Nắn xương, bẻ khớp theo 'bác sĩ mạng': Tiền mất, tật mang

GD&TĐ - Gần đây, nhiều TikToker mệnh danh là 'bác sĩ online' đã thực hiện trào lưu bẻ xương, nắn khớp.

Các 'thầy thuốc online' hướng dẫn nắn xương, bẻ khớp trên TikTok.
Các 'thầy thuốc online' hướng dẫn nắn xương, bẻ khớp trên TikTok.

Gần đây, nhiều TikToker mệnh danh là “bác sĩ online” đã thực hiện trào lưu bẻ xương, nắn khớp. Các “thầy thuốc online” truyền dạy kinh nghiệm bẻ khớp tạo ra tiếng kêu rắc rắc. Song, thực tế, phương pháp này có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm…

Nhập viện do nắn xương, bẻ khớp sai cách

Những “bậc thầy online” còn đăng tải vô số các video hướng dẫn người xem tự chỉnh nắn cột sống. Ngoài ra, một số video còn cổ súy cho việc tự điều chỉnh khớp tay, khớp chân tại nhà.

Ngoài việc truyền tải các clip “hành nghề”, những tài khoản TikTok này còn đăng video hướng dẫn cụ thể. Những video bẻ khớp phát ra tiếng kêu rắc rắc tràn lan TikTok.

Dưới mỗi bài đăng, không ít người để lại bình luận. Trong đó, nhiều người gặp các vấn đề về xương khớp cũng tìm đến những tài khoản này để được tư vấn chữa trị. Có thể kể đến một số bình luận như: “Mình ở TPHCM, bị vẹo cột sống bên phải, muốn xin địa chỉ thầy để chữa trị”; “Em xin thông tin khóa học bẻ xương nắn khớp vật lý trị liệu bên thầy được không ạ?”; “Đối với tai nạn rách bao khớp vai của mình, có thực hiện phương pháp bẻ khớp này được không?”.

Trước đó, năm 2023, nam thanh niên tên H.H. (35 tuổi, quê Lâm Đồng) đau lưng hơn 2 năm. Tình trạng nhức mỏi lưng ngày càng nhiều hơn nên anh đi nắn bẻ khớp tại nhà một thầy lang ở Đạ Tẻh (Lâm Đồng).

Sau khi đi nắn bẻ khớp khoảng nửa ngày, toàn thân bệnh nhân uể oải và mệt mỏi, sờ tay ra phía sau lưng các chỗ nắn thì đau nhói, sờ cảm giác bị trượt, lệch đốt sống ra ngoài, vận động, hít thở mạnh hay tập thể dục đều thấy đau. Sau đó, bệnh nhân tới thăm khám tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM.

Tại đây, qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân gù nhẹ, sờ nắn hai bên cột sống ngực và các đốt sống thì đau nhói. Trên phim X-quang cho thấy, đốt sống ngực T5-T6 bị tổn thương nứt vỡ ngay khớp sụn sườn 2 bên. Xương sườn 10 bên trái bị gãy gần khớp sụn sườn.

Khớp sụn sườn 11, 12 bị toác so với các khớp khác. Từ lúc tổn thương, bệnh nhân không nghỉ ngơi mà vận động thường xuyên, hay vặn người, với tay, khiêng đồ. Đây có thể là yếu tố dẫn đến tình trạng xương, khớp không lành trong thời gian dài.

Trường hợp khác là bà P.K.A. (50 tuổi), thấy mệt mỏi và đau lưng nên đến một điểm bấm huyệt và bẻ khớp tại TP Thủ Đức (TPHCM). Sau khi bấm huyệt và bẻ cột sống, bà A. đau nhói ở vùng thắt lưng. Tuy nhiên, “thầy bảo không sao” và hẹn bà A. hôm sau tiếp tục điều trị.

Sau buổi trị liệu thứ 2, bà A. đau nhiều hơn, không đi lại được, khó thở nằm mệt. Bà được giới thiệu đến khám tại Trung tâm Hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM. Khi đến khám, bà A. đau không ngồi dậy được. Qua thăm khám, bà A. bị đau vùng thắt lưng phải gần cột sống, có điểm đau nhói giật nảy người ở các xuơng sườn cuối 11 - 12 gần cột sống, viêm sưng nhẹ.

