Nâng bước chân con

GD&TĐ - Người chủ ruộng nói: “Con gái học nhiều để làm gì? Đủ tuổi thì gả bán, kiếm vài chục triệu sính lễ thế là xong”.

Nâng bước chân con

Rồi họ đưa những tờ tiền trả công gặt thuê của một ngày Hè nắng như đổ lửa cho Pá và con. Pá im lặng đưa bàn tay lau những giọt mồ hôi trên trán con.

Nhìn bùn đất bám trên manh áo chàm của Pá, con không biết mình còn có thể được đến lớp. Nhà mình nghèo không có ruộng. Mỗi khi nhìn nhà người ta thóc lúa phơi đầy sân, con thầm mong gia đình mình còn giữ lại được mảnh ruộng năm xưa.

Năm ấy, vì cần tiền chữa bệnh cho Mé nên Pá phải bán đi những thửa ruộng để đưa Mé xuống thành phố điều trị. Mé khỏi bệnh nhưng gia đình nghèo lại hoàn nghèo.

Những buổi tối hầm hập nóng, Pá nhường chiếc quạt duy nhất để chị em con học bài. Pá thường nhắc con ôn bài của năm học cũ để không bỡ ngỡ khi bước vào năm học mới.

Khi con học bài xong, Pá thường kể cho con nghe về tuổi thơ của mình. Mười lăm tuổi Pá thành trẻ mồ côi, không nơi nương tựa Pá nghỉ học đi làm thuê trong xưởng gỗ. Hằng ngày, nhìn bạn bè ríu rít cười đùa đến trường, Pá nhớ đến những sớm tinh sương vượt núi đi học trên con đường mòn, nhớ giọng nói dịu dàng của cô giáo… Những thanh âm, hình ảnh ấy dần tan biến vào những ngày công mệt nhọc cùng tiếng ồn ào của máy móc, mùn cưa.

Giờ đây, niềm hy vọng lớn nhất của Pá là ba chị em con. Pá thường dạy: “Các con không được học thì sẽ khổ cả cuộc đời. Con gái ở nơi heo hút này không có cái nghề trong tay thì khổ đến đời con, đời cháu”. Hồi ấy, con chưa hiểu sự đời nên có lần con giận dỗi trách Pá quá nghiêm khắc. Vì Pá yêu cầu khi rửa bát xong, chúng con phải sắp xếp ngay ngắn từng đôi đũa, nấu ăn không để tóc tai bù xù, vo gạo phải nhặt kỹ từng hạt sạn...

Trở thành thiếu nữ, con mới hiểu Pá làm những điều ấy vì muốn tốt cho chúng con. Những buổi tối, các anh thanh niên trong bản đến nhà, Pá vẫn bảo con và chị cứ tập trung học bài trong buồng, Pá ngồi tiếp khách và tiễn họ về lúc đêm khuya.

“Học nhiều để làm gì? Mai sau thời gian sẽ trả lời cho con”. Ảnh: Hoàng Thị Hiền.
“Học nhiều để làm gì? Mai sau thời gian sẽ trả lời cho con”. Ảnh: Hoàng Thị Hiền.

Thế rồi, ngày chị đỗ đại học cũng đến, con thấy Pá lén lau giọt nước mắt hạnh phúc trôi trên gò má. Hôm sau, Pá lặng lẽ dắt con trâu xuống chợ phiên bán để có đủ chi phí cho chị đi học ở thành phố xa xôi, nơi mà Pá chưa từng đặt chân tới. Con trâu ấy Pá, Mé vay mượn để mua và chăm bẵm từ một chú nghé con. Tài sản đáng giá nhất của nhà mình theo bước chân chị vào giảng đường đại học.

Nhà không còn ruộng và trâu, Pá theo nhà thầu dưới xuôi đi xây mương tận Phja Đén. Sáng mùa Đông giá buốt, sương muối trắng trời, con cay khóe mắt khi thấy trong ba lô con cóc của Pá chỉ có hai chiếc áo ấm đã sờn.

Pá dặn con và em ở nhà chịu khó học, khi tan trường thì nán lại đợi nhau cùng về vì đường đèo vắng vẻ. Pá đi làm, con cũng tập cho mình làm cô giáo của cậu em lớp Chín. Con kèm em học để tiết kiệm chi phí học thêm.

Pá đi làm con cũng tập quen dần với những hôm đi ôn thi học sinh giỏi về muộn. Đường đèo vắng ngắt vọng tiếng cú từ rừng già, thỉnh thoảng lại có con rắn cạp nia lì lợm bò ngang khúc cua cạnh mỏm đá tai mèo.

