Không khí phấn khích ở điểm cầu chung kết Đường lên đỉnh Olympia tại Thái Bình

GD&TĐ - Trời mưa không ảnh hưởng đến không khí vô cùng hào hứng, phấn khích tại điểm cầu chung kết Đường lên đỉnh Olympia tại Thái Bình.

Văn nghệ tại điểm cầu Thái Bình trước giờ truyền hình trực tiếp.
Văn nghệ tại điểm cầu Thái Bình trước giờ truyền hình trực tiếp.

Sáng sớm 2/10, hơn 2.000 học sinh THPT Bắc Duyên Hà và một số trường trong tỉnh đã đến Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn (xã Độc Lập, Hưng Hà, Thái Bình) để cổ vũ cho Đặng Lê Nguyên Vũ - người đầu tiên mang điểm cầu chung kết Đường lên đỉnh Olympia về Thái Bình.

Chia sẻ cảm xúc, cô Vũ Thị Ngân, Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Duyên Hà cho biết không chỉ vui, hạnh phúc mà còn vô cùng tự hào. Thành công này của Nguyên Vũ là nguồn cảm hứng, động lực, tiếp sức cho học sinh nhà trường học tập và thêm yêu quý, tự hào về mái trường THPT Bắc Duyên Hà.

Cô Vũ Thị Ngân cũng thông tin, để góp phần tổ chức thành công chương trình, từ gần một tháng nay, thầy và trò nhà trường đã tích cực làm tốt công tác chuẩn bị.

Hơn 2.000 học sinh của Trường THPT Bắc Duyên Hà và một số trường trong tỉnh Thái Bình cổ vũ Đặng Lê Nguyên Vũ.

Hơn 2.000 học sinh của Trường THPT Bắc Duyên Hà và một số trường trong tỉnh Thái Bình cổ vũ Đặng Lê Nguyên Vũ.

Trường thường xuyên chia sẻ trên các nền tảng xã hội thông tin về chương trình, về hành trình em Nguyên Vũ đã trải qua để bước vào trận chung kết; thiết kế, in ấn, treo băng rôn, cờ phướn trong khu vực trường, các nẻo đường đến khu lưu niệm… Đội văn nghệ cũng tích cực tập luyện để chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, biểu diễn, cổ vũ trong chương trình.

Là giáo viên chủ nhiệm của Đặng Lê Nguyên Vũ, cô Nguyễn Thị Hải Yến cũng bày tỏ niềm hạnh phúc, tự hào khi học sinh của mình là người lần đầu tiên đem được cầu truyền hình về Thái Bình. Đây là kết quả đầy viên mãn cho sự kỳ vọng, tin tưởng của cô ngay từ vòng đầu tiên Nguyên Vũ tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Niềm vinh dự, tự hào này không chỉ mang vinh quang cho gia đình, cho cho trường mà còn là niềm vinh dự, tự hào của huyện Hưng Hà - một vùng quê giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng...

“Nguyên Vũ là một học sinh học giỏi toàn diện với khả năng nhớ xuất sắc; một lớp trưởng gương mẫu và thân thiện, nghị lực luôn biết vươn lên để chạm đến ước mơ. Em cũng luôn vui vẻ, hóm hỉnh, nhạy bén với kiến thức từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội”.

Đặng Lê Nguyên Vũ cùng cô giáo và các bạn trước giờ thi đấu.

Đặng Lê Nguyên Vũ cùng cô giáo và các bạn trước giờ thi đấu.

Chia sẻ về học trò, cô Nguyễn Thị Hải Yến đồng thời gửi lời chúc đến Nguyên Vũ: “Cô muốn Vũ thật bình tĩnh, tự tin, thể hiện hết tài năng bản lĩnh vốn có của mình. Cô luôn tin tưởng và tự hào về em. Cô chúc em chiến thắng. Hãy tiến lên và hiện thực hóa ước mơ của mình”.

Điểm cầu tại Thái Bình sáng nay cũng không thể thiếu các gương mặt học sinh lớp 12A2, Trường THPT Bắc Duyên Hà. Lần đầu tiên hòa trong không khí cầu truyền hình trực tiếp Đường lên đỉnh Olympia, Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ niềm phấn khích, tự hào khi “thuyền trưởng” của lớp mình được vào chung kết.

“Chúng tớ đã chuẩn bị một tâm hồn đẹp để được ăn mừng chiến thắng và chiếc bụng đói chờ Vũ về. Đặng Lê Nguyên Vũ, bình tĩnh, tự tin, chiến thắng!” - Nguyễn Thị Thu Hà và các bạn gửi lời đến Đặng Lê Nguyên Vũ.

Năm 2022, Đặng Lê Nguyên Vũ - học sinh trường THPT Bắc Duyên Hà (Hưng Hà) - đã xuất sắc giành chiến thắng trong vòng thi quý và đưa điểm cầu chung kết năm lần đầu về với Thái Bình.

Nguyên Vũ cũng là người đầu tiên giành số điểm tối đa trong phần thi Tăng tốc của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2022.

Để bước chân vào vòng chung kết, Nguyễn Vũ đã đạt thành tích đáng nể phục: Nhất quý I; nhất tuần 250 điểm; nhất tháng 250 điểm; nhất quý 300 điểm. Nam sinh từng giành huy chương Vàng Olympic Tiếng Anh năm 2016. Đặc biệt hơn, Nguyên Vũ là thí sinh duy nhất không phải học sinh thuộc các trường THPT chuyên.

Ba đối thủ của Vũ trong vòng chung kết là: Vũ Đình Tùng, Trường THPT Chuyên Trần Phú - Hải Phòng; Bùi Anh Đức, Trường THPT chuyên Sơn La; Vũ Nguyên Sơn, học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn, xã Độc Lập (Hưng Hà, Thái Bình) được lựa chọn là một trong bốn điểm cầu của cuộc thi năm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...