Nguy cơ tử vong

Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, đơn vị tiếp nhận nhiều ca là nạn nhân của nắn bẻ xương khớp. Đây là hậu quả theo trào lưu trên mạng xã hội. Một số thầy lang hay kỹ thuật viên dùng lực quá mạnh với mục đích tạo tiếng kêu to như trên video để chứng tỏ “tay nghề”.

Nắn bẻ các khớp, đặc biệt là khớp cột sống phải đảm bảo sức khỏe cột sống trước khi thực hiện kỹ thuật này. Đồng thời, phải đảm bảo các đốt sống không bị trợt, xẹp, nứt vỡ. Việc nắn bẻ không đúng cách có thể gây tổn thương tủy và liệt, thậm chí tử vong.

“Nắn chỉnh khớp là kỹ thuật làm tăng biên độ vận động của khớp, giảm căng mỏi, tê cứng, thư giãn trong thời gian ngắn. Không nên áp dụng thường xuyên và không phải cứ phải bẻ cho kêu to mới là hiệu quả mà phải đánh giá trước và sau điều trị”, bác sĩ Calvin khuyến cáo.

PGS.TS Vũ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Cơ - Xương - Khớp, Bệnh viện Đông Đô cho biết, bẻ khớp xương bản chất là phương pháp dùng trong vật lý trị liệu. Tiền đề của nó được gọi là Chiropractic. Đây là một cách điều trị tích cực không dùng thuốc. Các bác sĩ chuyên môn sẽ dùng tay hoặc thiết bị phụ trợ để nắn trật khớp. Vùng thường được nắn xương khớp nhiều nhất là cột sống và các khớp.

Được biết, các nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu đã chứng minh rằng, Chiropractic là phương pháp điều trị bảo tồn an toàn, hiệu quả cao trong điều trị nhiều bệnh lý cơ xương khớp, cột sống như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, gai cột sống, viêm khớp, đau thần kinh tọa… Đây cũng là phương pháp rất phổ biến tại Mỹ và các nước tiên tiến. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện tùy tiện vì gây nguy cơ gây chấn thương đến cột sống và xương khớp.

TS Nguyễn Ngọc Châu, Chủ nhiệm Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong các hoạt động hằng ngày, khớp là những cơ quan vận động rất nhiều nên xảy ra tình trạng làm mỏi khớp.

Do đó, những động tác bẻ khớp tạo cho người ta cảm thấy thoải mái ngay lúc đó. Nếu làm ở mức vừa phải thì sẽ không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, khi sử dụng việc bẻ khớp là một phương pháp liệu trình thì đó lại là điều khác.

Bởi, nếu như không cẩn thận, gặp phải những người không có chuyên môn thì xảy ra các vấn đề nặng hơn. Lúc đó, bệnh trở nên nặng, khiến việc điều trị khó khăn. Vậy nên, người có các bệnh về xương khớp nên đến thăm khám, gặp bác sĩ chuyên khoa để có liệu trình phù hợp, tránh “tiền mất, tật mang”.

Cũng theo chuyên gia này, tiếng kêu rắc rắc gây thích thú thực ra chỉ là một trải nghiệm tâm lý. Thực tế, các bác sĩ chuyên khoa thực hiện thao tác nắn chỉnh có thể không tạo ra âm thanh. Song, điều đó không có nghĩa là việc nắn chỉnh không hiệu quả. Tuy nhiên, nếu cố gắng xoay vặn, thực hiện các động tác không đúng kỹ thuật để tạo ra âm thanh rắc rắc sẽ mang đến nhiều hậu quả đáng ngại.

Các chuyên gia khuyến cáo, việc tự ý bẻ xương khớp như khớp ngón tay, cột sống, khớp cổ… là một trong những thói quen xấu làm giảm tuổi thọ của xương khớp. Điều này khiến cho các khớp ngày càng to lên. Đồng thời, có thể gây ra những tổn thương như: Bong gân, giãn dây chằng, trật khớp, làm sụn khớp nhanh bào mòn và đẩy nhanh quá trình lão hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.