Năm học 2023-2024 tập trung cao độ để bứt tốc

GD&TĐ - Năm học 2023-2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình đổi mới GDPT, năm học phải bứt tốc để về đích trong năm học 2024-2025.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Sáng 21/7, tại Nghệ An, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 với giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên.

Dự Hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh; đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT; lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên 63 sở GD&ĐT trong cả nước.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề nghị đại diện các Sở GD&ĐT tham dự tập trung thời gian phát biểu thảo luận xung quanh những kết quả đạt trong năm học 2022-2023 đối với giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên. Trong đó, nêu bật được bài học kinh nghiệm, giải pháp đã tổ chức thực hiện trong năm học.

Các đại biểu cũng cần xác định, thống nhất những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp của năm học 2023-2024. Trên cơ sở đó 2 Vụ Giáo dục Trung học, Giáo dục thường xuyên tiếp thu ý kiến các đại biểu, sớm ban hành hướng dẫn nhiệm vụ năm học với giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên để các địa phương căn cứ vào đó triển khai.

Chủ trì Hội nghị (từ phải sang trái): Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành.

Chủ trì Hội nghị (từ phải sang trái): Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành.

Phát huy tính chủ động, linh hoạt trong triển khai chương trình mới

Báo cáo kết quả năm học 2022-2023 với giáo dục trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết: Năm học 2022-2023 là thời điểm cả ba cấp học đồng thời triển khai Chương trình GDPT 2018 (tiểu học, THCS và THPT), đặc biệt là đối với lớp 10, lớp đầu tiên của giai đoạn định hướng nghề nghiệp với khối lượng công việc nhiều, nhiều điểm mới cần triển khai.

Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai dạy học hoàn thành nhiệm vụ năm học. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của toàn ngành Giáo dục nói chung và cấp trung học nói riêng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định và phê duyệt danh mục SGK lớp 8, lớp 11 và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 7, lớp 10. Hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học các môn học đối với lớp 6, 7, 10 theo Chương trình GDPT 2018 phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt.

Tổng số trường học năm học 2022 - 2023 cấp THCS là 11.356 trường; trong đó trường công lập có 11.033 trường, tư thục có 323 trường. Tổng số trường cấp THPT là 2.970 trường; trong đó công lập có 2.465 trường, tư thục có 505 trường.

Tổng số trường học năm học 2022 - 2023 cấp THCS so với năm học 2021-2022 cơ bản được giữ ổn định (chỉ tăng 3 trường); số trường cấp THPT tăng 27 trường.

Tổng số lớp học năm học 2022 - 2023 cấp THCS là 161.191; cấp THPT là 71.715. Số lớp học năm học 2022 - 2023 cấp THCS, THPT so với năm học 2021-2022 đều tăng, cụ thể cấp THCS tăng 1.700 lớp; cấp THPT tăng 1.787 lớp.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đối với các lớp còn lại thực hiện Chương trình GDPT 2006 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, bảo đảm tính kết nối với Chương trình GDPT 2018.

Các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình mới; đội ngũ giáo viên đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt được kết quả tốt; các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2023 đạt thành tích cao. Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đảm bảo nghiêm túc, an toàn, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh học sinh.

Công tác phổ cập giáo dục cấp THCS được các địa phương quan tâm và duy trì. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đã đạt được nhiều thành quả, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; tăng cường phân cấp quản lý giao quyền cho các cơ sở giáo dục được xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng cơ sở giáo dục, địa phương. Thực hiện khá tốt công tác quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành báo cáo tại Hội nghị.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành báo cáo tại Hội nghị.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được được kết quả quan trọng, song triển khai nhiệm vụ với giáo dục trung học vẫn còn khó khăn, hạn chế. Trong đó, việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số cơ sở giáo dục còn chưa phù hợp. Phân công giáo viên đảm nhận các nội dung trong chương trình và xây dựng kế hoạch giáo dục đối với môn Khoa học tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương của một số địa phương, nhà trường còn lúng túng.

