Đây là một thành công lớn của đất nước ta, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.
Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Về phát triển kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Giá tiêu dùng bình quân tăng 3,53%, lạm phát cơ bản tăng 1,41%. Tín dụng tăng khoảng 19%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD.
Kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) được tăng cường; quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi; tổng thu NSNN tăng trên 2,3% so với dự toán và tăng trên 13% so với năm 2016; bội chi 3,42% GDP (Quốc hội thông qua là 3,5% GDP). Từng bước chấn chỉnh sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm.
Đặc biệt, Báo cáo của Chính phủ cho biết xuất khẩu ước đạt 214 tỷ USD, tăng 21,1%. Trong đó hàng nông, lâm, thủy sản đạt trên 36 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt 420 tỷ USD; xuất siêu 2,7 tỷ USD. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 44,2%; vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%. Thị trường chứng khoán vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 33,3% GDP, tăng 12,1%.
Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực với gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký tăng 45,4% và gần 26.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Phần lớn doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn.
Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tăng trưởng GDP đạt 6,81%; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp ước tăng 2,9%, trong đó thủy sản tăng 5,54%. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8%, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 14,4%. Khu vực dịch vụ tăng 7,44%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9%; khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, tăng 29,1%.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trình bày |
Căn cứ mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra một số chỉ tiêu cụ thể trong các ngành, lĩnh vực để phấn đấu thực hiện như sau:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7% (Quốc hội giao 6,5% đến 6,7%), trong đó: Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,0% (nông nghiệp 2,25%, lâm nghiệp 6,5%, thủy sản 5%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7% (công nghiệp 7,3%, xây dựng 9,2%); khu vực dịch vụ 7,4%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8% đến 10% (Quốc hội giao tăng 7%-8%); trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 36-37 tỷ USD.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 10%; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 15 triệu lượt.
- Xây dựng nông thôn mới: Có 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Thành lập mới khoảng 135 nghìn doanh nghiệp.
- Các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng, gồm: Tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 41%; Hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đạt khoảng 6,2%; Năng suất lao động tăng 5,9%; Tỷ lệ đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trên 43,5%.
- Các chỉ tiêu về tài chính - NSNN, gồm: Tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội giao; Tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu; Chi đầu tư phát triển đạt 26% tổng chi NSNN, giải ngân chi đầu tư công đạt 100% dự toán Quốc hội giao; Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN khoảng 64,1%. Dư nợ công khoảng 63,9%; nợ Chính phủ khoảng 52,5%; nợ nước ngoài của quốc gia 47,6% GDP.
- Các chỉ tiêu cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, biên chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gồm: Đơn giản hóa, cắt giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành; Cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; Năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh đạt mức ASEAN-4; Giảm 2,5% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2017; Giảm 1,7% biên chế công chức và giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.