Đoàn Chủ tịch đề nghị tăng thêm tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng so với dự kiến của UBTVQH để bảo đảm sự phù hợp giữa số lượng đảng viên và người ngoài Đảng. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH đảm bảo có ít nhất 35% trên tổng số người ứng cử.
Đoàn Chủ tịch cũng đề nghị quan tâm đến cơ cấu ĐBQH đại diện cho khối doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học. Đây là những lĩnh vực quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đề nghị tăng số lượng đại biểu dân tộc thiểu số có người được ứng cử ĐBQH so với dự kiến của UBTVQH.
Đoàn Chủ tịch cũng đã thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Đến hết ngày 17/2, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử ĐBQH. Việc tổ chức các hội nghị hiệp thương diễn ra dân chủ, đúng luật.
Đa số các địa phương (48 tỉnh, thành phố) nhất trí với dự kiến phân bổ của UBTVQH về cơ cấu, thành phần, số lượng người của địa phương mình được giới thiệu ứng cử ĐBQH khoá XV.
15 tỉnh, thành phố có đề nghị UBTVQH điều chỉnh cơ cấu, thành phần. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Ban Công tác đại biểu của UBTVQH tổng hợp các ý kiến kiến nghị thay đổi cơ cấu, thành phần để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, khối UB MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên (gồm cả Trung ương và địa phương) có 70 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH (trong đó có 11 người thuộc UB MTTQ Việt Nam, 2 người là cá nhân tiêu biểu và 57 người thuộc các tổ chức thành viên của Mặt trận).
Có 5 tỉnh, thành đã dự kiến số lượng cụ thể những người tự ứng cử ĐBQH (Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Yên Bái, Tuyên Quang). Còn 58 tỉnh, thành còn lại không dự kiến số lượng người tự ứng cử.