Nắm chắc, hiểu sâu với hệ thống kiến thức các bài đọc văn

GD&TĐ - Dung lượng kiến thức nhiều, thời gian dành cho các buổi ôn luyện rất hạn chế, nên giáo viên cần có phương pháp cụ thể để học sinh giỏi văn có thể tự học, nghiên cứu sách vở và giải đề. Điều này có thể thực hiện hiệu quả bằng việc hệ thống lại kiến thức các bài đọc văn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dưới đây là chia sẻ của cô Trần Thị Lan - Giáo viên Trường THPT Hậu Lộc 3 (Thanh Hóa) về nội dung này.

Hệ thống kiến thức các bài đọc văn theo từng giai đoạn

Với nội dung này, cần hệ thống lại, hoàn cảnh lịch sử, xã hội, nội dung, đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam hiện đại qua từng giai đoạn với mục đích:

Giúp học sinh nắm kiến thức một cách khái quát nhất về một giai đoạn văn học. Đó sẽ là cơ sở giúp học sinh nắm bắt các bài đọc văn được sáng tác trong giai đoạn ấy một cách bài bản, khoa học, sâu sắc nhất.

Ngược lại, khi giáo viên giảng các bài đọc văn cụ thể, cần gắn với nét chính của giai đoạn văn học và xem đó như một dẫn chứng làm sáng tỏ phần nào giai đoạn văn học. Đây là mối quan hệ hữu cơ, phục vụ rất nhiều cho việc làm một bài văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.

Giáo viên giúp học sinh so sánh các giai đoạn văn học thông qua những tác phẩm cùng viết về một đề tài, để rồi giúp học sinh nhận thấy: Cùng viết về một đề tài, đối tượng, các nhà văn về cơ bản nhìn nhận, đánh giá đối tượng giống nhau, nhưng bên cạnh đó sẽ có nét khác nhau ở cách kết thúc cuộc đời, số phận nhân vật.

Có thể lấy ví dụ: Cùng đề tài người lao động nghèo trong chế độ cũ, nhà văn đều phát hiện ra bản chất tốt đẹp trong tâm hồn cũng như số phận đau khổ, bất hạnh của người lao động nghèo khổ.

Nhưng nếu là những tác phẩm viết trước cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà văn chỉ mới dừng lại ở đó nên kết thúc truyện không mở cho nhân vật lối thoát với một tương lai tươi sáng ở phía trước, mà là sự tù túng, đầy sự bi quan, bế tắc, bế tắc cho cả một giai cấp.

Còn những tác phẩm viết sau cách mạng tháng Tám năm 1945, kết thúc truyện bao giờ cũng là kết thúc mở, nhà văn mở ra một con đường sáng cho nhân vật mà ở đó là sự đổi đời theo ánh sáng của cách mạng.

Các nhân vật sẽ kết thúc một cuộc đời tăm tối, cực nhục, bị chà đạp, bị áp bức, bóc lột của giai cấp thống trị, cường quyền để vươn lên đòi lại quyền sống, quyền tự do, hạnh phúc cho bản thân. Sở dĩ có được kết thúc như vậy là do nhà văn nhìn cuộc đời, nhân vật bằng nhãn quan cách mạng.

Hệ thống theo trào lưu, xu hướng văn học

Giáo viên phải giúp học sinh phương pháp nắm bắt từng văn bản cụ thể trên tinh thần của từng trào lưu, xu hướng văn học, để học sinh vừa nắm được đặc trưng, xu hướng của từng trào lưu văn học, từ đó có thể làm sáng tỏ nó ở từng tác phẩm cụ thể .

Ví dụ: Với phong trào thơ mới, tinh thần chính là ở cái tôi cá nhân với sự giải phóng về tình cảm, cảm xúc và về trí tưởng tượng;

Văn học hiện thực phê phán, tinh thần thể hiện ở nhân vật điển hình và tính cách điển hình cho một giai cấp, tầng lớp người nào đó;

Văn xuôi chống Mĩ là đề cập đến chất sử thi và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; Văn học sau năm 1975 mang cảm hứng thế sự - đời tư...

Hệ thống theo thể loại văn học

Giáo viên giúp học sinh hệ thống các bài đọc văn có cùng một thể loại, bởi khi đã cùng chung một thể loại thường có những nét tương đồng về nghệ thuật.

Cùng với việc nắm kĩ từng văn bản, học sinh có thể so sánh nét giống nhau và khác nhau để chỉ ra sự độc đáo trong nghệ thuật sáng tạo của nhà văn.

Ví dụ bài Tùy bút Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và bài Bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường), có thể nhận thấy chúng có nét tương đồng của thể kí.

Đó là bằng ngòi bút phóng khoáng, tự do các nhà văn thoải mái ghi chép lại những sự vật, sự việc, con người cụ thể bằng phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác.

Hệ thống các khái niệm thuộc về phần lí luận văn học

Khi học sinh làm bài văn về một vấn đề trong tác phẩm văn học, hay xử lí một đề bài tổng hợp mà trong đó có chứa đựng khái niệm bắt buộc, các em phải hiểu và giải thích được khái niệm rồi sau đó mới đi phân tích làm sáng tỏ.

Các khái niệm đó trong quá trình giảng dạy giáo viên cũng đã cung cấp, nhưng cụ thể thành khái niệm, lời văn như thế nào, giáo viên phải cho học sinh nắm lại. Các khái niệm cụ thể là: Tình huống truyện; tiềm tàng, tiềm ẩn; yêu nước; nhân đạo; cái tôi cá nhân; tính sử thi; cảm hứng lãng mạn; chủ nghĩa anh hùng cách mạng; phong cách nghệ thuật...

Hệ thống đề bài

Sau khi giúp học sinh hệ thống lại những kiến thức cơ bản trên, giáo viên đưa ra hệ thống đề bài dựa trên kết cấu đề thi học sinh giỏi tỉnh hàng năm để học sinh thực hành.

Các em có thể làm bài tại lớp và làm bài ở nhà, nhưng điều quan trọng là giáo viên phải chấm bài để kiểm tra về kiến thức, về kĩ năng làm bài của học sinh. Giáo viên phải chỉ ra chỗ đạt, chưa đạt và phải sửa từng lỗi nhỏ nhất để các em rút kinh nghiệm và không tái phạm lần sau.

Xem đề bài và hướng dẫn chấm minh họa cô Trần Thị Lan chia sẻ TẠI ĐÂY.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