Sau 51 trận tuần, tháng và quý, 4 gương mặt xuất sắc vào chung kết Olympia lần thứ 22 đã lộ diện. Đó là Đặng Lê Nguyên Vũ (THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình), Vũ Bùi Đình Tùng (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng), Bùi Anh Đức (THPT chuyên Sơn La, Sơn La) và Vũ Nguyên Sơn (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội).
Chương trình ngoài điểm cầu chính tại Đài Truyền hình Việt Nam còn có 4 điểm cầu tại Thái Bình (Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn), Hải Phòng (Nhà hát lớn Hải Phòng), Sơn La (Quảng trường Tây Bắc) và Hà Nội (Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Điều đặc biệt, cả 4 địa điểm danh tiếng này đều là lần đầu tiên Olympia đưa được cầu truyền hình trực tiếp về trong lịch sử hơn 20 năm phát sóng chương trình.
Trong số 4 nhà leo núi, Nguyên Vũ là học sinh duy nhất không đến từ trường chuyên, được mệnh danh là “vua tốc độ” khi giành tối đa 160 điểm ở phần thi Tăng tốc. Với 310 điểm, Đình Tùng là nhà leo núi có thành tích tốt nhất ở thi quý. Anh Đức là thí sinh được biết tới là tấm gương vượt khó học tốt và luôn gặp may mắn trong các phần thi. Còn Nguyên Sơn lại luôn có sự chắc chắn cùng bản lĩnh thi đấu vững vàng.
Vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 |
Bước vào phần thi Khởi động: Với kiến thức chung tốt, tư duy nhanh nhạy, Đặng Lê Nguyên Vũ đã trả lời các câu hỏi nhanh, chính xác và dẫn đầu với 75 điểm. Các thí sinh khác có điểm số lần lượt là: Nguyễn Sơn - 50 điểm, Anh Đức - 40 điểm, Đình Tùng - 30 điểm.
Ở phần thi Vượt chướng ngại vật: Đình Tùng bấm chuông phát tín hiệu xin trả lời đầu tiên, ngay sau khi câu hỏi hàng ngang đầu tiên được đọc lên. Nhưng với câu trả lời “Phát triển bền vững”, Đình Tùng phải tạm dừng phần thi vì đáp án chưa chính xác.
Với hàng ngang gợi ý đầu tiên, 3 thí sinh còn lại đều trả lời đúng và được thêm mỗi người 10 điểm.
Ở hàng ngang gợi ý thứ hai, Anh Đức là người duy nhất đưa ra được đáp án và có thêm 10 điểm.
Ở hàng ngang gợi ý thứ ba, Nguyễn Sơn và Nguyên Vũ trả lời đúng và có thêm mỗi người 10 điểm.
Ở hàng ngang gợi ý thứ năm, duy nhất Nguyên Vũ đưa ra đáp án chính xác và có thểm 10 điểm.
Cuối cùng, Nguyên Sơn là người đưa ra đáp án chính xác cho Chướng ngại vật là “Tiêu lệnh chữa cháy”.
Tuy nhiên, với việc tìm ra Chướng ngại vật khi các từ khóa và hình ảnh gợi ý được lật mở hết, nam sinh này cũng chỉ giành thêm được 10 điểm.
Kết thúc phần thi Vượt chướng ngại vật, Nguyên Vũ tiếp tục dẫn đầu đoàn leo núi với 105 điểm; tiếp đến là Anh Đức và Nguyên Sơn với 70 điểm; Đình Tùng đạt 30 điểm.
Không khí trường quay nóng lên ngay từ vòng thi đầu. |
Phần thi Tăng tốc với 4 câu hỏi:
Câu hỏi thứ nhất, Đình Tùng giành thêm 40 điểm, Nguyên Sơn giành thêm 30 điểm, Nguyên Vũ giành 20 điểm.
Câu hỏi thứ hai, không thí sinh nào đưa ra được đáp án đúng.
Câu hỏi thứ ba, Nguyên Vũ giành thêm 40 điểm; Anh Đức giành thêm 30 điểm.
Câu hỏi thứ tư, Nguyên Sơn giành 40 điểm; Anh Đức giành 30 điểm; Đình Tùng giành 20 điểm; Nguyên Vũ giành 10 điểm.
Kết thúc phần thi này, Nguyên Vũ tiếp tục dẫn đầu với 175 điểm. 3 người còn lại có số điểm lần lượt: Nguyên Sơn - 140 điểm, Anh Đức - 130 điểm, Đình Tùng - 90 điểm.
