Nam giới Derasar: Cầu xin xóa bỏ... nghĩa vụ đa thê

GD&TĐ - Sâu trong Sa mạc Thar, Tây Bắc Ấn Độ tồn tại làng Derasar với tập tục hôn nhân lạ lùng: Đàn ông phải lấy 2 vợ và chỉ được phép có con với người vợ thứ hai.

Nam thanh niên Derasar muốn cuộc sống 1 vợ 1 chồng chỉ còn cách bỏ làng.
Nam thanh niên Derasar muốn cuộc sống 1 vợ 1 chồng chỉ còn cách bỏ làng.

Nếu phá lệ, họ chỉ còn nước độc thân vĩnh viễn hoặc bỏ làng.

Truyền thống nặng dị đoan

Derasar nằm trong khu vực núi non sa mạc cao của bang Rajasthan (Ấn Độ). Vị trí của nó giáp biên giới với Pakistan, cách thành phố Jaipur (thủ phủ Rajasthan) khoảng 550km.

Đối với thế giới bên ngoài, Derasar là vùng đất đậm chất văn hóa dân gian. Nơi đây có khoảng 400 hộ và mọi người duy trì ăn mặc cổ trang angarkha (loại áo váy dài quét đất), đội khăn choàng rộng, đeo nhiều đồ trang sức…

Tín ngưỡng bao trùm Derasar là Rajput, cho phép đa thê. Truyền thuyết Derasar kể rằng, tổ tiên của họ không có con trong cuộc hôn nhân thứ nhất nên đàn ông đã lấy người vợ thứ 2, nhờ vậy mà duy trì nòi giống. Vì thế, con cháu Derasar đời đời phải lấy 2 vợ. Không chỉ thế, họ còn phải chán ghét người vợ đầu và chỉ có con cái với người vợ thứ 2.

Ngày nay, Ấn Độ theo luật hôn nhân 1 vợ 1 chồng. Quy định này áp dụng trên toàn quốc, không trừ Derasar. Nhưng, đối với người dân ở đây, “phép vua thua lệ làng”. Nam giới Derasar khi đến tuổi thành gia buộc phải tuân thủ luật lệ lấy 2 vợ.

Họ không được hẹn hò, nói chuyện yêu đương, càng không được nghi ngờ truyền thống. Nếu phản đối, các chàng trai chỉ còn nước độc thân trọn kiếp hoặc cuốn gói ra khỏi làng.

Hiện thực đau đớn

Trong mắt thế giới bên ngoài, Derasar là mảnh đất văn hóa xinh đẹp.
Trong mắt thế giới bên ngoài, Derasar là mảnh đất văn hóa xinh đẹp.

“Ở Derasar, đàn ông phải bất mãn với cuộc hôn nhân đầu tiên và hổ thẹn nếu không có con với người vợ thứ 2”, Karan (25 tuổi) xác thực. Anh khai sinh tại Barmer, nhưng đã chuyển tới Derasar sống từ năm 2011.

“Tôi đính hôn với người vợ đầu tiên vào năm 2017 và quyết tâm tìm kiếm công việc ổn định, chuẩn bị cho cuộc hôn nhân thứ 2”, Karan kể lại. Tuy nhiên, sau vài năm chung sống, anh phải lòng vợ mình và không muốn lấy người phụ nữ khác.

“Mọi người buộc tội tôi coi thường truyền thống, bắt tôi phải cưới cô gái mà cha mẹ đã chọn sẵn và có con ngay”, Karan cho biết. Bất chấp đại dịch Covid-19 đang hoành hành, họ ép anh làm đám cưới bằng được. Dưới áp lực gia đình và làng xã, Karan đành cúi đầu tuân phục. Ba tháng sau, anh phát hiện cả mình và người vợ thứ 2 đều bị nhiễm virus Corona.

Mahinder (35 tuổi) phải kết hôn lần thứ 3, vì người vợ thứ 2 qua đời. “Cái thứ truyền thống cổ hủ này còn tước đi cả lương tâm con người. Tôi thậm chí không được phép thương tiếc cho người vợ đã mất, dù rất yêu cô ấy. Tôi thấy mình bị áp đặt phải phân biệt giới tính, đối xử tàn tệ với nữ giới”, anh phẫn nộ.

