Năm 2019: Làm gì để du lịch Việt tăng tốc?

GD&TĐ - Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 103 triệu lượt khách, trong đó có 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa.

Cầu Cổng vàng tại Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn năm 2018
Cầu Cổng vàng tại Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn năm 2018

Với bước tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018: Lượng khách quốc tế đạt kỷ lục hơn 15 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng… Đây sẽ là cơ hội để du lịch Việt Nam nắm bắt thời cơ, tăng tốc phát triển.

Những con số

2018 được coi là năm thành công của du lịch Việt Nam bởi lượng khách quốc tế ngày càng tăng, vị thế của ngành du lịch không ngừng tăng lên.

Tại các địa phương là trung tâm du lịch lớn của cả nước đều có tốc độ tăng trưởng mạnh: TP Hồ Chí Minh đón 36,5 triệu lượt khách, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế; Hà Nội đón khoảng 28 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 5,5 triệu lượt khách quốc tế; Quảng Ninh đón 12,5 triệu lượt khách, trong đó 5,3 triệu lượt khách quốc tế; Đà Nẵng đón 7,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt gần 3 triệu...

Nhiều địa phương khác như: Khánh Hòa, Tuy Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Kiên Giang, Lâm Đồng...cũng đón từ 6 triệu lượt khách trở lên.

Cùng với đó, các cơ sở lưu trú được đầu tư, nâng cấp. Chỉ tính riêng năm 2018, có 113 cơ sở lưu trú trong phân khúc từ 3 - 5 sao được công nhận; Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường cũng được đẩy mạnh.

Đặc biệt, du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng danh giá, uy tín trên thế giới, trong đó có giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á”…

Hình ảnh du lịch Việt Nam được bạn bè, du khách quốc tế biết đến nhiều hơn. Nhiều tạp chí danh tiếng thế giới đã bầu chọn Việt Nam là điểm đến yêu thích. Chẳng hạn như Cầu Vàng tại Đà Nẵng được Hãng tin CNN bầu chọn là 124 điểm du lịch ấn tượng nhất của năm 2018.

Cuối tháng 11/2018, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Quảng Ninh, chính thức đi vào hoạt động đã đón chuyến tàu khách năm sao quốc tế đầu tiên, đưa hơn 2.000 du khách và thủy thủ đoàn gần 1.000 người tham quan Vịnh Hạ Long và các điểm du lịch khác tại Quảng Ninh. Sự kiện này mở ra bước phát triển mới cho du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển của công nghệ số, từng bước ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động, số hóa dữ liệu ngành du lịch… Đồng thời, ngành du lịch triển khai nhiều ứng dụng thông minh, đáp ứng nhu cầu của du khách trong việc tìm kiếm và đặt dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn... qua thiết bị di động đã tạo một bước chuyển mình mới, thúc đẩy du lịch Việt phát triển.

Phải làm gì?

Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 103 triệu lượt khách, trong đó có 18 triệu khách quốc tế và 85 triệu khách nội địa. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam cũng đang bộc lộ những hạn chế: Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn nhân lực du lịch còn yếu; năng lực quản lý chưa đồng đều; phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường...

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hoạt động du lịch trong năm 2018 đạt được kết quả ấn tượng với số khách quốc tế đến nước ta đạt mức kỷ lục 15,5 triệu lượt người, tăng 19,9% so với năm 2017 (tăng hơn 2,6 triệu lượt khách). Trong đó, khách từ châu Á đạt hơn 12 triệu lượt người, tăng 23,7%; khách đến từ châu Âu đạt hơn 2 triệu lượt người, tăng 8,1%; khách đến từ châu Mỹ đạt hơn 900 nghìn lượt người, tăng 10,6%; khách đến từ châu Úc đạt gần 440 nghìn lượt người, tăng 4%; khách đến từ châu Phi đạt 42,8 nghìn lượt người, tăng 19,2%. 

Đầu tháng 12/2018, Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách thị thực, phát triển hàng không và hạ tầng sân bay, bến cảng, thu hút đầu tư FDI vào du lịch.

Cùng với đó việc phát huy thế mạnh về nguồn tài nguyên, khai thác giá trị các di sản phục vụ du lịch, lấy du lịch biển làm trọng tâm... Đó là cơ hội, bước dậm đà vững chắc để du lịch Việt tăng tốc trong năm 2019.

Với nhiệm vụ và có cơ chế, bố trí nguồn lực để các bộ, ngành liên quan và địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Nâng cấp Cổng thông tin du lịch Việt Nam; tích hợp các ứng dụng hỗ trợ du khách xây dựng chương trình, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến theo nhu cầu cá nhân; phát triển ứng dụng xây dựng nội dung, tự động cập nhật thông tin cho khách du lịch sau chuyến đi...

Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Du lịch Hà Nội cho biết: “Để phát triển du lịch, chỉ riêng nỗ lực của ngành du lịch là chưa đủ, mà cần sự kết nối và tham gia của các bên liên quan như: Hải quan, hàng không, xuất nhập cảnh, thương mại, dịch vụ… cùng với đó là các cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Do đó, với việc khẩn trương thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch và Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội, chuyển đổi cách thức hoạt động một cách căn cơ, để tăng tốc bứt phá trong những năm tới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.