Cảnh báo lừa đảo trẻ em, giả danh bác sĩ trên không gian mạng

GD&TĐ - Tuần qua, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) ghi nhận tình trạng lừa đảo trẻ em, giả danh y bác sĩ lừa bán thuốc trên không gian mạng.

Nhiều thông tin lừa đảo trực tuyến được ghi nhận trong tuần qua.
Nhiều thông tin lừa đảo trực tuyến được ghi nhận trong tuần qua.

Lừa đảo trẻ em trên không gian mạng

Theo điểm tin tuần 18/12 - 23/12 của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), những đối tượng lừa đảo lợi dụng số lượng trẻ em đang tăng trong ngành kinh doanh trò chơi trực tuyến để tạo ra phương thức lừa đảo mới. Đó là lừa đảo xoay quanh việc sử dụng các ưu đãi hấp dẫn như hứa hẹn tiền tệ hoặc đặc quyền trong các trò chơi phổ biến như Fortnite và Roblox.

Cụ thể, đối tượng phát tán, dẫn dụ trẻ em nhấp vào liên kết hoặc tải xuống tệp đính kèm (thường là các đường link trang web, tệp PDF hoặc email). Nội dung tệp là "truy cập vào các giao diện quý hiếm, tiền ảo hoặc vật phẩm độc quyền cho trò chơi yêu thích". Các em không biết đó là những địa chỉ liên kết và phần mềm độc hại.

Thông qua phương pháp này, đối tượng có thể dễ dàng sử dụng các trang web lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân hoặc sử dụng các phần mềm độc hại tấn công thiết bị điện tử và dữ liệu người dùng.

Lừa đảo trẻ em trong không gian mạng nở rộ.

Lừa đảo trẻ em trong không gian mạng nở rộ.

Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, trẻ em và người lớn phải có đủ hiểu biết và sự chủ động. Phụ huynh cần giúp trẻ hiểu về tầm quan trọng của việc không chia sẻ thông tin cá nhân trên không gian mạng; kỹ năng nhận biết, đánh giá tình huống và tính xác thực của những lời dụ dỗ, các trang web và đường dẫn lạ. Đồng thời, khuyến khích trẻ có ý thức thường xuyên chia sẻ bất kỳ tin nhắn đáng ngờ nào mà trẻ gặp phải.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ các tương tác trực tuyến, danh sách bạn bè và nội dung tải xuống của trẻ em; cũng như cài đặt các phần mềm bảo mật uy tín để có thể kịp thời phát hiện các liên kết và phần mềm độc hại trên thiết bị của trẻ.

Các đối tượng lừa đảo giả danh y bác sĩ lừa bán thuốc.

Các đối tượng lừa đảo giả danh y bác sĩ lừa bán thuốc.

Giả danh y bác sĩ lừa bán thuốc

Tuần qua, Công an Bắc Giang đã phá chuyên án lớn đấu tranh với một nhóm đối tượng giả danh y, bác sĩ tư vấn, quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng của thuốc chữa bệnh để đánh vào tâm lý người bệnh.

Trong hơn 1 năm, nhóm đối tượng này đã bán trót lọt khoảng 80.000 đơn hàng thực phẩm chức năng cho hơn 20.000 bị hại, thu lợi bất chính gần 75 tỷ đồng.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; không nghe tư vấn trên các trang web khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn.

Người dân chỉ tìm đến các cơ sở y tế đã được cấp phép để chuyên gia y tế khám, hướng dẫn chữa trị và mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được Nhà nước cấp phép theo đúng quy định.

Gần 26 triệu người Việt Nam sở hữu tiền kỹ thuật số.

Gần 26 triệu người Việt Nam sở hữu tiền kỹ thuật số.

Lừa đảo đầu tư tiền kỹ thuật số

Thời gian gần đây, hình thức góp vốn đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số (tiền mã hóa, một loại tài sản có giá trị điện tử); mua - bán trên các sàn giao dịch nhị phân, sàn đầu tư ngoại hối;… với lãi suất cao gấp nhiều lần và cam kết hoàn tiền nếu gặp rủi ro đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng.

Một trong số các sàn đầu tư lừa đảo là ứng dụng có tên Token Pocket. Bằng nhiều chiêu trò, các đối tượng sở hữu app này đã lôi kéo và thu hút hàng chục nghìn người tham gia đầu tư, rồi bất ngờ đóng tài khoản của nạn nhân để chiếm đoạt tiền.

Mục tiêu của các đối tượng lừa đảo này là những doanh nhân, chủ doanh nghiệp, hoa hậu, người đẹp, hay thậm chí là cả các cán bộ hưu trí….

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực; cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào đặc biệt là không gian mạng.

Đồng thời tìm hiểu kỹ về các sàn giao dịch, công ty đầu tư tiền kỹ thuật số, nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo. Bên cạnh đó, người dùng nên cẩn trọng với các khoản phí không rõ ràng hoặc quá cao so với thị trường thông thường.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Việt Nam, gần 26 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số, trong khi nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền kỹ thuật số nào. Đáng nói là số nạn nhân bị lừa đảo liên quan đến tiền kỹ thuật số tại Việt Nam chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên không gian mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