Nam sinh mất mẹ ở 'rốn lũ' Sa Ná quyết tâm vào trường quân đội

GD&TĐ - Mất mẹ sau trận lũ lịch sử tại bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa), cậu học trò Nguyễn Minh Thiếu quyết tâm thi đỗ vào trường quân đội.

Nguyễn Minh Thiếu và người bố của mình. Ảnh: Lường Toán.
Nguyễn Minh Thiếu và người bố của mình. Ảnh: Lường Toán.

Mất mẹ sau trận lũ lịch sử

Thiếu là học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa. Cậu học trò dự thi tốt nghiệp tại điểm thi Trường THPT chuyên Lam Sơn. Vừa hoàn thành bài thi môn Toán chiều 28/6, Thiếu vội vã trở về khu nội trú của nhà trường để tắm rửa, kịp giờ ăn cơm tối cùng bố.

Khuôn mặt tươi tắn nhưng có phần bẽn lẽn, cậu học trò người Thái chia sẻ: “Hai môn trong ngày thi đầu, em làm cũng tạm ổn”.

Ngồi đợi con trai ở ghế đá khuôn viên nhà trường, anh Nguyễn Minh Ơ (bố của Thiếu) cho biết, dù bận rộn công việc nhưng anh vẫn quyết tâm bắt xe từ Sa Ná xuống thành phố để cổ vũ tinh thần cho cậu con trai. Trước khi đi, anh không quên nhờ người thân trông hộ nhà cửa, ruộng nương.

Dù ở độ tuổi U40 nhưng trông anh Ơ có phần già dặn. Khuôn mặt ông bố 2 con sạm đen sau những tháng ngày bươn chải lo cho các con. Anh Ơ kể, trận lũ lịch sử xảy ra tại Sa Ná năm 2019 đã khiến anh mất đi người vợ tào khang. Thời điểm ấy, Thiếu mới học lớp 8 còn anh trai đang học lớp 9.

“Hôm xảy ra trận lũ, vợ tôi đã kịp thoát thân, thế nhưng chợt nhớ ra người cháu ruột vẫn còn mắc kẹt ở trong nhà. Chẳng kịp suy nghĩ gì, vợ tôi bèn quay lại cứu cháu ruột và ra đi mãi mãi”, anh Ơ nghẹn giọng.

Kể từ ngày người vợ qua đời, anh Ơ một mình bươn chải lo cho 2 con đang tuổi ăn học. Ngoài làm khoảng 5 sào ruộng, anh Ơ tranh thủ đi chặt luồng thuê hoặc xúc cá cho người dân trong vùng để có thêm đồng ra, đồng vào sinh hoạt và đóng học cho các con.

Anh Nguyễn Minh Ơ đau lòng khi kể về trận lũ xảy ra tại Sa Ná. Ảnh: Lường Toán.

Anh Nguyễn Minh Ơ đau lòng khi kể về trận lũ xảy ra tại Sa Ná. Ảnh: Lường Toán.

“Dù Quan Sơn cũng khá xa thành phố nhưng tôi vẫn muốn xuống đây để động viên con thi tốt. Hai bố con xin ở lại khu nội trú của nhà trường và ăn cơm tại căng tin nên cũng không phải vất vả ngược xuôi”, anh Ơ chia sẻ.

Anh Ơ cũng cho biết, anh trai của Thiếu đã tốt nghiệp THPT từ năm ngoái, hiện đang có dự định xét tuyển vào Trường Đại học Hồng Đức. “Cũng mong các con đậu đại học lắm nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi cũng chưa biết phải xoay sở ra sao”, người bố giải bày.

Ước mơ vào trường quân đội

Cũng vì hoàn cảnh khốn khó, cậu học trò Nguyễn Minh Thiếu quyết định xét tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 1 để giảm bớt gánh nặng và khó nhọc của cha. Để đi tới quyết định này, Thiếu kể đã từng có thời điểm, em muốn nghỉ học đi làm thuê.

“Mất mẹ sau trận lũ lịch sử, em đã từng chán nản muốn bỏ học. Thấy em có ý định vậy, bố và anh trai đều động viên em tiếp tục tìm con chữ. Cũng vì hoàn cảnh gia đình nên em muốn xét tuyển vào trường quân đội”, Thiếu bộc bạch.

Thiếu kể, thời gian học tập tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, cậu ít khi về quê vì nhà ở cách xa thành phố, việc đi lại cũng tốn kém. “Vào dịp nghỉ lễ hoặc nghỉ hè, em cũng tranh thủ về nhà đi chặt luồng cùng bố”, cậu tâm sự.

Phụ huynh và học sinh ăn cơm tại căng tin của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lường Toán.

Phụ huynh và học sinh ăn cơm tại căng tin của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lường Toán.

Cô Bùi Thị Kiều Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nhà trường có 182 dự thi. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, trước đó đoàn thanh niên, ban quản lý học sinh đã lên kế hoạch hỗ trợ, tư vấn và đồng hành cùng các em.

Đối với phụ huynh ở khu vực miền núi xuống trường động viên con em có nguyện vọng ở lại ký túc xá, nhà trường tạo mọi điều kiện và sắp xếp chỗ ở miễn phí trong khu ký túc xá. Tính đến hiện tại, trong khu ký túc xá của nhà trường đã có khoảng 30 phụ huynh đăng ký ở cùng con trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ diễn ra từ ngày 27-30/6 tới, thí sinh sẽ làm bài thi trong 2 ngày 28-29/6. Năm nay, Thanh Hóa có tổng số hơn 36.400 thí sinh đăng ký dự thi, tại 75 điểm thi.

Trong đó, có 22 điểm thi thuộc khu vực miền núi, 3 điểm thi cách xa trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 200 km gồm: Trường THPT Quan Sơn, THPT Quan Hóa và THPT Mường Lát.

Để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, tỉnh Thanh Hóa dự kiến huy động khoảng 6.200 người. Trong đó, Trưởng điểm thi 75, Phó trưởng điểm thi 199, Thư ký điểm thi 199, cán bộ coi thi 3.486 người, cán bộ giám sát 817 công an. Lực lượng công an, quân sự 754, cán bộ y tế 75, bảo vệ 150 và lực lượng phục vụ cho kỳ thi gần 410 người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.