người học;
Đổi mới cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo đại học dựa trên kinh nghiệm của các Chương trình đào tạo tiên tiến (POHE, CDIO); đổi mới, cập nhật nội dung giáo trình, nhất là giáo trình các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý gắn với tiến trình cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, trên cơ sở đó tiến hành phân tầng và công khai kết quả kiểm định để xã hội, người học đánh giá, xếp hạng, đặc biệt là công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học;
Khuyến khích các trường thực hiện các chuẩn đầu ra phù hợp với yêu câu của thị trường lao động khu vực và quốc tế; quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng dân tộc thiểu số.
Triển khai Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết để thực hiện Khung trình độ quốc gia.
Trên cơ sở đó rà soát, điều chỉnh, xây dựng các chuẩn quốc gia đối với giáo dục đại học nhằm đảm bảo chất lượng; tạo ra sự thống nhất về chuẩn mực chung đối với các ngành, nghề đào tạo; làm căn cứ để đánh giá khách quan hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học; làm cơ sở công nhận và xác định tương đương văn bằng của quốc gia và quốc tế về giáo dục đại học.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm; xây dựng thư viện điện tử với cơ sở dữ liệu dùng chung cho các khối ngành mũi nhọn như khoa học kỹ thuật, công nghệ, các ngành tự do dịch chuyển lao động trong khu vực và trên thế giới...;
Tiếp tục đầu tư phát triển các chương trình tiên tiến, chương trình Kỹ sư chất lượng cao và các chương trình chất lượng cao khác đã được thực hiện thành công ở Việt Nam; ưu tiên đầu tư cho một số ngành đào tạo tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong việc đào tạo, tăng cường họp tác với các doanh nghiệp để gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học, chú trọng phát triển đội ngũ cốt cán trong nghiên cứu khoa học, xây dựng và triển khai chương trình nghiên cứu quốc gia về giáo dục và đào tạo theo xu thế quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học;
Thành lập các nhóm giảng dạy - nghiên cứu được đầu tư đồng bộ để kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học với nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, qua đó tăng số lượng và chất lượng các công trình công bố quốc tế.
Nâng mức suất đầu tư đào tạo trên mỗi sinh viên, học viên sau đại học bằng các nguồn khác nhau ở những ngành nghề đặc thù mà nhà nước đang cần để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017.
Đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực đảm bảo chất lượng đào tạo và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm của các cơ sở giáo dục đại học.