Nhà trường chưa chủ động trong xây dựng phân phối chương trình các môn học theo tinh thần không nhất thiết phải chia đều số tiết/tuần, không nhất thiết phải dạy học ở tất cả các tuần nên gặp khó khăn trong bố trí giáo viên, xếp thời khóa biểu phù hợp với định mức giờ dạy/tuần của giáo viên. Cùng với đó là còn có hạn chế, khó khăn về đội ngũ khi số lượng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ; tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương…

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang.

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang.

Tại Hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT đã trao đổi, thảo luận xung quanh các nhiệm vụ của giáo dục trung học từ kinh nghiệm thực tiễn địa phương; trong đó có cả kết quả đạt được, kinh nghiệm triển khai và vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong triển khai Chương trình GDPT 2018.

Chia sẻ của ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng như chỉ đạo của tỉnh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là triển khai chương trình GDPT 2018, An Giang thuận lợi khi nhận được sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh đối với chương trình mới. Việc lựa chọn các môn lựa chọn, chuyên đề học tập trong năm đầu tiên đối với lớp 10 cơ bản thuận lợi. Địa phương, ngành Giáo dục làm tốt khâu tuyên truyền từ khi triển khai, giao nhiệm vụ đến từng trường THPT, THCS, Phòng GD&ĐT…

Với tinh thần làm sao cho học sinh học được môn lựa chọn theo đúng năng lực, định hướng nghề nghiệp và mục tiêu chương trình GDPT 2018, Sở chỉ đạo các trường phổ thông linh hoạt trong tổ chức; xây dựng thời khóa biểu không cứng nhắc.

Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 với giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên.

Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 với giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên.

Tuy nhiên quá trình triển khai nhiệm vụ đối với giáo dục trung học của An Giang phát sinh hai vấn đề. Đó là khi đảm bảo đáp ứng năng lực, nhu cầu của học sinh và năng lực của nhà trường, dẫn đến có độ vênh nhất định giữa lớp môn bắt buộc và môn lựa chọn, chuyên đề học tập. Trong điều lệ trường trung học hiện quy định không quá 45 học sinh/lớp, nếu áp dụng đúng sẽ phát sinh thêm giờ dạy của giáo viên, kinh phí của nhà trường. Vì vậy, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang đề xuất, với lớp học môn bắt buộc, không quá 45 học sinh/lớp, nhưng các lớp môn lựa chọn thì có thể ít hơn hoặc vượt quá 45 em/lớp.

Ngoài ra, thực hiện dạy học các môn theo chương trình GDPT 2018, khả năng dẫn đến thừa thiếu cục bộ giáo viên trong từng năm học và theo môn học. An Giang đề xuất được linh hoạt sắp xếp bố trí luân chuyển giáo viên giữa các đơn vị với nhau để đáp ứng tối đa nhu cầu học sinh...

Ông Lê Đình Thuần, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa nêu 3 vấn đề mong Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể, liên quan đến: giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT theo hướng tạo điều kiện để học sinh vừa được học nghề vừa được học kiến thức văn hóa; sáp nhập trung tâm học tập cộng đồng và trung tâm văn hóa thể thao; đội ngũ giáo viên nghệ thuật dạy cấp THPT, giáo viên Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đang thiếu, chưa có nguồn tuyển.

Thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở

Về kết quả giáo dục thường xuyên, ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Các lãnh đạo, chuyên viên các Sở GD&ĐT và các phòng GD&ĐT đã tích cực tham mưu, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ năm học; thực hiện công tác quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện đúng các quy định.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh báo cáo tại Hội nghị.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh báo cáo tại Hội nghị.

Theo số liệu báo cáo thống kê của các Sở GD&ĐT, năm học 2022-2023, tổng số cơ sở giáo dục thường xuyên là 18.557 trung tâm (tăng 1.036 trung tâm so với năm học 2021-2022).

Cụ thể: Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: 620 trung tâm, trong đó có 91 trung tâm giáo dục thường xuyên và 529 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (giảm 12 trung tâm so với năm học 2021 - 2022). Trung tâm học tập cộng đồng: 10.491 trung tâm (giảm 199 trung tâm so với năm học 2021-2022 34), đạt tỷ lệ 98,98% xã/phường/thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.

Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định trong năm học 2022-2023. Hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên ổn định về mạng lưới và hoạt động. Nhiều trung tâm đã chủ động học hỏi, nghiên cứu nhu cầu người học, khai thác các chức năng của trung tâm để chủ động đa dạng hóa các chương trình giáo dục thường xuyên, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Một số trung tâm cũng đã chủ động tham mưu xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị nguồn lực giáo viên để sẵn sàng cho việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT theo Chương trình GDPT 2018.

Nhiều trung tâm bám sát định hướng đổi mới Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để chủ động tuyển dụng giáo viên còn thiếu hoặc cử giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo bổ sung sẵn sàng triển khai thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT.

Hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên từng bước được chính quyền địa phương, người dân ghi nhận là cơ sở thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Bước đầu một số các trung tâm đã xây dựng tốt thương hiệu tại địa phương được phụ huynh học sinh, các cơ quan quản lý ghi nhận. Nhiều trung tâm đã chủ động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong dạy học, tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục thường xuyên vẫn còn hạn chế, do chất lượng đầu vào thấp. Đội ngũ giáo viên biên chế dạy văn hóa tại các trung tâm GDNN-GDTX còn ít, chưa đủ về số lượng, chưa đủ về cơ cấu theo các môn học, đội ngũ giáo viên hợp đồng lao động không ổn định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm GDNN-GDTX còn thiếu thốn, ít được đầu tư xây dựng, mua sắm. Tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn còn thấp, kết quả xóa mù chữ không bền vững…

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai.

Chia sẻ về công tác xóa mù chữ tại tỉnh Lào Cai, theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, ngành Giáo dục xác định rõ công tác Xóa mù chữ là một trong những Chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đó làm tốt công tác tham mưu, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã thực hiện xóa mù chữ cho 3.511/5.000 người trong độ tuổi 15-60, đạt 70,22% cả giai đoạn. Năm 2023 thực hiện mở 56 lớp xóa mù chữ Giai đoạn 1,2 cho 1.155 học viên...

Dù có nhiều những chuyển biến, song công tác xóa mù chữ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức mới, cần tập trung giải quyết như chất lượng học viên, dạy nghề cho học viên sau khi học xóa mù chữ hiệu quả để giảm tái mù chữ…

Để thực hiện tốt hơn công tác này, ông Nguyễn Thế Dũng đề nghị Bộ GD&ĐT nâng cấp phần mềm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; có ý kiến với Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 96/2008/TT-BTC về hướng dẫn kinh phí hỗ trợ cho các trung tâm học tập cộng đồng; đồng thời tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên về nội dung, phương pháp dạy học và định hướng nguồn học liệu xóa mù chữ giai đoạn 1, giai đoạn 2.

Địa phương cần quan tâm nhiều hơn để kiến nghị, đề xuất thay đổi trong Luật Nhà giáo

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ với những khó khăn của Giáo dục Trung học, đặc biệt năm học qua tăng trên 100 ngàn học sinh, tăng 27 trường THPT, tạo áp lực lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Ở nơi quá đông học sinh/lớp cần có lộ trình kéo giảm sĩ số, cùng với những giải pháp cụ thể. Ví dụ như Hà Nội, có trường các lớp đều trên 60 học sinh, tạo áp lực lớn cho giáo viên, quyền lợi học sinh không bảo đảm. Vì vậy, tới đây địa phương cần quan tâm nhiều hơn để kiến nghị, đề xuất thay đổi trong Luật Nhà giáo, nhất là việc chuyển giáo viên từ công sang tư không quá căng cứng như hiện nay.

Vấn đề hướng nghiệp, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên có Thông tư 07 về tư vấn hướng nghiệp, việc làm, Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong có sự phối hợp giữa Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên và Vụ Giáo dục Trung học, quan tâm sâu hơn vấn đề này.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu.

