Giường bệnh là… nhà trọ

GD&TĐ - Họ ở đây - nhà lưu trú của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã nhiều năm. 25 bệnh nhân chạy thận, người ít nhất 4 năm, người nhiều nhất hơn chục năm. Họ coi mỗi chiếc giường là nhà của mình, vui, buồn, gắn bó và bấu víu lẫn nhau cùng vượt qua căn bệnh vừa hiểm nghèo vừa hao tiền tốn của - bệnh suy thận.

Chị Phạm Thị Chiểu (một trong những bệnh nhân chạy thận) nhiều năm coi nhà lưu trú là nhà của mình
Chị Phạm Thị Chiểu (một trong những bệnh nhân chạy thận) nhiều năm coi nhà lưu trú là nhà của mình

Những số phận buồn

Chị Phạm Thị Chiểu, quê Phú Xuyên, Hà Nội cho biết: “Gọi là nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nhưng thực ra bệnh nhân lại chiếm số đông trong những người đang trọ ở đây. Tôi là 1 trong 25 bệnh nhân chạy thận đã gắn bó với ngôi nhà này từ nhiều năm rồi. Tôi chạy thận một tuần 3 lần, mỗi lần vài tiếng nhưng suy thận thì biến chứng sang nhiều bệnh khác nữa nên sức khỏe yếu, nhà xa đi lại tốn kém nên hầu như ở lại đây luôn. Thi thoảng lắm, ngày Tết hoặc nhà có việc lớn chúng tôi mới về nhà”.

Cô Nguyễn Thị Bình quê Yên Dũng, Bắc Giang chạy thận 6 năm nay và gắn bó với nhà lưu trú này cũng đã 5 năm chia sẻ: “Cũng may là Bệnh viện Bạch Mai xây được khu nhà ở nghĩa tình này nên cũng đỡ chi phí cho bệnh nhân như chúng tôi rất nhiều. Giá ở đây rất rẻ. Đối với phòng không điều hòa thì tiền trả cho mỗi giường một ngày là 20.000 đồng còn có điều hòa thì cũng chỉ 30.000 đồng một giường gồm cả tiền điện, nước. Nếu dùng nước nóng để tắm thì cũng chỉ trả thêm 10.000 đồng cho một ngày. Giữa bệnh viện đông nghẹt mà được một nơi trú chân sạch sẽ, an ninh tốt và gần nơi mình điều trị thì cũng là một điều may mắn lớn đối với chúng tôi”.

Mơ ước bình dị

Các bệnh nhân lưu trú cho biết, quy định của nhà lưu trú không cho họ giặt phơi trong khu nhà. Nếu giặt dịch vụ của nhà lưu trú thì cứ mỗi 1 kg quần áo họ phải trả 30.000 đồng - một số tiền đáng kể so với gia cảnh khánh kiệt của những bệnh nhân chạy thận.

“Chúng tôi không có tiền trả cho dịch vụ giặt quần áo nên vẫn phải lén giặt, lén phơi vào đêm rồi hong quạt cho khô để mai có quần áo mặc. Đây là điều bất tiện nhất mà chúng tôi gặp phải. Nếu lãnh đạo bệnh viện chiếu cố giải quyết cho chúng tôi giặt phơi ở đây thì tốt cho chúng tôi quá!”. Mong muốn bình dị của anh Đinh Văn Mạnh cũng là mong muốn của nhiều người trong phòng lưu trú mà tôi gặp.

Chị Phạm Thị Chiểu thì ao ước: “Nếu mỗi phòng lưu trú bố trí 1, 2 chiếc tủ lạnh để chúng tôi cất đồ ăn thừa thì tốt quá! Vì bệnh nhân có hôm chạy thận mệt không ăn được mà bỏ đi thì sót ruột lắm”.

Đối diện với Bệnh viện Bạch Mai, bên kia đường Nguyễn Thanh Nghị còn có hơn một trăm những số phận chung bệnh tình giống họ gọi là xóm dành cho những bệnh nhân chạy thận. Ở xóm đó, giá thuê nhà cũng rẻ, điều kiện tốt hơn bên này, chỗ ăn chỗ giặt cũng tiện lại được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, từ thiện. Nhưng 25 bệnh nhân sống trong nhà lưu trú này, do sức khỏe yếu, di chuyển khó khăn nên họ chọn nhà lưu trú của bệnh viện để nương náu và thuận tiện cho việc chữa bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.