Năm 2011, nền kinh tế VN có mức tăng trưởng hợp lý

Năm 2011, nền kinh tế VN có mức tăng trưởng hợp lý

(GD&TĐ)- Năm 2011, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam ước tính tăng 5,89% so với năm 2010 và tăng đều trong cả ba khu vực: nông- lâm nghiệp- thủy sản, công nghiệp và hoạt động dịch vụ.

Sáng nay (29/12), Tổng Cục thống kê- Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội năm 2011 và số liệu sơ bộ tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011.

Chủ tọa buổi họp báo . Ảnh, gdtd.vn
Chủ tọa buổi họp báo . Ảnh, gdtd.vn

Tổng Cục thống kê nhận định, tốc độ tăng GDP năm nay tuy thấp hơn mức tăng 6,78% của năm 2010 nhưng trong điều kiện tình hình sản xuất rất khó khăn và cả nước tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng trưởng trên là khá cao và hợp lý. 

Trong 5,89% tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4%, đóng góp 0,66 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,53%, đóng góp 2,32 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ tăng 6,99%, đóng góp 2,91 điểm phần trăm. 

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2011 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 5,2% so với năm 2010, bao gồm: Nông nghiệp tăng 4,8%; lâm nghiệp tăng 5,7%; thuỷ sản tăng 6,1%. 

Sản lượng lúa cả năm 2011 ước tính đạt 42,3 triệu tấn, tăng 2,3 triệu tấn so với năm 2010, là mức tăng lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. 

Cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả tiếp tục phát triển. Sản lượng chè năm 2011 ước tính tăng 6,5% so với năm 2010; cà phê tăng 5%; cao su tăng 8%; hồ tiêu tăng 3,8%; 

Tại thời điểm 01/10/2011, đàn lợn cả nước có 27,1 triệu con, đàn trâu 2712 nghìn con; đàn bò 5436,6 nghìn con, giảm 6,4% (Riêng đàn bò sữa là 142,7 nghìn con, tăng 14 nghìn con); đàn gia cầm có 322,6 triệu con, tăng 7,3%.

Sản lượng thịt hơi các loại năm 2011 ước tính đạt 4170 nghìn tấn, tăng 3,7% so với năm 2010, trong đó thịt trâu tăng 5%, thịt bò tăng 3%; thịt lợn tăng 2,1%; thịt gia cầm tăng 13,1%.

Diện tích rừng trồng được chăm sóc năm 2011 đạt 547 nghìn ha, tăng 3,7% so với năm 2010; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 942 nghìn ha, tăng 4,2%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 169 triệu cây, tăng 0,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4692 nghìn m3, tăng 17% (riêng gỗ nguyên liệu giấy đạt 2200 nghìn m3); 

Sản lượng thuỷ sản năm 2011 ước tính đạt 5432,9 nghìn tấn, tăng 5,6% so với năm 2010.

Về sản xuất công nghiệp Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2011 tăng 6,8% so với năm 2010, bao gồm: Công nghiệp khai thác mỏ giảm 0,1%; công nghiệp chế biến tăng 9,5%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 10%. 

Một số ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản xuất năm 2011 tăng cao so với năm 2010 là: Sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa, đường; đóng và sửa chữa tàu; mô tô, xe máy...

 Vẻ đẹp hùng vĩ của Sông Đà nhìn từ đập thủy điện Sơn La xuống phía hạ du. Ảnh, gdtd.vn
Vẻ đẹp hùng vĩ của Sông Đà nhìn từ đập thủy điện Sơn La xuống phía hạ du. Ảnh, gdtd.vn

Trong hoạt động dịch vụ, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2011 ước tính đạt 2004,4 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,7%. 

Vận tải hành khách năm 2011 ước tính tăng 14,6% về số khách vận chuyển và tăng 11,9% về số khách luân chuyển so với năm 2010.

Số thuê bao điện thoại của dịch vụ bưu chính, viễn thông phát triển mới năm 2011 đạt 11,8 triệu thuê bao, giảm 12,9% so với năm 2010. Số thuê bao internet băng rộng trên cả nước tính đến cuối tháng 12/2011 ước tính đạt 4,2 triệu thuê bao, tăng 16,1% so với cùng thời điểm năm trước. Số người sử dụng internet tại thời điểm cuối tháng 12/2011 đạt 32,6 triệu người, tăng 22% so với cùng thời điểm năm trước. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông năm 2011 ước tính đạt 167,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2010. 

Khách quốc tế đến nước ta năm 2011 ước tính đạt 6014 nghìn lượt người, tăng 19,1% so với năm 2010, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 3651,3 nghìn lượt người, tăng 17,4%; đến vì công việc 1003 nghìn lượt người, giảm 2%; thăm thân nhân đạt 1007,3 nghìn lượt người, tăng 75,5%. 

Trung Quốc là quốc gia có số người đến Việt Nam đông nhất, đạt 1416,8 nghìn lượt người, tăng 56,5%; Hàn Quốc 536,4 nghìn lượt người, tăng 8,2%; Nhật Bản 481,5 nghìn lượt người, tăng 8,9%; Hoa Kỳ 439,9 nghìn lượt người, tăng 2,1%; Cam-pu-chia 423,4 nghìn lượt người, tăng 66,3%; Đài Loan 361,1 nghìn lượt người, tăng 8,1%; Ôx-trây-li-a 289,8 nghìn lượt người, tăng 4,2%; Ma-lai-xi-a 233,1 nghìn lượt người, tăng 10,3%; Pháp 211,4 nghìn lượt người, tăng 6,1%. 

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