Ở các địa phương, cần quan tâm đến vấn đề tư vấn, hướng nghiệp, thực hiện các văn bản chỉ đạo, đề án, kế hoạch. Chính phủ hiện quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực, về phía Bộ đã triển khai đề án 1665 về khởi nghiệp, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Nhiều bộ, ngành khác như Bộ Khoa học công nghệ, Trung ương Đoàn… cũng quan tâm đến vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề đào tạo liên thông, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị Vụ Giáo dục Trung học phối hợp với các cục, vụ liên quan để tham mưu Bộ bổ sung Khung trình độ quốc gia 8 bậc rõ ràng hơn.

Về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh sinh viên, theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh quan trọng nhất là các “tế bào” – chính là cơ sở giáo dục tại địa phương. Trong lĩnh vực giáo dục trung học, các nhà trường không chỉ dạy chữ, mà còn cần chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống thông qua các hoạt động trải nghiệm phòng chống bạo lực học đường; phòng chống thuốc lá điện tử; ứng xử trong trường học, xây dựng văn hóa học đường. Dùng cái tốt đẩy lùi cái xấu, đặc biệt là quan tâm đẩy mạnh xây dựng trường học hạnh phúc, trường học xanh, an toàn, tích cực…

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến chuyển đổi số - được Bộ GD&ĐT xác định là một trong những giải pháp đột phá trong nâng cao chất lượng giáo dục dục đào tạo.

Về giáo dục thường xuyên, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng cần có nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn. Mạng lưới Giáo dục thường xuyên rất lớn, không chỉ là các trung tâm GDNN-GDTX, ngoại ngữ, tin học mà còn có các trung tâm khác, các hệ thống chính quy và phi chính quy song song trong hệ thống giáo dục toàn dân.

Mới đây, Chính phủ cũng đã phát động, đẩy mạnh học tập suốt đời trong cả nước. Vì vậy, vai trò của Vụ Giáo dục thường xuyên là rất lớn, nhất là trong công tác phối hợp sâu với các bộ, ngành, tổ chức như: Trung ương Hội khuyến học, Bộ LĐ,TB&XH… trong thực hiện, triển khai, kiểm tra, đánh giá, thi đua khen thưởng.

Đặc biệt trong việc sáp nhập, hợp nhất các trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm học tập cộng đồng, văn hóa thể thao cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và các ngành khác, chính quyền địa phương để nâng cao hoạt động hiệu quả, tháo gỡ vướng mắc đặt ra. Đồng thời tham mưu để quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục chuyên biệt, hỗ tợ phát triển giáo dục hòa nhập, kỹ năng sống… Qua đó đảm bảo yếu tố công bằng trong giáo dục, đào tạo.

Năm học 2023-2024: Bứt tốc để chuẩn bị về đích

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm học 2023-2024 trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông. Đây là năm học mà sau cố gắng trong cả một quá trình, chúng ta phải bứt tốc, để về đích trong năm học 2024-2025. Điều này đòi hỏi sự quan tâm, tập trung cao độ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng cho biết: vừa qua, ngành Giáo dục đã thực hiện trách nhiệm giải trình trước Đoàn giám sát của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời thực hiện đánh giá giữa kỳ. Từ đánh giá giữa kỳ, chúng ta cần chủ động nhìn thấy trước những điểm yếu, hạn chế để có giải pháp khắc phục, không đợi đến khi có kết luận của đoàn giám sát.

Trong rất nhiều vấn đề của giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu cần tập trung cao độ thực hiện đổi mới phương pháp dạy; phương pháp học; phương pháp kiểm tra, đánh giá; đặc biệt với các môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lí… Một trong những giải pháp là cần tập huấn thường xuyên, liên tục cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tăng cường các hội giảng trao đổi kinh nghiệm như một số Sở GD&ĐT đã triển khai có hiệu quả… Cố gắng có một nhóm để sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp, hướng dẫn các vướng mắc của đội ngũ khi triển khai tại mỗi Sở GD&ĐT; lưu ý đội ngũ ở THCS, không phó thác đội ngũ cho các quận/huyện.

