Nắm tay nhau đi qua gian khó

GD&TĐ - Hồi nhỏ, Huyền thường ấm ức với bạn bè vì bị bố mẹ quản lý quá chặt. Lớn lên, Huyền mới cảm nhận sâu sắc cái gọi là “khác biệt” giữa mình và những người bạn xung quanh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm nhất đại học, dường như không ai muốn tiếp cận Huyền.  Sợ bị cô lập, Huyền chủ động làm quen với một vài bạn, nhưng chúng nó chỉ nói vài câu xã giao rồi đều tìm cách xa lánh Huyền. 

Một buổi chiều ngồi cà phê với Trúc – cô bạn hồi cấp 3, Huyền tâm sự hết những khó khăn của mình: “Các bạn ấy giữ khoảng cách với tớ, như thể tớ mắc bệnh truyền nhiễm vậy”. Trúc nửa đùa nửa thật: “Chứ sao! Lớp đại học bọn tớ cũng tự đặt ra một nguyên tắc: Không chơi với con nhà giàu”. Huyền bức xúc: “Tại sao vậy? Tại sao họ lại kì thị những đứa như tớ?”. 

Trúc giải thích: “Không phải họ kì thị, cậu phải hiểu thế này, chơi với con nhà giàu rất áp lực, bọn tớ không thể đu theo cậu đến những nơi sang chảnh, không thể thao thao bất tuyệt về những món đồ hàng hiệu. Tớ biết, cậu rất giản dị và luôn cố gắng để hòa đồng với mọi người, nhưng hãy nhìn đôi tay ngọc ngà của cậu đi, tớ đảm bảo đứa con gái nào cũng phát hờn với cậu đấy, họ nghĩ tránh xa cậu là tốt nhất”.

Không thể chấp nhận sự khác biệt này, Huyền ra sức “chinh phục” những cô bạn gái cùng lớp. Sau rất nhiều nỗ lực của Huyền, đầu năm thứ 2 Lan mới chịu làm bạn với cô, nhưng trước khi chơi với Huyền, Lan đưa ra một giao kèo: “Cậu đừng rủ tớ đi ăn uống nhá, tớ chỉ có thể về nhà ăn cơm thôi, không có điều kiện ra quán đâu”. Huyền phụng phịu: “Cậu hãy bỏ hết những định kiến về tớ đi, tớ không biết ăn chơi đâu”. Lan tỏ ra mình là đứa rất tỉnh: “Đứa con nhà giàu nào chả nói thế, có đứa đến lớp còn giả nghèo giả khổ nhưng lên mạng mới biết mặt nhau, có đứa còn khoe clip nhóm bếp than bằng tiền đấy cậu ạ”. Huyền nài nỉ: “Tớ xin cậu đấy, tớ không như thế!”. 

Khi đã hiểu thấu Huyền, Lan dần cởi mở, cô kể rằng nhà mình rất nghèo, để cho cô thi đại học, anh trai đã phải bảo lưu kết quả học tập, nhận đủ thứ việc làm thêm. Mẹ Lan bệnh nặng và mất sớm, một mình bố Lan bươn trải để nuôi 2 anh em. Ngày xưa ông không có điều kiện để học nhiều nên chỉ có thể làm những công việc chân tay. Một lần cưa gỗ, ông bị máy cưa chém đứt ngón tay. Thương bố, anh trai Lan hứa sẽ học thật giỏi, trưởng thành thật nhanh để sau này thay bố làm trụ cột gia đình. Nhưng đang tiếc, việc học của anh đang bị dang dở, không biết đến lúc nào anh mới đủ điều kiện để quay lại trường.

Lần nào nghe Lan kể chuyện, Huyền cũng chảy nước mắt, cứ nghĩ đến những gì anh em Lan đã trải qua, Huyền thấy mình thật nhỏ bé. Có lần Huyền hỏi: “Anh cậu hơn cậu mấy tuổi?”. Lan tự hào khoe: “Anh tớ chỉ hơn tớ 1 tuổi thôi, vì hoàn cảnh khó khăn nên bố mẹ không có kế hoạch sinh tớ vào năm ấy, nhưng vì… nhỡ rồi nên tớ mới ra đời”. 

Không biết từ lúc nào, Huyền luôn suy nghĩ về người con trai mà mình chưa một lần gặp. Những hình ảnh về anh trai Lan cứ hiện lên như một thói quen, để rồi Huyền tò mò đến mức muốn gặp bằng được. Một hôm Huyền lấy cớ giúp việc về quê nên không có ai nấu cơm cho ăn, cô đòi đến nhà Lan “ăn chực” khiến Lan không thể từ chối.

