Năm 2018, nhiều ngành sư phạm của Trường ĐH Hồng Đức chỉ tuyển sinh 15 chỉ tiêu

GD&TĐ - Theo Đề án “Đào tạo và sử dụng giáo viên (GV) trung học phổ thông (THPT) chất lượng cao giai đoạn 2018-2030”của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) xây dựng, bắt đầu năm 2018, trường Đại học này sẽ tuyển sinh và đào tạo nhiều ngành sư phạm chỉ với 15 sinh viên.

Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Theo Đề án “Đào tạo và sử dụng giáo viên (GV) trung học phổ thông (THPT) chất lượng cao giai đoạn 2018-2030” (gọi chung là Đề án) được xây dựng nhằm tuyển sinh được những học sinh (HS) có học lực khá, giỏi THPT vào học khối ngành sư phạm; tổ chức đào tạo để sinh viên (SV) đạt chuẩn đầu ra, đảm bảo năng lực, tiêu chuẩn theo khung trình độ quốc gia Việt Nam và chuẩn chức danh nghề nghiệp GV THPT công lập.

Theo đó, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo (CTĐT) chất lượng cao phải cao hơn của CTĐT đại trà tương ứng về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nghề nghiệp GV THPT; năng lực ngoại ngữ; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin...

Riêng năng lực ngoại ngữ (Tiếng Anh) tối thiểu phải đạt bậc 4/6, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (các ngành sư phạm không chuyên ngoại ngữ, đạt trình độ bậc 4/6; sư phạm Tiếng Anh đạt trình độ bậc 5/6, đạt chuẩn mức C1 theo khung tham chiếu châu Âu; ngoại ngữ 2 đạt trình độ bậc 4/6 trở lên).

Điều kiện xét tuyển là những HS tốt nghiệp THPT đạt các tiêu chí: Rèn luyện 3 năm ở THPT đạt loại tốt; xếp loại học lực 3 năm ở THPT đạt loại giỏi trở lên; có tổng điểm thi THPT quốc gia 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 24.0 trở lên (điểm từng môn chưa nhân hệ số và không có môn nào dưới 5,0 điểm) và môn chủ chốt của ngành đào tạo đạt từ 8.0 điểm trở lên.

Điểm xét tuyển là tổng điểm của 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển cộng với điểm khu vực, ưu tiên (nếu có); ưu tiên tuyển thẳng đối với HS đạt giải Quốc tế, Quốc gia (giải Nhất, giải Nhì và giải Ba), các môn văn hóa tương ứng với ngành đăng ký xét tuyển; xét tuyển từ thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất đến hết chỉ tiêu được giao. Phương thức tuyển sinh là sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc tổ chức thi theo Đề án tuyển sinh riêng của trường.

Thời gian thực hiện tuyển sinh từ năm 2018 đến 2026; thời gian thực đề án từ năm 2018-2030. Chương trình sẽ tăng khối lượng kiến thức trong từ 120 tín chỉ lên 136 tín chỉ. Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hàng năm (từ 2018-2026) của các ngành cụ thể: ĐHSP Toán, Văn tuyển 20 chỉ tiêu; ĐHSP Tiếng Anh, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa tuyển 15 chỉ tiêu.

PGS.TS Lê Văn Trưởng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức cho biết: Tùy vào điều kiện thực tế, có thể nhà trường sẽ có nhiều ngành chỉ đào tạo 10 SV theo đơn đặt hàng của địa phương. Hiện nay, bậc học Mầm non và Tiểu học của Thanh Hóa vẫn đang thiếu GV nên trường vẫn tuyển sinh bình thường như mọi năm, còn GV cho cấp THCS và THPT thì mỗi ngành (môn) chỉ tuyển khoảng 10-15 SV. Đây là lần đầu tiên, cũng là điểm đặc biệt trong công tác đào tạo các ngành sư phạm của Trường ĐH Hồng Đức trong năm nay.

Cũng theo Đề án, SV tham gia Đề án được bố trí quy mô lớp nhỏ, có phòng học riêng đủ điều kiện trang thiết bị để dạy học và tự học; được bố trí thực hành, rèn nghề, thực tập tại các sở giáo dục có uy tín ở trong nước; được đi học nước ngoài theo các chương trình liên kết (nếu đủ điều kiện); ở ký túc xá miễn phí; được cấp học bổng học tập bằng mức lương cơ bản/tháng x 10 tháng/năm nếu đạt học lực giỏi trở lên (xét theo kết quả học tập sau mỗi học kỳ); sau khi tốt nghiệp đạt loại khá trở lên sẽ được UBND tỉnh Thanh Hóa phân công công tác phù hợp.

Bên cạnh đó, sinh viên cam kết hoàn thành khóa đào tạo và phục vụ ít nhất 5 năm trong ngành giáo dục ở tỉnh Thanh Hóa; chịu sự phân công công tác của cơ quan quản lý sau khi tốt nghiệp; bồi hoàn kinh phí theo quy định nếu không thực hiện đúng cam kết trong quá trình đào tạo và làm việc sau khi tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.