Việc tăng cường tập huấn, hỗ trợ, chia sẻ, giám sát, dẫn dắt đối với đội ngũ hiệu trưởng các trường cũng vô cùng quan trọng; bởi đây chính là “nhạc trưởng” của đổi mới ở cấp cơ sở, đội ngũ có tính chất quyết định trong đổi mới ở chiều sâu. Chỉ khi đội ngũ này thực sự thấu hiểu chương trình, thấu hiểu tinh thần đổi mới thì mới có thể tổ chức thực hiện hiệu quả.

Cũng liên quan đến đội ngũ, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tái đi thực tế tại các trường phổ thông của giảng viên sư phạm; điều này cần trở thành nội dung quan trọng trong nhiệm vụ năm học của các trường năm học tới. Nếu xa lạ với thực tiễn đang diễn ra ở giáo dục phổ thông, không có trải nghiệm thực tế, bám sát, nắm chắc thực tiễn đổi mới, đội ngũ này sẽ không thể dạy một cách hiệu quả cho giáo sinh - những giáo viên tương lai sẽ triển khai thực hiện chương trình mới. Từ đó, các trường sư phạm không thể thực hiện được nhiệm vụ đồng hành, tham gia dẫn dắt trong hệ thống khi thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.

Trong phát biểu, Bộ trưởng cũng lưu ý cần hỗ trợ tối đa người học và không đặt ra bất kỳ rào cản nào cho học sinh khi chuyển trường; hướng nghiệp, phân luồng phải bằng sự thuyết phục, qua sự lựa chọn của người học, không phải thực hiện cứng nhắc; việc đưa quy định 45 học sinh/lớp với trung học, 35 học sinh/lớp với tiểu học là chuẩn chất lượng, để các nơi nếu chưa đạt được thì tiếp tục phấn đấu; lưu ý khi triển khai chương trình GDPT mới ở giáo dục thường xuyên và nhấn mạnh việc chú trọng đổi mới ở giáo dục thường xuyên.

7 nhóm giải pháp thực hiện

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã biểu dương những thành tích của Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên đạt được trong năm học 2022-2023. Thứ trưởng cũng đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị.

Từ báo cáo của Vụ Giáo dục trung học và Vụ Giáo dục thường xuyên cùng nhiều ý kiến của các đại biểu, ngành giáo dục đã nhận diện được những khó khăn để có giải pháp triển khai nhiệm vụ cho năm học mới.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ trong năm học 2023-2024, Thứ trưởng lưu ý, lãnh đạo Sở GDĐT các địa phương cần tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Ngô Thị Minh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đề ra 7 nhóm giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng công tác tham mưu chủ động với lãnh đạo địa phương tạo nguồn lực cho ngành giáo dục. Công tác tham mưu cần chủ động, kịp thời, trọng tâm, kiên trì, có trách nhiệm.

Xây dựng hệ thống văn bản, triển khai hệ thống văn bản kịp thời. Lãnh đạo Sở GD&ĐT phải là người nắm chắc, định hướng, truyền tải đầy đủ tinh thần văn bản đến các cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh; Tiếp tục thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm giải trình từng đơn vị, cán bộ, giáo viên...

Ngoài ra, Sở GD&ĐT các tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác phối hợp và hợp tác để giải quyết các khó khăn của ngành giáo dục. Tổ chức phát động tốt các phong trào thi đua phù hợp với địa phương. Các phong trào cần bám sát định hướng, chủ đề của Bộ GD&ĐT theo từng năm học. “Đây là nhiệm vụ đồng thời là giải pháp để địa phương áp dụng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trong năm học”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT cần tăng cường công tác kiểm tra một cách toàn diện, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; Tăng cường đào tạo, quản lý bồi dưỡng, cán bộ, giáo viên. Tham mưu tỉnh có kinh phí bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đề nghị lãnh đạo ngành Giáo dục tại 63 tỉnh chủ động dự thảo kế hoạch năm học 2023-2024 trên cơ sở dự thảo của Bộ. Ngành giáo dục địa phương cần tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới như cơ sở vật chất, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ giáo viên; có kế hoạch biên chế giáo viên giảng dạy…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.