Nam Định quán triệt học sinh tránh xa hố công trình để tránh tai nạn, đuối nước

GD&TĐ - Trong năm 2022, ngành Giáo dục Nam Định có nhiều giải pháp để bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích cho học sinh.

Học sinh tại Nam Định thường xuyên được nhà trường giáo dục về kỹ năng phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích dưới nhiều hình thức.
Học sinh tại Nam Định thường xuyên được nhà trường giáo dục về kỹ năng phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích dưới nhiều hình thức.

Triển khai Công văn số 67 ngày 29/12/2022 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh Nam Định về việc báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN được phân công trong năm 2022, Sở GD&ĐT được giao phụ trách lĩnh vực thực hiện lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai; phòng chống đuối nước vào chương trình giáo dục nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng tránh và ứng phó thiên tai, đuối nước đối với trẻ em, học sinh, sinh viên.

Sở GD&ĐT Nam Định đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục (CSGD) tăng cường công tác tham mưu với chính quyền địa phương trong việc nâng cấp, sửa chữa các công trình bị xuống cấp; phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan của địa phương trong việc triển khai thực hiện các công việc liên quan như chuẩn bị cơ sở vật chất (CSVC) trường, lớp học làm nơi tránh trú bão, lũ; huy động lực lượng giáo viên, đoàn viên trẻ tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ngành Giáo dục Nam Định phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị trong công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh.

Ngành Giáo dục Nam Định phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị trong công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh.

Đại diện Sở GD&ĐT cũng cho hay, đơn vị này đã cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn Giáo dục phòng tránh đuối nước cho trẻ em, học sinh của Bộ GD&ĐT ban hành đến tất cả các trường trong tỉnh. Chỉ đạo các CSGD, hàng ngày dành 3-5 phút các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường để quán xuyến, nhắc nhở các em tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, tự ý hoặc rủ nhau tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nam Định, đến nay toàn ngành đã triển khai xây dựng được 129 trường Mầm non, 175 trường Tiểu học, 168 trường THCS, 12 trường THPT được công nhận trường Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn theo tiêu chí của Sở GD&ĐT; 183 trường Mầm non, 219 trường Tiểu học, 215 trường THCS, 41 trường THPT trường đạt chuẩn Quốc gia theo tiêu chí của Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, ngành Giáo dục Nam Định cũng phối hợp với các cơ quan ban ngành tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng PCTT&TKCN, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Tháng 6/2022, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho 300 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán về công tác an ninh, an toàn trường học và phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh.

Việc tổ chức dạy bơi cho học sinh cũng được một số trường ở Nam Định chú trọng, tuy nhiên không phải trường nào cũng đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện.

Việc tổ chức dạy bơi cho học sinh cũng được một số trường ở Nam Định chú trọng, tuy nhiên không phải trường nào cũng đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện.

Các trường trên toàn tỉnh thường xuyên tổ chức dạy học tích hợp trong các môn học, các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về sự biến đổi khí hậu, nguyên nhân của sự biến đổi khí hậu và trách nhiệm của học sinh trong việc bảo vệ môi trường, phòng, chống rủi ro thiên tai; tổ chức Cuộc thi “Em yêu môi trường” nhằm tuyên truyền, lan tỏa tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên về ý thức bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, PCTT&TKCN.

Sở GD&ĐT Nam Định đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các đơn vị xây dựng các phương án ứng phó với các sự cố thiên tai và phương án khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Các đơn vị nhận được sự đồng thuận của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong công tác PCTT&TKCN, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước...

"Khó khăn khi triển khai công tác này là cơ sở vật chất của một số đơn vị còn thiếu và đang xuống cấp, chưa có kinh phí để xây dựng, cải tạo. Số lượng bể bơi ít nên việc các nhà trường tổ chức dạy bơi cho học sinh trong dịp hè hạn chế, đặc biệt là các trường học ở các huyện. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo cấp trên có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các địa phương trong đó có Nam Định để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác PCTT&TKCN, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh" - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định Nguyễn Văn Thuận cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