Năm mới, tìm hiểu chuyện rượu bia

Năm mới, tìm hiểu chuyện rượu bia

Chương I, Điều 2, của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia giải thích từ ngữ thế này, trích nguyên văn:

1. Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.

2. Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.

3. Cồn thực phẩm là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học là ethanol đã được loại bỏ tạp chất, đạt yêu cầu dùng trong thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có khả năng gây nghiện và gây ngộ độc cấp tính.

4. Độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn được tính bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100ml dung dịch ở 20°C. Hết trích.

Cồn do phiên âm và tắt hóa, gọn hóa danh từ tiếng Pháp alcool, đầy đủ thì alcool éthylique, tức éthanol, tiếng Anh ghi ethanol, công thức phân tử C2H5OH hay C2H6O.

Thức uống có cồn, tiếng Pháp gọi boisson alcoolisée / boisson alcoolique, tiếng Anh gọi alcoholic drink / alcoholic beverage, gồm nước, cồn, cùng các hợp chất mà cơ thể người có thể tiêu hóa. Trong danh mục thức uống có cồn, bia nổi trội từ rất lâu đời (chuyên ngành khảo cổ học đã phát hiện những bình bia từ cuối thời đại đồ đá tức 10.000 năm trước Công nguyên), lâu nay trở thành công việc sản xuất và dịch vụ tạo nên hệ thống kinh doanh khổng lồ hầu khắp địa cầu.

Bia, còn gọi la ve / la de, bởi phiên âm tiếng Pháp la bière. Trỏ thức này, nhiều ngôn ngữ khu vực Tây Âu dùng danh từ tương tự tiếng Pháp, bởi cùng xuất phát từ động từ tiếng Latinh bibere mang nghĩa uống. Tiếng Hoa gọi bia là 啤酒, bính âm phát píjiǔ, âm Quảng Đông phát pé chảu, âm Hán - Việt phát bì tửu/tì tửu/ti tửu. Với tiếng Hán/Hoa, tửu là rượu.

Tạm kể các thứ tiếng gọi rượu có âm tiết cồn:

* Pháp, Ý, Rumani: Alcool

* Bồ Đào Nha: Álcool

* Irland: Alcól

* Thổ Nhĩ Kỳ, Kurd: Alkol

* Ba Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Croatia, Séc, Slovenia, Slovak, Indonesia, Java, Mã Lai: Alkohol

* Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Xứ Wales: Alcohol

* Đức: Alkohol

* Phần Lan: alkoholi

* Hebrew / Do Thái: אלכוהול

* Hy Lạp: αλκοόλ

* Bulgaria, Serbia, Macedonia: Aлкохол

* Nga, Ukraina, Belarus: Aлкаголь

* Triều Tiên / Hàn Quốc:알코올

* Nhật:アルコール

* Thái: แอลกอฮอล์

Tùy thuộc nguyên liệu và quy trình sản xuất, rượu được chia rất nhiều loại. Âu Mỹ có rượu vang (phiên âm tiếng Pháp: Vin), rượu champagne/sâm banh, rượu brandy, rượu armagnac, rượu cognac/cô nhắc/cỏ nhác, rượu whisky/whiskey, rượu rhum, rượu vodka… Trung Hoa có “thiên hạ đệ nhất Ô Trình tửu”, thêm hàng loạt danh tửu như Thiệu Hưng, Hồng Lộ, Lệ Chi, Hoa Điêu, Mao Đài, Trúc Diệp Thanh, Ngũ Gia Bì, Mai Quế Lộ, Long Nhãn, Ô Kê, Ô Mai, Bao Túc… Triều Tiên và Hàn Quốc có rượu soju và rượu makgeolli/nongju. Nhật Bản có rượu mirin và rượu sake. Việt Nam có rượu gạo/rượu đế/rượu quốc lủi, rượu nếp, rượu sim, rượu ngâm các loại thực vật hoặc/và động vật (thường được gọi chung là rượu thuốc), rượu cần…

Mỗi loại rượu lại còn những kiểu phân chia, dựa vào xuất xứ, hoặc căn cứ thời gian ngâm trong thùng gỗ sồi… Từng loại rượu có những loại chai riêng với bao bì tương thích theo chủng loại và thương hiệu, ly/chung/chén đặc trưng để uống, loạt thức ăn/đồ mồi phù hợp, kể cả một số thứ khác dùng kèm như ẩm giả sành điệu thì hút cigar/xì gà lúc uống rượu brandy.

Xưa nay, Trung Hoa lưu truyền tục ngữ 无酒不成礼仪/Vô tửu bất thành lễ nghi/Thiếu rượu thì chẳng ra lễ nghĩa”. Triết gia, chính trị gia, nhà khoa học, nhà văn, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, nhà ngoại giao Benjamin Franklin (1706 -1790), một trong người thành lập đất nước Hoa Kỳ, đã so sánh: “Trong rượu có sự thông thái, trong bia có sự tự do, còn trong nước lọc có vi khuẩn”. Là nhà văn Mỹ hiện đại nổi tiếng về công nghệ phần mềm, David Auerbach phát biểu tương tự: “Trong rượu, ta tìm thấy trí tuệ. Trong bia, ta nhìn ra sức mạnh.

Trong nước lọc, ta phát hiện vi khuẩn”. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc (thơ văn, âm nhạc, vũ đạo, hội họa, nhiếp ảnh…) của bao nghệ sĩ tài danh ca ngợi rượu. Rượu đóng vai trò hữu ích trong ngành dược học, công nghệ chế biến nước hoa, nhiên liệu động cơ. Một số thí nghiệm chứng minh rượu tác động tích cực đến sức khỏe người như xả stress/giải tỏa áp lực, làm phấn chấn tâm sinh lý, tăng tuổi thọ và phòng chống bệnh về động mạch vành của tim.

Tuy nhiên, rượu liên tục tạo nhiều di hại khủng khiếp: Nồng độ cồn trong máu thậm chí thấp hơn 0,1% có thể khiến người ta say, 0,3 - 0,4% gây hôn mê, 0,5% hoặc cao hơn dễ dẫn tới tử vong. Ấy là cảnh báo trước mắt, chứ lâu dài thì rượu liên quan với các nguy cơ của các bệnh viêm màng não, viêm phổi, viêm hệ bài tiết, xơ gan, ung thư. Mục sư Thanh giáo Increase Mather (1639 - 1723), Giám đốc Đại học Harvard danh tiếng ở Hoa Kỳ giai đoạn 1681 - 1701, nhận xét: “Bản thân rượu là tay sai tốt của Chúa và được tiếp nhận với lòng biết ơn, nhưng việc lạm dụng rượu là từ quỷ dữ Satan”.

Có những cộng đồng người kiêng rượu, như tín đồ các đạo Phật và đạo Hồi. Vì lợi ích của cá nhân, gia đình và xã hội, hiện nhiều quốc gia trên thế giới, có Việt Nam, dùng pháp luật nhằm kiểm soát và hạn chế (chứ không cấm) sản xuất, mua bán, tiêu thụ rượu bia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.