Lúc ở nhà, Pá thường đến lớp đón con. Pá đèo con trên chiếc xe đạp cũ vượt qua con đường tối dựa vào thứ ánh sáng lờ mờ của ánh trăng hạ huyền. Một lần, theo Mé xuống chợ phiên bán chuối, con gặp lại đứa bạn cùng bàn bỏ học lấy chồng từ năm lớp Mười một, nhà trai dẫn cưới bốn mươi triệu. Nhìn nó xúng xính quần áo mới cùng nhẫn, hoa tai, dây chuyền vàng... con trông xuống đôi dép tổ ong đã sứt quai của mình cảm thấy băn khoăn cho con đường học hành mà Pá định hướng.

Khi con cảm thấy chênh vênh nhất cho sự lựa chọn của mình thì Pá về nhà. Tối ấy, Pá chia tiền công làm thuê ra làm ba phần: Một phần gửi bưu điện xuống trường cho chị, một phần đóng tiền học phí cho hai chị em con, phần còn lại để mua gạo.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Con nghe được câu chuyện Pá nói khẽ với Mé như sợ chúng con nghe thấy. Ở Phja Đén nhiệt độ buổi tối âm đến mấy độ, núi rừng ào ào gió buốt. Pá cùng nhóm thợ đắp tấm bạt mỏng manh để ngủ. Mọi người thay phiên đốt lửa sưởi cả đêm, san sẻ từng bát nước gừng cho ấm bụng.

Pá không dám mua cho mình đôi ủng vì muốn tiết kiệm tiền. Nhìn đôi bàn tay Pá nứt nẻ và đôi chân mọng lên vì rét buốt, con lại nghĩ đến đứa bạn gặp ở chợ phiên. Nó từng bảo con “nghỉ học lấy chồng cho Pá, Mé vơi nỗi nhọc nhằn...”.

Như hiểu được nỗi lòng con, Pá kể cho con nghe về những tháng ngày không nơi nương tựa của bản thân. Rồi Pá nhìn con bằng ánh mắt đầy nghị lực và nói: “Ba chị em cứ yên tâm học. Con đã hỏi học nhiều để làm gì đúng không? Sau này, cuộc sống khắc trả lời cho con”.

Thỉnh thoảng, con thấy Pá lấy sách giáo khoa của con để đọc. Những bài thơ học trò, con được đăng trên tạp chí, Pá đọc lại nhiều lần như khắc ghi từng chữ. Thì ra, Pá cũng yêu những vần thơ nhưng cuộc sống nghèo khó đã làm Pá quên đi ước mơ nhỏ bé trong vòng quay mưu sinh cơm áo gạo tiền.

Học kỳ một năm ấy, con được học bổng. Con mua tặng Pá chiếc áo ấm, đôi ủng, đôi găng tay. Lúc này, con nhận ra học hành là con đường rộng mở để thoát khỏi sự cơ cực nơi núi rừng.

Con đỗ đại học, đôi mắt và nụ cười của Pá đã tiếp cho con thêm nghị lực để bắt đầu hành trình xa nhà. Xuống thành phố, con vẫn giữ nếp chăm chỉ của thiếu nữ miền rừng như Pá từng dạy con.

Ngoài giờ học, con làm thêm đủ thứ nghề: Bán quần áo, phụ bàn, gia sư... Con muốn Pá Mé bớt đi sự nhọc nhằn trên tấm lưng đã hơi ngả xuống theo thời gian. Nhưng lần nào gọi điện cho con Pá cũng dặn “không được tham công tiếc việc mà quên nhiệm vụ học của mình”.

Đến ngày mùa, chúng con về nhà đi cấy thuê cùng Pá Mé. Nhìn chúng con trong bộ quần áo bám đất bùn, người bản mỉa mai: “Học cho lắm vào rồi cũng về quê làm ruộng”.

Tối ấy, trong bữa cơm chỉ một món rau rừng chấm nước mắm, con nói với cả nhà bằng sự đắn đo: “Hay là con nghỉ học giúp Pá Mé, mình chị đi học là đủ rồi”. Pá nhìn con thật lâu bằng ánh mắt cương nghị rồi nói với con: Ai cũng cần có một nghề để vững bước trên con đường của mình. Con đường Pá Mé lựa chọn cho con là con đường tri thức. Vì vậy, con cần cố gắng học không chỉ cho con…!

Hôm nay, bước qua cổng trường nhận công việc mới của một cô giáo, con chợt nhớ đến lời của Pá: “Học nhiều để làm gì? Mai sau thời gian sẽ trả lời cho con!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...