(GD&TĐ) - Bước vào năm học mới 2012 – 2013, thầy trò trường PTCS xã Dang huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam vừa mừng nhưng cũng không ít nổi lo. Trường có gần 450 em học sinh các cấp Mầm Non, Tiểu học và THCS, được bố trí học ở 8 điểm thôn khác nhau với 100% là con em đồng bào dân tộc.Trong đó có nhiều điểm đứng lớp các thấy cô phải đi bộ nữa ngày đường leo núi mới đến được các thôn như Kà xeng, Arui, Zơ lao. Do đó các thầy cô phải ở lại nhà đồng bào hoặc dựng lều tạm bên phòng học để ở và có khi một vài tháng mới ra trung tâm.
Học sinh nhận sách vở từ thiện |
Cô giáo Nguyễn Thị Thùy, vừa mới rời ghế trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng về đứng lớp ở xã Dang. Lần đầu tiên khi bước chân đến trường cô cảm thấy hụt hẫn bởi sự thiếu thốn về cơ sở vật chất trường học cũng như nơi ở của giáo viên. Song đến khi được tiếp xúc với các em, được các em hát chào cô bằng bài hát “ Em mến thầy từ buổi học đầu tiên. Em mến cô người vui tính dịu hiền… ” thì cô không kìm nỗi được nước mắt. Không phải cô khóc vì lần đầu tiên đứng trên bục giảng, không phải cô khóc vì cái khó khăn thiếu thốn, mà cô khóc vì các em sao dễ thương quá, với những đôi mắt hồn nhiên ngây thơ vẫn ngày ngày dù nắng mưa vẫn cắp sách đi bộ băng qua khe núi đi qua cầu treo để đến trường. Cô giáo Thùy đã quyết định ở lại với núi rừng Tây Giang ở lại với những mái đầu xanh để cho các em có cái chữ.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Thanh Triều, người đã gắn bó gần mười năm với trường cũng cho biết, đến nơi đây mặc dù thiếu thốn đủ điều nhưng khi nhìn thấy các em thì thầy cô nào cũng thấy mến thương. Chỉ mong sao cho các em mau có chổ học, chổ nội trú ổn định để thầy trò cùng yên tâm dạy học, chứ mùa mưa bão sắp đến, trường có thể sẽ đổ sập xuống lúc nào không biết. Mùa mưa năm vừa rồi vào nữa đêm đã bất ngờ cuốn trôi dãy nhà nội trú của các em, may mà hôm đó là ngày chủ nhật các em về nhà, số còn lại đã thoát ra được .
Được biết trường PTCS xã Dang được xây dựng ven lưu vực sông A Vương, cứ mùa mưa đến dòng nước chảy xiếc làm sạt lở đôi bờ kéo theo nhà cửa, ruộng vườn của bà con. Với sự cố sạt lở năm vừa rồi, các cấp chính quyền huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cũng đã có phương án chuyển toàn bộ trung tâm hành chính của xã Dang về nơi ở mới tại làng Bpa Đuh cách đó khoảng 5 km, trong đó có cả xây dựng mới ngôi trường PTCS xã Dang. Đây là điều đáng mừng đối với thầy trò trường PTCS xã Dang, nhưng chuyện xây trường cũng mới bắt đầu, phải để đến năm học 2013 – 2014 các em mới có được ngôi trường mới. Nhưng cái trước mắt, là ngay sau ngày khai giảng năm học này, thầy trò phải khẩn cấp xây dựng phương án đề phòng sạt lở, phân công thầy cô trực ngày cũng như đêm để đến lúc xảy ra sự cố thì kịp thời ứng cứu, không để thiệt hại đến tính mạng của học sinh, bởi ngôi trường hiện nay và khu nhà nội trú của các em cũng chỉ cách chừng 4m vùng sạt lở nguy hiểm.
Nhà ở giáo viên |
Đó là chuyện trường lớp cho các em ngồi học, còn riêng cái ăn hằng ngày, cũng như sách vở học cho các em lại càng khó khăn hơn. Trường có 108 em ở nội trú, với mức kinh phí trợ cấp tiền ăn cho mỗii em trên 3 nghìn đồng ngày. Và cũng chỉ có thế chứ gia đình các em cũng không có phụ cấp gì thêm, nên bữa ăn của các em chỉ có cơm và mì tôm làm thức ăn là chính. Thoảng lâu có đoàn từ thiện cho cá khô thì các em có thêm bữa đạm bạc bằng cơm – mì tôm – cá khô. Sách vở học thì các em được cấp, nhưng vẫn không đủ. Cấp tiểu học cả năm phải dùng 20 cuốn vở, nhưng chỉ cấp được 13 cuốn, cấp THCS cả năm dùng 30 cuốn nhưng chỉ cấp được 7 cuốn. Do đó cứ trước và sau năm học mới ban giám hiệu trường lại phải lặng lội đi kêu gọi khắp nơi đóng góp từ thiện để có sách vở, mì tôm và quần áo cho các em trong mùa mưa bão.
Trường có 31 giáo viên các cấp, người bám trụ lâu nhất như thầy hiệu phó Trần Văn Minh với trên 30 năm, còn lại thì trên dưới mười năm. Chủ yếu là giáo viên vùng xuôi lên công tác, chỉ có 3 giáo viên là người tại chổ. Trường có ba phòng tập thể dành cho giáo viên, mỗi phòng gần 20m2, nên không thể chứa hết được, một số thầy cô đành phải dựng lều ra ở riêng trông như dân trại tị nạn. Và không biết các thầy cô có đem hết tâm huyết của mình vào trang giáo án, vào con chữ được bao nhiêu, khi cái thiếu thốn về vật chất và tinh thần cứ đeo bám từng ngày.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Thanh Triều đã không nói nhiều về cái khó khăn của ngôi trường PTCS xã Dang bên bờ sông A Vương này nữa. Nhưng có điều chắc chắn rằng năm học 2012 – 2013 nầy thầy trò của trường sẽ dạy và học trong nổi lo trước nguy cơ ngôi trường có thể cuốn theo dòng lũ lúc nào không biết, cũng như sự thiếu thốn về bữa cơm hằng ngày cho các em.
Cao Bằng