Chàng trai đeo tạp dề, đi ủng và găng tay đăng đứng vắt vẻo trên thang mà Huyền gặp hôm ấy khiến cô ấn tượng mãi. Lan gọi to: “Anh Dũng ơi, bạn em đến chơi”. Dũng ngại ngùng buông chổi quét sơn, gật đầu chào Huyền khiến cô bối rối và chỉ có thể đáp lại bằng một nụ cười. 

Theo lời kể của Lan, ngày xưa 3 bố con phải chui rúc trong một căn nhà ẩm thấp, vì thế mà bố Lan bị đau xương khớp. Dũng mải miết làm thêm, kiếm tiền để mua vật liệu, xây một căn nhà cao ráo hơn, thợ chỉ làm phần khung, tự tay anh hoàn thiện mọi thứ. Việc gì Dũng cũng biết làm, trừ nấu ăn, nghe Lan kể đến đây, Huyền cười khúc khích, buột miệng khen: “Anh cậu dễ thương quá”. 

Sau bữa cơm giản dị và ấm áp đó, Huyền chủ động xin số của Dũng. Có lẽ anh đã phải đắn đo rất nhiều rồi mới chịu làm bạn với cô. Chuyện tình lãng mạn của họ bắt đầu từ đây, Huyền chẳng ngại mang tiếng “cọc đi tìm trâu”, tình cảm cô dành cho Dũng là sự quý mến, cảm phục, cuối cùng mới là tình yêu. Khó khăn lắm Huyền mới “chinh phục” được Dũng bởi anh luôn tự ti về hoàn cảnh của mình. Rất may, trong giai đoạn khó khăn, Lan luôn làm tốt vai trò đại sứ tình cảm cho 2 người.

Huyền từng sợ run người khi nghĩ đến ngày đưa Dũng về giới thiệu với bố mẹ, nhưng chính cô cũng không ngờ bố mẹ lại có chung quan điểm với mình. Họ đều nhìn thấy bản chất tốt đẹp ở Dũng: chân thành, chịu khó và mạnh mẽ. Ngày hạnh phúc của 2 người cũng đến, hôn lễ được nhà trai và nhà gái tổ chức riêng biệt. Trong khi nhà gái có hơn 200 mâm cỗ, khách khứa kéo đến chật cứng sảnh khách sạn, hoa kèn rực rỡ lộng lẫy thì ở nhà trai chỉ có 30 người với tiệc ngọt. Thế nhưng ai cũng vui mừng cho hạnh phúc của Huyền và Dũng.

Sau khi cưới, 2 gia đình đồng ý để đôi vợ chồng mới dắt nhau đi thuê nhà trọ. Từ nhỏ sống trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, giờ sống với Dũng trong căn hộ eo hẹp, mưa một chút là bị dột, điện nước mất như cơm bữa, ngày mưa đã thế, ngày nắng cũng chẳng khá khẩm hơn, 2 vợ chồng chỉ có cái quạt máy chống trọi, nhưng Huyền không nản, với cô, đó thực sự là những trải nghiệm thú vị và ngọt ngào. Sợ Dũng lo lắng, Huyền mạnh mẽ khẳng định: “Em không sao, dù ngày mai bão ập đến em cũng không sợ, vì em biết anh luôn nắm tay em”. 

Khó khăn là thế nhưng Dũng không chịu đón nhận sự trợ giúp nào từ bố mẹ vợ. Sau 10 năm cố gắng, nhìn lên thì không bằng ai nhưng Huyền rất tự hào về những gì mình và chồng đã trải qua. Từ căn nhà thuê chật chội, giờ hai vợ chồng đã có trong tay một ngôi nhà khang trang ở ngay phố lớn, một chiếc ô tô vừa túi tiền và một sổ tiết kiệm hơn 1 tỉ. Khi Dũng mua ô tô, bố mẹ Huyền ngỏ ý cho 1/2 giá chiếc xe. Tuy nhiên, anh vẫn cảm ơn và không nhận. Anh bảo số tiền đấy bố mẹ cứ để dưỡng già. Còn anh tự lo được cho vợ con và gia đình mình.

Huyền ngẫm ra, lấy chồng nghèo đâu có hèn, đâu có khổ như người ta nói. Chỉ cần người đàn ông ấy có chí tiến thủ, biết vươn lên, có trách nhiệm với gia đình thì đó là người đàn ông tuyệt vời. Huyền thấy mình còn sướng hơn khối cô bạn lấy chồng công tử nhà giàu tương xứng mà hàng ngày chỉ biết ăn bám và phá phách. Về phía bố mẹ Huyền, họ cũng rất tự hào về con gái và con rể. Đi đâu họ cũng khen con rể thế này, thế nọ. Họ yên tâm hoàn toàn khi anh là chỗ dựa vững chắc suốt đời cho cô con gái rượu của mình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.