Người dân Đà Nẵng bàng hoàng trở tay không kịp trong trận mưa lũ lịch sử

GD&TĐ - Trận lũ lịch sử đã khiến toàn bộ tài sản của người dân Đà Nẵng chìm trong biển nước. 

Thầy cô Trường Tiểu học Hồng Quang (quận Liên Chiểu) dọn bùn non.
Thầy cô Trường Tiểu học Hồng Quang (quận Liên Chiểu) dọn bùn non.

Tài sản trôi theo cơn lũ dữ

Sáng 15/10, bà Nguyễn Thị Lan (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cùng chồng dọn dẹp lại căn nhà ngổn ngang đồ đạc. Được xem là vùng “rốn lũ” tại quận Thanh Khê, bà Lan và nhiều người dân sống tại K96 đường Điện Biên Phủ đã quen với cảnh chạy lũ mỗi khi mùa mưa đến nhưng bà không thể ngờ việc chạy lần lũ này lại quá vất vả.

Bà Lan cho biết, khoảng 19h tối 14/10, nước bắt đầu tràn vào nhà nên vợ chồng tôi cấp tập kê dọn đồ đạc. “Nước lên rất nhanh, gia đình chỉ kịp dùng mấy tấm ván kê một số vật dụng lên cao, còn lại thì chịu chết”, bà Lan nhớ lại.

Theo bà Loan, có rất nhiều nhà dân sinh sống tại K96 Điện bị nước lũ tràn vào nhà, nơi ngập sâu hơn 1m. Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng họ trở tay không kịp vì nước dâng nhanh và rất lớn. Nhiều vật dụng trong nhà bị hư hỏng nặng.

Người dân dọn dẹp sau cơn lũ dữ.

Người dân dọn dẹp sau cơn lũ dữ.

Còn chị Nguyễn Thanh Hoa (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cho rằng, đây có lẽ là trận mưa lớn nhất từ trước đến giờ tại Đà Nẵng.

“18 giờ chiều hôm qua (14/10), tôi mới về được tới nhà vì đi đường nào cũng ngập. Vừa về tới nhà thì nước dâng lên, gia đình tôi chỉ kịp đưa ti vi, tủ lạnh... lên cao. Nhiều gia đình thậm chí còn chưa dọn dẹp được gì mà phải di chuyển đi nơi khác vì nước ngập sâu vào nhà. Thật lòng mà nói người dân chúng tôi ở đây cũng đã sống quen với lũ nên cũng không quá bị bất ngờ nhưng trận này là nặng nhất”, chị Hoa nhớ lại.

Nước sông Túy Loan dâng cao tràn vào nhà dân sống xung quanh.

Nước sông Túy Loan dâng cao tràn vào nhà dân sống xung quanh.

Nhiều người dân sống tại K186 Phạm Như Xương (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) mới bắt đầu dọn dẹp nhà cửa vì đến trưa nước tại đây mới rút xong.

Nhìn ngôi nhà bùn đất ngổn ngang, chị Nguyễn Thị Vân (trú tổ 54, phường Hòa Khánh Bắc cho biết, mặc dù năm nào nơi đây cũng lụt nhưng đây là trận lụt nặng nhất. Chỉ trong một thời gian ngắn mà nước ngập trắng cả khu vực. Tất cả các hộ dân sống tại K186 Phạm Như Xương đã có một đêm không ngủ vì sợ bị lũ cuốn.

“Khoảng 19h tối 14/10, nước bắt đầu dâng vào nhà, vì mưa xối xả nên nước lên càng lúc càng cao, người dân lấy các vật dụng chèn chống để nước không vào nhà nhưng bất thành. Đến 22h, quá nước ào như thác vào nhà, có nhiều nhà bị nứt, sập tường. Người dân ở đây đi cũng không được mà ở cũng không xong. Nhà ai nhà nấy đều cố thủ trong nhà. Tôi nghĩ còn sống là đã quá may mắn”, chị Vân nhớ lại.

12h trưa 15/10, nhiều người dân sống tại xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) mới bắt đầu dọn dẹp nhà cửa vì đến trưa nước tại đây mới rút xong. Đây được xem là rốn lũ của trung tâm huyện Hòa Vang.

Thất thần sau khi cơn lũ dữ quét qua, ông Đặng Công Thành – trú Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong huyện Hòa Vang cho biết, đêm 14/10 nước lên quá nhanh nên không kịp trở tay. Mặc dù ông đã dọn dẹp kê cao đồ đạc nhưng dòng nước xiết khiến mọi thứ đều bị cuốn trôi.

