Nam Định: Rộn ràng quất Tết Thanh Khê

GD&TĐ - Ngay từ đầu tháng 10 âm lịch, những hộ gia đình trồng quất tại thôn Thanh Khêc (xã Nam Cường) đã hối hả bước vào vụ Tết. Không khí tấp nập, khẩn trương khắp các nhà vườn báo hiệu một mùa xuân mới đang cận kề.

Các hộ gia đình tại Thanh Khê cùng giúp nhau chăm sóc cây quất.
Các hộ gia đình tại Thanh Khê cùng giúp nhau chăm sóc cây quất.

Dù mới được trồng trong một vài năm trở lại đây, thế nhưng cây quất Thanh Khê đã dần khẳng định thương hiệu và được người dân sinh sống tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định tìm mua mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Ở thời điểm hiện tại, với số lượng lên tới hàng ngàn gốc, cây quất đang là hướng phát triển kinh tế mới cho nhiều hộ dân tại mảnh đất này.

Khác với người dân Hà Nội hay chuộng quất bon sai, được trồng sẵn trong các bình, cũng không giống với người dân Hưng Yên ưa chơi quất “bện”, tức là níu dây thép sao cho 4 vế của cây đều tăm tắp…

Các hộ gia đình tại Nam Định thường tìm cây quất có tán lá giống hình quả chuông với phần gốc xòe rộng, thu nhỏ dần lên phía đỉnh. Những cây đẹp nhất quả phải to, chín đều và nhiều lộc non vươn lên mơn mởn.

Người dân tất bật chăm sóc vườn quất.
Người dân tất bật chăm sóc vườn quất.

Là một trong những hộ đầu tiên tiến hành trồng thử cây quất trên những chân ruộng cao, ông Vũ Văn Hỷ chia sẻ: “Đắn đo nhiều lắm chứ khi chọn cây quất làm hướng phát triển kinh tế mới, bởi những địa phương lân cận họ đã trồng và thành công từ lâu. Nếu mình quyết định trồng tức là phải cạnh tranh với những nơi đã có thương hiệu. Thế nhưng nhờ kinh nghiệm tích lũy được sau mỗi năm mà quất năm sau lại đẹp hơn năm trước”.

Phải mất từ 2 tới 3 năm chăm sóc, cây quất mới phát triển đến độ đẹp nhất, đáp ứng yêu cầu của người chơi, cho nên đây được xem là loại cây“khó tính”, khó trồng.

Lắng nghe người làm vườn tâm sự về nghề mới thấy được sự mặn mòi, tỉ mẩn và vất vả chẳng kém gì các loại rau đậu, ngô, lúa… cũng "một nắng hai sương", "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" của người nông dân bởi cây quất phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết.

Những vườn quất Tết được trồng tại Thanh Khê.
Những vườn quất Tết được trồng tại Thanh Khê.

Và hiếm thấy nghề nào mà người nông dân lại đoàn kết như nghề trồng quất tại mảnh đất này! Cái lý của người nông dân đơn giản, thật thà nhưng lại vô cùng đúng đắn, như lời ông Vũ Văn Tiềm: “Nếu chỉ một nhà sạch sâu bệnh mà những vườn xung quanh vẫn còn thì vô nghĩa. Bởi sâu bệnh lan giữa các vườn nhanh lắm… Các hộ trong làng phải cùng làm, cùng chia sẻ và hỗ trợ nhau thì mới thành công được”.

“Nhiều nhà vườn cùng hỗ trợ nhau trong các công đoạn như như cắt lá, tỉa cành, tạo dáng cho cây… đây là cách để mọi người cùng nhau làm, cùng học hỏi và tìm tòi ra phương pháp chăm sóc hiệu quả nhất. Do đó chất lượng cây trồng của các nhà vườn tương đối giống nhau, đáp ứng đủ yêu cầu của những khách hàng khó tính nhất”, anh Thiều Duy Học chia sẻ.

Mỗi một năm những hộ như gia đình ông Vũ Văn Hỷ, ông Vũ Văn Tiềm, anh Thiều Duy Học… chăm sóc và bán ra thị trường hàng trăm gốc quất.

Với dân làng Thanh Khê, những cây quất cảnh không chỉ là món hàng đặc biệt để bày bán dịp cuối năm. Trong sắc xanh của lá và ánh vàng của quả còn chứa đựng cả niềm khát khao vươn lên làm giàu, là ước mơ về một thương hiệu làng nghề.

Dù chưa phải thời kỳ cao điểm, thế nhưng người mua quất đã ra vào nườm nượp. Khi đã "chấm" được một cây ưng ý khách mua đều tin tưởng đặt tiền trước cho chủ vườn. Những người đi mua quất sớm là diện dân "sành" chơi, bởi họ không tiếc tiền, không coi trọng việc đắt rẻ, miễn sao cây to và đẹp…

Năm nay, một cây quất có dáng đẹp, cao trên 1,5m có giá xấp xỉ 1 triệu đồng.

Chỉ trong vòng chưa đầy chục năm, cây quất Thanh Khê đã được người dân các huyện lân cận cũng như thành phố Nam Định chọn lựa để trưng bày trong nhà những ngày xuân mới.

Khi được hỏi về cách trồng một vườn với hàng trăm gốc quất đẹp người dân tại đây chia sẻ, muốn gắn bó với cây quất thì phải liều… Nhưng mà liều một cách “khoa học”!

Bí quyết nằm ở chỗ không bón phân hóa học quá nhiều, bởi như thế dẫn tới đất bị chai, thành ra vụ sau lại vất vả hơn vụ trước. Chính từ lối sống “hiền hòa” với đất, bám đất để vươn lên ấy mà cây quất cũng chẳng phụ lòng người, cứ xanh tốt và phát triển nhanh đến cỏ còn phải “chào thua”.  

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các nhà vườn còn bắt đầu phát triển thêm loại quất mini trồng sẵn trong chậu và được tạo dáng công phu, tỉ mỉ. Loại quất này thu hút người mua vì phù hợp với không gian phòng khách nhỏ hẹp cũng như dáng vẻ độc đáo và duyên dáng đến lạ kỳ!

Ông Vũ Xuân Bách, Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: “Thanh Khê là một trong những đơn vị đi đầu của xã Nam Cường, trong việc phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân trong thôn mạnh dạn đầu tư, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để phát huy những lợi thế sẵn có như diện tích lớn, dân số đông, UBND xã đã chủ động làm tốt công tác định hướng và phổ biến kiến thức về các loại cây trồng, vật nuôi cho người dân áp dụng vào canh tác, sản xuất. Hiệu quả từ những mô hình kinh tế trên luôn được UBND huyện Nam Trực ghi nhận và đánh giá cao”.

Theo quan niệm của người Việt ta, cây quất tượng trưng cho ước vọng những vụ mùa “bội thu”, công việc thuận lợi, kinh doanh gặp nhiều may mắn. Đó còn được coi như sự khởi đầu cho một năm mới an lành. Thế nên, không khí của ngày Tết sẽ rất khó trọn vẹn nếu như thiếu đi hình ảnh của cành đào hay cây quất trong nhà.

Và hơn ai hết, người trồng quất tại Thanh Khê luôn hy vọng về một vụ quất Tết Tân Sửu được giá, được mùa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