Đặng Lê Nguyên Vũ giành quán quân chung kết năm Olympia 2022. |
Cuộc thi nóng rực với phần thi Về đích:
Nguyên Vũ bắt đầu phần thi với lựa chọn là gói 3 câu hỏi 20 - 20 - 20. Câu hỏi thứ nhất, Nguyên Vũ đưa ra đáp án chính xác và giành thêm 20 điểm. Câu hỏi thứ hai, Nguyên Vũ không đưa ra được câu trả lời, vì chọn ngôi sao hy vọng nên bị trừ 20 điểm. Anh Đức giành quyền trả lời song cũng không đưa ra được đáp án chính xác và bị trừ 10 điểm.
Ở câu hỏi thứ ba, Nguyên Vũ không đưa ra được câu trả lời chính xác. Nguyên Sơn giành quyền trả lời, song cũng tiếp tục không đưa ra được đáp án chính xác và bị trừ 10 điểm. Kết thúc phần thi, Nguyên Vũ giữ nguyên điểm số với 175 điểm.
Nguyên Sơn tiếp tục phần thi Về đích thứ hai với lựa chọn là gói câu hỏi 20,30 và 20. Sau hai câu hỏi đầu không có đáp án đúng, đến với câu hỏi cuối thí sinh này quyết định chọn ngôi sao hy vọng. Với câu trả lời đúng, Nguyên Sơn giành được 170 điểm chỉ đứng sau người đứng đầu 5 điểm.
Anh Đức chọn gói câu hỏi 20 - 30 - 30. Câu hỏi đầu tiên, Anh Đức đưa ra đáp án không chính xác. Đình Tùng giành quyền trả lời song không đúng, bị trừ 10 điểm.
Tương tự, câu hỏi thứ hai, Anh Đức cũng trả lời không chính xác; Đình Tùng giành quyền trả lời và tiếp tục bị trừ 15 điểm.
Câu hỏi thứ ba, Anh Đức chọn ngôi sao hy vọng nhưng tiếp tục không trả lời đúng. Nguyên Sơn giành quyền trả lời song cũng không đưa ra đáp án chính xác, bị trừ 20 điểm. Kết thúc lượt thi của mình, Anh Đức chỉ còn 75 điểm.
Sau đó, Nguyên Sơn bấm chuông trả lời và bị trừ từ 170 xuống còn 155 điểm vì câu trả lời không chính xác.
Đình Tùng là thí sinh cuối cùng ở phần thi Về đích. Nam sinh lựa chọn gói 30 - 30 - 30. Câu hỏi thứ nhất về lịch sử, Đình Tùng đã trả lời đúng. Câu hỏi thứ 2 về tiếng Anh, Đình Tùng trả lời không chính xác, Nguyên Sơn quyết định bấm chuông và đã có đáp án đúng, thay đổi điểm số từ 155 lên 185 điểm, trở thành người dẫn đầu đoàn leo núi.
Câu hỏi cuối, Đình Tùng quyết định chọn ngôi sao hy vọng nhưng không có câu trả lời đúng. Nguyên Vũ quyết định bấm chuông để giành lại vị trí dẫn đầu và đã xuất sắc trở thành Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 22.
Tính tới thời điểm này, Đường lên đỉnh Olympia là game show có tuổi đời dài nhất hiện còn phát sóng. Mỗi năm, 144 học sinh dự thi Olympia nhưng chỉ có 4 người tranh tài ở trận chung kết (năm thứ 9 là ngoại lệ khi có 5 thí sinh). Do vậy, tính đến năm 22, có 49 người đạt thành tích này, trong đó có 12 cô gái. Tỷ lệ nhà vô địch nữ là 4/22 (chung kết O22 có 4 nhà leo núi đều là nam). Trong lịch sử, chưa có trận chung kết nào có toàn nữ góp mặt.
Giải nhất cuộc thi trị giá 40.000 USD (gần một tỷ đồng) cùng vòng nguyệt quế mạ vàng, cúp chiến thắng. Thí sinh đạt giải nhì nhận 100 triệu đồng, hai giải ba mỗi giải 50 triệu đồng.
Không khí cổ vũ tại điểm cầu Hà Nội |
Điểm cầu Hà Nội được đặt tại khu di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám |
Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam cổ vũ cho Vũ Nguyên Sơn |
Các hình ảnh tại trường quay:
Ca sĩ Đức Phúc hát cổ vũ thí sinh. |
Thí sinh Anh Đức. |
Thí sinh Nguyễn Sơn. |
Thí sinh Đình Tùng. |