“Nước chảy xiết khiến bờ tường trong quán bị sụp và cuốn trôi theo nhiều máy móc, vật dụng trong xưởng, thiệt hại khoảng 50 triệu đồng”, ông Thành chia sẻ.

Đồ đạc trong xưởng nhà ông Thành đều bị cuốn trôi theo cơn lũ.

Đồ đạc trong xưởng nhà ông Thành đều bị cuốn trôi theo cơn lũ.

Còn tại Trường Tiểu học Hồng Quang ở đường Hoàng Văn Thái (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) mưa lớn khiến nước tràn vào trong bên trong trường dẫn đến ngập cục bộ.

Nhiều sách tại thư viện Trường tiểu học Hồng Quang bị ngập nước.

Nhiều sách tại thư viện Trường tiểu học Hồng Quang bị ngập nước.

Một đoạn bờ rào của trường bị sụp, nước tràn vào các khu vực phòng học, thư viện, phòng họp… Đại diện Ban giám hiệu trường cho biết, do trường ở khu vực thấp, mặc dù đã chuẩn bị kê cao đồ đạc nhưng nước tràn vào quá nhanh khiến mọi người không kịp trở tay. Hiện các thầy cô, nhân viên trong trường cùng với lực lượng bộ đội đang khẩn trương dọn dẹp.

Nước lớn dâng cao vào trong Trường Tiểu học Hồng Quang gây ngập nặng.

Nước lớn dâng cao vào trong Trường Tiểu học Hồng Quang gây ngập nặng.

Dân cầu cứu trong đêm do nước lên quá nhanh

Trước đó, trong tối 14/10, trên địa bàn Đà Nẵng có mưa to và liên tục, nước dâng nhanh, nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố ngập sâu, nhiều người dân bị mắc kẹt phải gọi điện, lên mạng xã hội kêu cứu.

Người dân lên mạng xã hội cầu cứu do nước lớn quá nhanh.

Người dân lên mạng xã hội cầu cứu do nước lớn quá nhanh.

Trước tình hình đó, lực lượng chức năng tại các quận huyện đã kịp thời ứng cứu, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Trong đêm, cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố và các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố thần tốc vượt nước xiết, giăng dây vượt qua đường, cố gắng cứu nạn bằng cách quăng dây thừng để người dân trong các căn nhà bị ngập sâu bám vào, thoát khỏi dòng nước xoáy, túc trực khắp các tuyến đường, tuyến quốc lộ để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hỗ trợ người và phương tiện gặp nạn trong mưa, lụt.

Đồng thời, huy động nhiều phương tiện có mặt khắp các khu vực thấp trũng để hỗ trợ sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tại quận Liên Chiểu, nước chảy cuồn cuộn khiến một nhóm công nhân bị cô lập, phải cầu cứu. Ngay trong đêm, lực lượng cứu hộ dùng dây thừng tiếp cận và đưa họ ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Cùng với đó đó, lực lượng quân đội khẩn trương ứng cứu, di dời, đưa người già, trẻ nhỏ tại nhiều khu vực trũng, thấp đến nơi an toàn. Các lực lượng cứu hộ tại huyện Hòa Vang cũng túc trực xuyên đêm, huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ ứng cứu người dân tại các xã, khu vực bị ngập sâu trong nước lũ.

Lực lượng Công an huyện Hòa Vang ứng cứu người dân trong đêm 14/10.

Lực lượng Công an huyện Hòa Vang ứng cứu người dân trong đêm 14/10.

Khoảng 20h, Công an xã Hòa Liên tiếp nhận thông tin tại xóm 4 ngập sâu, nước lên đến hơn nửa nhà, toàn bộ đường ra thôn cô lập, một nhà có 4 người, trong đó có hai trẻ em, một phụ nữ và một cụ già đang cần giúp đỡ.

Ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ Công an xã Hòa Liên điều động một xuồng cứu hộ, dây, áo phao đến ứng cứu và đưa lên xuồng vượt qua dòng nước xiết đến UBND xã an toàn.

Đồ đạc, tài sản của người dân bị ngập nước nặng.

Đồ đạc, tài sản của người dân bị ngập nước nặng.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, đơn vị đã tổ chức 205 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp nhân dân trên địa bàn hỗ trợ, di dời 236 hộ gia đình với 617 người trên địa bàn các quận: Thanh Khê, Sơn Trà, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu ra khỏi vùng ngập lụt. Đồng thời, thường trực lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.