Năm của những chuyến đi

GD&TĐ - Trong bối cảnh cả thế giới đang chú tâm tới tình hình chiến sự ở Ukraine, thì cũng có rất nhiều người quan tâm đến những chuyến du lịch, nghỉ dưỡng sau hơn 2 năm tù túng vì dịch bệnh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (UNWTO) cho thấy, ngành du lịch thế giới trong năm 2021 hầu như không có sự cải thiện so với năm 2020, với mọi chỉ số đều ở mức thấp hơn so với thời trước đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo, tỷ lệ tiêm chủng gia tăng và việc nới lỏng các hạn chế đi lại đã giúp ngành du lịch thế giới có chút phục hồi trong nửa cuối năm 2021, nhưng sự lây lan của biến thể Omicron vào tháng 12/2021 đã khiến lượng đặt vé du lịch lại sụt giảm.

Tổng thu nhập trực tiếp của ngành du lịch thế giới trong năm 2021 đã tăng 19% so với năm 2020 lên 1.900 tỷ USD do mỗi du khách chi tiêu nhiều hơn và thời gian du lịch dài hơn so với năm 2020. Tuy nhiên, thu nhập của ngành này vẫn hầu như không vượt quá một nửa mức thu nhập của năm 2019.

Trước đó, theo ước tính của UNWTO, ngành du lịch toàn cầu thất thu 2.000 tỷ USD trong năm 2021 do đại dịch Covid-19, đồng thời nhận định đà phục hồi của ngành này “mong manh” và “chậm”.

Tuy nhiên, nhờ những chuyển biến tích cực trong cuộc chiến chống dịch, tỉ lệ tiêm phủ vắc-xin và nhiều chính sách nới lỏng kiểm soát đã mở ra viễn cảnh mới cho ngành du lịch.

Theo hãng lữ hành Expedia, 2022 là năm của GOAT (greatest of all trips) - chuyến đi tuyệt vời nhất trong tất cả các chuyến đi. Khảo sát với 12.000 khách du lịch tại 12 quốc gia cho thấy có tới 65% tổng số khách đang lên kế hoạch nhằm “có một chuyến đi để đời” trong năm nay, biến các nguyện vọng có một chuyến du lịch thú vị và xa hoa trở thành “xu hướng du lịch lớn nhất” trong năm.

Khoảng 70% khách du lịch sinh sống tại các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản và Tây Ban Nha đang lên kế hoạch du lịch vào năm 2022 với mức chi tiêu nhiều hơn so với 5 năm gần đây. Chi phí đặt phòng tại HomeToGo đã tăng 54% trong năm 2021. Tuy nhiên, mức giá trung bình hàng đêm chỉ tăng khoảng 10% tại Mỹ so với khoảng thời gian trước khi đại dịch bùng phát.

Nắm bắt được xu hướng này, một loạt quốc gia ở châu Á và châu Âu đưa ra những quy định khá thoáng nhằm thu hút du khách. Các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Indonesia (chỉ đảo Bali), Thái Lan, Lào, Campuchia đều đón khách quốc tế, miễn cách ly.

Thiên đường du lịch Maldives đón khách từ hầu hết quốc gia trên thế giới. Du khách không phải cách ly bắt buộc nhưng phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 96 giờ trước khi nhập cảnh, khai báo y tế trên website nhập cảnh. Visa 30 ngày được cấp tại cửa khẩu miễn phí.

Khách quốc tế đến Anh không cần làm xét nghiệm trước khi nhập cảnh. Khách chưa tiêm cần xét nghiệm trước khi khởi hành và xét nghiệm PCR trong vòng 2 ngày tính từ khi nhập cảnh và không cần cách ly nếu âm tính. Khách cũng cần điền vào biểu mẫu định vị với các nội dung như lịch sử tiêm vắc-xin, đi lại và thông tin liên lạc. Đeo khẩu trang không còn là quy định bắt buộc.

Hi vọng rằng, với những tiến bộ trong phòng chống dịch cả trên lĩnh vực y tế lẫn kiểm soát đi lại, ngành du lịch sẽ có bước tăng trưởng ấn tượng trong năm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