Sau cái chết của người vợ thứ 2, sức khỏe tinh thần của Mahinder sa sút trầm trọng. Anh cố gắng vực dậy bằng việc tự nhủ vẫn còn 3 đứa con và nghĩa vụ nuôi dưỡng chúng thành người. Thế nhưng, ảnh hưởng của đại dịch đã đè bẹp Mahinder.

Anh bị mất công việc, rơi vào tình cảnh không lo nổi cơm ăn áo mặc cho 2 người vợ và 3 đứa con. Món nợ sinh hoạt ngày một tăng, buộc Mahinder phải bán phần lớn đất đai. Khi người vợ thứ nhất gặp tai nạn nhỏ vào đầu năm 2021, anh còn phải thế chấp cả nhà mới có tiền đi bệnh viện.

“Tôi bị giam cầm trong xã hội thiếu hiểu biết về giới tính, kỳ thị 1 vợ 1 chồng và dè bỉu tình yêu”, Dakshit (29 tuổi) chia sẻ. Trong mắt thế giới bên ngoài, truyền thống đa thê ở Derasar như thể đặc quyền của đàn ông. Song, với nhiều nam thanh niên tại đây, nó đang là gánh nặng và rào cản ngăn họ vươn tới hạnh phúc bình dị nhất. 

Cầu xin giải thoát

Đàn ông Derasar phải cưới 2 vợ và chỉ được phép có con với người vợ thứ 2.
Đàn ông Derasar phải cưới 2 vợ và chỉ được phép có con với người vợ thứ 2.

“Có gì sai khi nhận nuôi một đứa trẻ cơ nhỡ hay thề nguyện chỉ yêu một người? Có gì sai khi ưu tiên sức khỏe và ổn định kinh tế rồi mới sinh con đẻ cái”, Mahinder chua chát hỏi. Anh ước gì mọi người ở Derasar thấy tập tục đa thê tai hại như thế nào, đồng thời thay đổi định nghĩa về hôn nhân, gia đình mà xây dựng mối quan hệ lành mạnh.

Nghi vấn của Mahinder cũng là trăn trở của Dakshit. Năm 2019, anh quyết định cùng khoảng 10 nam thanh niên chung suy nghĩ… nổi loạn, bằng cách bỏ làng ra đi. Năm 2020, Dakshit nên duyên với Mani, bạn từ thời trung học và thật sự cắt khẩu khỏi Derasar.

Trong số các nam giới Derasar bỏ làng, có Karan. Trước khi dứt áo, anh đã van xin cha mẹ cho phép cuộc sống 1 vợ 1 chồng nhưng vô dụng. May cho Karan, người vợ thứ 2 thấu hiểu và ủng hộ. Chị đồng ý để anh cùng người vợ thứ nhất trốn tới Ahmedabad, còn mình thì ở lại “tìm đường tự do sau”.

Trên mặt pháp lý, cuộc hôn nhân thứ 2 ở Derasar là vô hiệu. Ngoài mê tín, nguyên nhân khiến cư dân Derasar vẫn duy trì hủ tục có lẽ là sự thiếu thốn giáo dục. Thời tiết sa mạc khắc nghiệt cùng địa hình trên cao khiến Derasar nghèo túng. Các hộ gia đình vẫn còn khốn khổ vì thiếu nước, thiếu thức ăn, trẻ em ít được học hành.

Gạt đi hủ tục đa thê, Derasar là cộng đồng tương thân tương ái. Mọi người rất đoàn kết, sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau. Vào năm 2011, làng sa mạc này chỉ có 97 hộ, còn bây giờ đã tăng gấp 4 lần. So với bước đường cùng phải bỏ làng ra đi, nam giới Derasar mong mỏi quê hương thay đổi, “gạn đục khơi trong”.

“Tôi không có cách nào kiếm đủ tiền để vừa nuôi 2 vợ, vừa cho 3 con ăn học. Nếu như chỉ kết hôn 1 lần và có con khi đủ khả năng tài chính, tôi đã chăm sóc gia đình tốt hơn, tạo cho con cái tương lai sáng sủa hơn bây giờ”, Mahinder day dứt.

Theo Vice

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