Nan giải bản quyền nhiếp ảnh

GD&TĐ - Sự ra đời của mạng xã hội đang tạo nhiều cơ hội cho các nhiếp ảnh gia giới thiệu các tác phẩm đặc sắc của mình đến gần với công chúng. 

Nan giải bản quyền nhiếp ảnh

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì hiện tượng vi phạm bản quyền trong nhiếp ảnh cũng đang gây nhức nhối. Làm thế nào để có một chế tài quản lý ngăn chặn tình trạng này là vấn đề không dễ.

Nhiều tác phẩm được sử dụng tự do

Việc sử dụng tự do các tác phẩm trong lĩnh vực nhiếp ảnh không cần xin phép là thực trạng đang diễn ra khiến nhiều nhiếp ảnh gia bất bình.

Nhiếp ảnh gia (NAG) Dzũng Nguyễn đã từng cho biết, tác phẩm Xuân đoàn tụ của anh đã bị nhiều đơn vị vô tư sử dụng. Vào dịp lễ, tết anh lại được chứng kiến tấm ảnh này được dùng làm panô quảng cáo, tuy nhiên anh chưa hề được liên hệ để xin được sử dụng ảnh.

NAG Trần Bảo Hòa (Đắk Lắk) cũng đã chia sẻ, có lần anh phát hiện ảnh chụp ngã sáu TP Buôn Ma Thuột về đêm của mình bị một tờ báo ngành sử dụng minh họa cho trang bìa mà chưa xin phép anh.

Tìm hiểu kỹ, anh mới biết trước đây mình có bán ảnh cho một cơ quan (có hợp đồng) mua về làm lịch, sau đó cơ quan này đem ảnh đó cho tờ báo kia sử dụng.

Việc thoải mái sử dụng các tác phẩm nhiếp ảnh mà chưa có sự cho phép của tác giả đang diễn ra không phải là ít. Tuy nhiên, phần đông những cá nhân, tổ chức lấy ảnh để sử dụng mà không xin phép là do họ không biết tác giả hoặc chưa thể tìm ra tác giả. Điều này cho thấy lỗ hổng trong vấn đề quản lý bản quyền các tác phẩm nhiếp ảnh chưa được quan tâm đúng mức.

Nên quản lý thế nào?

Trong khuôn khổ Hội chợ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2016 vừa diễn ra từ ngày 5 - 14/8 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, một cuộc tọa đàm về vấn đề này đã diễn ra khá sôi nổi.

Theo các NAG thì các ảnh nghiên cứu nói chung, ảnh trong các sách về đời sống xã hội, ảnh báo chí… là những loại ảnh bị vi phạm bản quyền nhiều nhất và thường xuyên nhất.

Nhiều NAG không ít lần giật mình khi phát hiện tác phẩm của mình được đăng trong một cuốn sách, hoặc thậm chí được phát sóng trong một chương trình truyền hình.

Song, nhiều tác giả cũng chỉ biết thế thôi bởi đâu lại vào đấy. Vì vấn đề bản quyền lâu nay không chỉ ở riêng lĩnh vực nhiếp ảnh vẫn là điều nan giải.

NAG Lê Bích đã bày tỏ quan điểm của mình: Khi bản quyền tác giả - tác phẩm chưa được bảo hộ, đạo – nhái trở thành vấn nạn chung, Luật Bản quyền còn nhiều lỗ hổng, ý thức làm nghề còn nhiều yếu kém và đạo đức nghề nghiệp là một điều xa xỉ, những tác giả phải tìm mọi cách để “cứu” mình trước… Từ đó NAG Lê Bích đã cho rằng: Nên phải có một hồ sơ nhiếp ảnh (giống dạng một cuốn sách nghiên cứu) như các nước vẫn làm.

Trong hồ sơ đó sẽ lưu trữ những thông tin cơ bản của tác giả, những tác phẩm theo thời gian, địa điểm, có bao nhiêu phiên bản, phiên bản nào đã từng công bố; để khi xảy ra tranh chấp, chỉ cần mò lại lưu trữ này thì rõ.

Và mỗi nghệ sỹ cũng nên tự “chuyên nghiệp” và ý thức hơn về vấn đề bản quyền khi đăng ký giấy phép hành nghề; Hoặc lập ra các studio chung, thúc đẩy hoạt động sáng tác và nâng cao ý thức làm nghề… Đó là một trong những biện pháp được đặt ra để “cấp cứu” thị trường nhiếp ảnh.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cũng nêu quan điểm: ở Việt Nam, nghệ thuật chưa được xem là một đối tượng kinh doanh mà mới chỉ dừng lại ở hoạt động tinh thần, là một lĩnh vực bao cấp và những người hoạt động trong lĩnh vực này được xem là nghề nhưng chưa chuyên nghiệp.

Chúng ta chưa có nhu cầu mua bán nghệ thuật liên tục mà tính chất ngẫu hứng nhiều hơn. Người nghệ sỹ cũng chưa có khái niệm “bản quyền” một cách sâu sắc.

Vi phạm bản quyền, đạo nhái đang trở thành một “vấn nạn” không kiểm soát nổi… Do đó chuyện bản quyền nhiếp ảnh vẫn phải trông cậy phần lớn vào ý thức và đạo đức nghề nghiệp của nghệ sỹ.

Nếu như trong lĩnh âm nhạc đã có cơ quan đứng ra bảo vệ tác quyền cho các nhạc sĩ thì trong lĩnh vực nhiếp ảnh vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra lãnh trách nhiệm này. Chính vì vậy, người sử dụng ảnh muốn tìm tác giả của một bức ảnh đăng đâu đó trên mạng để xin phép cũng nan giải trong khi nhu cầu sử dụng cấp bách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