Quan điểm làm việc tích cực, gấp rút và đặt chất lượng lên hàng đầu vẫn được tiếp tục, để năm 2018 có thể ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và biên soạn sách giáo khoa (SGK) mới, trước mắt hoàn thành SGK lớp 1.
GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới – chia sẻ điều này với báo Giáo dục và Thời đại.
Tâm huyết và trăn trở của những người làm chương trình
- Chắc chắn có rất nhiều việc Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông phải làm và đã làm được trong năm 2017. GS có thể chia sẻ thêm về điều này?
Trong năm 2017, chúng tôi đã hoàn thành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân, đưa chương trình lên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến nhân dân. Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, hoàn thiện chương trình; và ngày 27/7/2017, chương trình đã được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT thông qua.
Cũng trong năm 2017, chúng tôi đã tiến hành biên soạn 18 chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Công việc này được bắt đầu ngay khi Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với một số đề nghị điều chỉnh thuần túy vê kỹ thuật.
Đến hết tháng 7/2017, dự thảo đầu tiên của các chương trình môn học và hoạt động giáo dục đã hoàn thành. Suốt từ tháng 8/2017 đến nay, chúng tôi đã tổ chức hàng chục cuộc toạ đàm, hội thảo nội bộ; tọa đàm, hội thảo với chuyên gia tư vấn quốc tế; tọa đàm, hội thảo với cán bộ quản lý, giáo viên, chuyên viên các cục, vụ, viện và một số hội nghề nghiệp để lấy ý kiến hoàn thiện các chương trình. Hiện nay, các chương trình đang được biên tập kỹ thuật; dự kiến đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến nhân dân.
Đồng thời với việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hữu quan của Bộ hoàn thiện chuẩn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, chuẩn giáo viên, chuẩn giảng viên sư phạm; xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất,… để bảo đảm thực hiện chương trình mới.
Giữa tháng 12/2017, Bộ triệu tập hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT để quán triệt nhiệm vụ và hướng dẫn kế hoạch triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tôi cũng được biết, Chính phủ đã có kế hoạch làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về vấn đề này. Tôi tin rằng với sự chuẩn bị chu đáo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các địa phương, việc triển khai chương trình, SGK mới nhất định sẽ thành công.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới. |
- Đâu là điều GS thấy tâm đắc nhất trong những việc mình và đồng nghiệp đã làm được?
Điều mà chúng tôi cảm thấy hài lòng nhất là Ban soạn thảo đã thể hiện được yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT; Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, cũng như Quyết định 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông mới, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học và hoạt động giáo dục đều thực hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Ba điểm mới nhất của chương trình là: thực hiện dạy học phân hóa để phát huy tiềm năng, sở trường của người học; thực hiện dạy học tích hợp để gắn kết các lĩnh vực với nhau, gắn kết lý luận với thực tiễn; thực hiện dạy học thông qua hoạt động tích cực của người học để phát triển phẩm chất và năng lực một cách vững chắc.
Nhìn chung, chương trình giáo dục phổ thông mới được giới chuyên môn và các tầng lớp nhân dân đánh giá tích cực. Hy vọng chương trình sẽ tạo ra được chuyển biến mới trong giáo dục.
- Vậy những khó khăn, vướng mắc thì sao? Điều gì khiến GS còn trăn trở?
Để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền; sự đồng thuận của xã hội; sự quyết tâm của các thầy cô trong toàn ngành. Theo tôi, đây là ba điều kiện tiên quyết để thực hiện chương trình mới.
Ngày 1/12, tôi có được Ban Chỉ đạo đổi mới GD&ĐT tỉnh Hòa Bình mời đến báo cáo về chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới với lãnh đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới GD&ĐT cấp tỉnh, cấp huyện, lãnh đạo và cán bộ chỉ đạo chuyên môn của Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm và các trường phổ thông. Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, đồng thời là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trực tiếp chủ trì hội nghị đã giao trách nhiệm rất cụ thể cho các cơ quan quản lý nhà nước và ngành Giáo dục địa phương.
Những năm qua, Hòa Bình tuy chưa phải là tỉnh phát triển mạnh về kinh tế nhưng nhờ quan tâm phát triển giáo dục nên đã trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu trong việc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và xóa nạn mù chữ. Tôi tin rằng, trong đổi mới GD&ĐT sẽ có nhiều địa phương làm được như tỉnh Hòa Bình và điều đó sẽ tạo tiền đề để các địa phương và cả nước phát triển nhanh, bền vững.
Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ trung ương đến địa phương là yếu tố quan trọng tạo ra đồng thuận xã hội. Việc gì cũng vậy, đồng thuận xã hội càng cao thì thành công càng lớn. Trong những năm chiến tranh gian khổ, dân ta đã có câu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Sự đồng thuận của toàn dân đã đưa kháng chiến đến thắng lợi. Đồng thuận cũng sẽ đưa sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT đến thành công.
Trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT này, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên là lực lượng nòng cốt. Các thầy cô có quyết tâm đổi mới thì quyết tâm của lãnh đạo mới biến thành hiện thực, sự đồng thuận của cộng đồng, xã hội mới được phát huy.
Cùng với ba điều kiện tiên quyết nói trên, tôi cũng mong các địa phương quan tâm khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất trường lớp; cụ thể là: bảo đảm để học sinh tiểu học được học ít nhất 6 buổi/tuần; bảo đảm sĩ số không vượt quá 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở THCS, THPT; bố trí lớp học phù hợp với hình thức làm việc nhóm. Nếu còn để tình trạng học sinh trên lớp quá đông như một số trường ở đô thị thì đó sẽ là trở ngại rất lớn trong thực hiện chương trình mới.
- Liên quan đến công việc biên soạn SGK thì sao, thưa GS?
Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK để đảm bảo triển khai chương trình mới đồng bộ đúng tiến độ; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác tham gia biên soạn SGK. Chúng tôi đang cùng các cơ quan của Bộ GD&ĐT tham mưu để Bộ ban hành Thông tư về tiêu chuẩn SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK… Các công việc sẽ do Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK sắp xếp, quyết định. Ví dụ, sắp tới chắc phải có thông báo mời các tổ chức, cá nhân viết SGK, sau đó tổ chức tập huấn cho người viết SGK thì mới có thể thực hiện được kịp tiến độ.
Niềm vui tuổi học trò |
Không thể thành công nếu coi đây là việc riêng của ngành Giáo dục
- Năm 2018, công tác biên soạn chương trình, SGK giáo dục phổ thông sẽ ưu tiên những công việc gì - GS có thể chia sẻ?
Năm 2018, trước hết phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Sau đó, tổ chức hoàn thiện và thẩm định các chương trình này; thẩm định lại toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông và ký ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp theo, phải tổ chức biên soạn SGK, trước mắt tập trung vào lớp 1 để triển khai chậm nhất vào năm học 2020 – 2021 ở cấp tiểu học theo Nghị quyết ngày 22/11/2017 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về chương trình mới, SGK mới. Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình mới nhằm tăng cường sự đồng thuận trong và ngoài ngành.
- GS có nhắc đến Nghị quyết mới của Quốc hội. Theo dự thảo Nghị quyết này, thời hạn áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022 - 2023 đối với cấp THPT. Liệu có nảy sinh tâm lý chủ quan vì cho rằng chúng ta còn nhiều thời gian chuẩn bị không, thưa GS?
Ban soạn thảo chúng tôi đã quán triệt, dù Quốc hội ra Nghị quyết cho phép lùi thời gian triển khai chương trình mới tối đa là 2 năm với mỗi cấp học thì vẫn phải tích cực, gấp rút chuẩn bị; đồng thời đặt vấn đề bảo đảm chất lượng lên hàng đầu.
Với các cơ sở giáo dục, tôi mong rằng, các thầy cô sẽ tích cực tìm hiểu chương trình mới. Các địa phương cần tổ chức chỉ đạo để chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nhằm thực hiện chương trình mới một cách tốt nhất. Đó là những điều chúng ta chắc chắn phải tập trung lo liệu, nếu muốn thành công.
- Là người đã dốc nhiều sức lực, tâm huyết cho chương trình mới, GS chắc chắn tin vào thành công của chương trình này?
Tin chứ! Các thành viên Ban soạn thảo là những người rất có kinh nghiệm, đã qua sự tuyển chọn cẩn thận của Bộ GD&ĐT và Ngân hàng thế giới, rất tâm huyết với sự nghiệp đổi mới giáo dục phổ thông. Chúng tôi lại có sự giúp đỡ nhiệt tình của các chuyên gia tư vấn quốc tế đến từ nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến (như Vương quốc Anh, Vương quốc Bỉ, CHLB Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore...). Chương trình thể hiện được tinh thần đổi mới rất rõ và phù hợp với điều kiện Việt Nam, nên tôi tin là sẽ thành công.
- Xin cảm ơn GS!