Quản lý sĩ số qua máy điểm danh thông minh
Nằm trong xu thế tất yếu của chuyển đổi số, ngành Giáo dục TP Nam Định đã và đang áp dụng mạnh mẽ công nghệ vào công tác quản lý, giảng dạy ở các nhà trường.
Trong đó, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông nằm trong đề án xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao của thành phố. Theo đó, mỗi sáng trước khi bắt đầu lên lớp, các em sẽ trực tiếp điểm danh bằng vân tay hoặc thẻ học sinh tại 1 trong 8 máy điểm danh thông minh được lắp đặt trong trường. Thông tin về sĩ số của từng lớp sẽ được cập nhật ngay lập tức giúp Ban giám hiệu có thể quản lý, giám sát học sinh một cách hiệu quả.
Học sinh tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định thực hiện quét vân tay mỗi sáng khi đến trường. |
Cô Hoàng Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết, dữ liệu điểm danh còn đồng bộ với sổ điểm danh, nhà trường có thể đánh giá chính xác quá trình học tập của các em qua từng tháng, từng quý. Hệ thống này còn kết nối đồng bộ với phụ huynh để nắm được thông tin điểm danh hàng ngày của con, bố mẹ có thể yên tâm khi nắm bắt kịp thời các thông tin của con trong thời gian tại trường.
Cũng như vậy, trước đây mỗi lần lên lớp, các cô giáo phải mang rất nhiều tài liệu, giáo án, số sách. Giờ đây giáo viên chủ yếu thao tác trên phần mềm VnEdu của VNPT. Không chỉ tiết kiệm giấy mực in, thời gian, phần mềm này có nhiều tính năng nổi trội đã giúp việc dạy, quản lý học sinh của giáo viên dễ dàng và hiệu quả hơn. Việc quản lý đào tạo, cán bộ, giáo viên, nhân viên đến quản lý thu phí, với các giải pháp mức độ cơ bản và nâng cao đã thuận lợi hơn rất nhiều.
Ứng dụng chuyển đổi số vào giảng dạy
Lãnh đạo tỉnh Nam Định tới thăm, động viên cô trò trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022-2023. |
Là ngôi trường mới được xây dựng và đi vào hoạt động năm đầu tiên, trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành được thành phố đầu tư đồng bộ trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là hệ thống bảng tương tác được lắp đặt tại tất cả các phòng học, phòng chức năng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và giảng dạy. 100% giáo viên thực hiện thành thạo việc thiết kế bài giảng điện tử và ứng dụng CNTT trong dạy học trực tiếp cũng như sẵn sàng chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến khi có dịch bệnh, thiên tai…
Ở cấp Mầm non, các đơn vị đã tích cực ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. 100% cán bộ quản lý, giáo viên có khả năng ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy. Trong đó khoảng 40-45% cán bộ quản lý, giáo viên có khả năng sử dụng thành thạo các ứng dụng phần mềm mới, hiện đại... trong việc thiết kế, xây dựng các bài giảng điện tử cho trẻ như Capcut, Powerpoint, Picsart, VideoShow...
Cô trò Trường THCS Trần Đăng Ninh trong một giờ học ứng dụng CNTT. |
Để nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, các nhà trường đã tổ chức các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt chuyên môn để bồi dưỡng sử dụng thành thạo các phần mềm cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục; hướng dẫn các kỹ năng cắt ghép ảnh, video, chỉnh sửa ảnh, thiết kế bài giảng điện tử nhằm mang đến cho trẻ những bài học với nội dung hấp dẫn, sinh động.
Các trường THCS trên địa bàn cũng tích cực ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, thực hiện hệ thống quản lý văn bản điều hành; thực hiện hiệu quả việc đồng bộ dữ liệu từ phần mềm quản lý nhà trường với cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT. Tất cả các trường THCS triển khai quản trị nhà trường trên phần mềm VnEdu.vn, thay thế sổ điểm viết tay bằng sổ điểm điện tử. Nhiều trường đã triển khai ký giáo án điện tử cho giáo viên thay thế ký duyệt giáo án in thông thường.
8 nội dung được Phòng GD&ĐT TP Nam Định xác định là tiêu chí chuyển đổi số tối thiểu để thực hiện tại các nhà trường trên địa bàn gồm: Phần mềm quản lý nhà trường; sổ liên lạc điện tử thông minh qua ứng dụng di động; điểm danh thông minh; học bạ điện tử; hồ sơ giáo dục điện tử; phần mềm quản lý giáo án điện tử; phần mềm Quản lý thư viện; phần mềm Kiểm định chất lượng giáo dục vnEdu-QoE.