Nâng cao cảnh giác phòng tay chân miệng khi bệnh đã bắt đầu "vào mùa"

GD&TĐ - Tại Hà Nội, số ca mắc bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu gia tăng. Theo Sở Y tế Hà Nội, bệnh tay chân miệng là dịch bệnh lưu hành thường xuyên, hằng năm trên địa bàn ghi nhận từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc.

Thực hiện vệ sinh phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ trong trường học. Ảnh: TTXVN
Thực hiện vệ sinh phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ trong trường học. Ảnh: TTXVN

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện bệnh đã bắt đầu "vào mùa", số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương, các Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Y tế các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng trong trường học.

Cụ thể, Thành phố Hà Nội yêu cầu các địa bàn tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh cho giáo viên, học sinh, khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế để có biện pháp cách ly điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, nhà trường phải có các biện pháp xử lý môi trường để phòng, chống bệnh tay chân miệng như: Vệ sinh lớp học (sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập...) bằng xà phòng hoặc chất diệt khuẩn cloramin B theo quy định.

Đồng thời, các địa bàn phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học, các nhóm trẻ, nhà trẻ, gia đình… nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của ngành y tế.

Để phòng bệnh, mỗi người dân cũng cần thực hiện tốt các biện pháp đơn giản, dễ thực hiện hàng ngày như: Vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch, vệ sinh đồ chơi cho trẻ nhỏ...

Chủ động phòng bệnh

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 17.451 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó, có 4 ca tử vong tại Kiên Giang, An Giang và Long An.

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam, so với cùng kỳ năm 2020, số mắc tay chân miệng  tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4 - 5 và tháng 9 - 10 hàng năm. Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Để tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, nhằm giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế vừa có Công văn số gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo triển khai một số nội dung về tăng cường phòng chống dịch tay chân miệng.

Cụ thể: Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp tới người dân về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ sạch; đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh; chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình, các báo địa phương ưu tiên phát sóng và đưa các thông điệp, khuyến cáo về phòng chống bệnh tay chân miệng….

Bệnh dễ lây và nguy hiểm thế nào?

Các chuyên gia cho rằng, không phải ai nhiễm bệnh tay chân miệng đều có biểu hiện của bệnh.  Thông thường biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5 độ C), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó sẽ xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2 - 3mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ.  Các mụn nước trong miệng dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết loét, đau rát.  Mụn nước, bọng nước sẽ tiếp tục xuất hiện ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông.

Tuy nhiên, có một số trường hợp không điển hình và triệu chứng trên không rõ ràng, chỉ có loét miệng, hoặc không rõ dạng bóng nước, chỉ là dạng chấm hoặc hồng ban. Điều này khiến người thân nhầm lẫn với các bệnh khác và thường chỉ phát hiện khi bệnh đã biến chứng quá nặng.

Đặc điểm tiếp theo khiến bệnh dễ gặp nguy hiểm ở trẻ là bệnh thường tấn công ở trẻ có sức đề kháng yếu. và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và rất ít thấy ở trẻ trên 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn.

Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm vi rút và mắc bệnh cao hơn vì hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, khả năng đề kháng và miễn dịch yếu hơn người lớn.

Ngoài ra, trẻ cũng là đối tượng hay đưa tay, đồ chơi vào miệng – khiến vi rút dễ xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết. Bệnh phát triển rất nhanh và gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc.

Virút gây bệnh tay chân miệng có thể lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ bọng nước hoặc phân của người bệnh.  Do đó, bệnh rất khó phòng ngừa nhất là khi trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo.
Nguy cơ “trẻ lây cho trẻ” mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi một trẻ nhiễm bệnh nhưng giai đoạn lây nhiễm có thể kéo dài vài tuần do virút còn trong phân.

Thực tế, dù trẻ bị nhiễm bệnh và cách ly ở nhà 1-2 tuần cho tới khi hết bệnh thì khi đi học, trẻ vẫn có thể lây bệnh cho các bạn khác.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc phòng chống vi rút hoặc các loại vắc xin đặc hiệu để phòng ngừa các loại vi rút enterovirus không gây bại liệt.

Các biện pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc bệnh nhân. Cho bệnh nhân dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Bệnh nhân cần được ăn đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.