Tháng 10 vừa qua, Bộ Giáo dục Đại học Na Uy đề xuất áp dụng mức học phí đối với sinh viên quốc tế nhằm đảm bảo công bằng giáo dục. Bộ trưởng Ola Borten Moe cho biết: “Sinh viên Na Uy phải trả học phí khi học tại nước ngoài. Du học tại Na Uy cũng nên như vậy. Đất nước vẫn chào đón sinh viên đến từ mọi quốc gia nhưng chúng tôi cho rằng việc đóng học phí là đúng và hợp lý”.
Hiện nay, Na Uy quy định miễn học phí cho sinh viên quốc tế. Trước đề xuất mới, tổ chức giáo dục Study.eu đã khảo sát ý kiến của hơn 1.000 sinh viên ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Khi được hỏi về khả năng chi trả học phí hàng năm với giá 50 nghìn kroner (khoảng 120 triệu đồng), 78% người tham gia khảo sát bày tỏ phân vân nhưng vẫn có thể đáp ứng được.
Tuy nhiên, nếu mức học phí là 100 nghìn kroner (khoảng 243 triệu đồng), gần 64% sinh viên thừa nhận không đủ khả năng du học và 80% với mức học phí là 150 nghìn kroner (khoảng 364 triệu đồng).
Ông Gerrit Bruno Blöss, Giám đốc tổ chức Study.eu, đánh giá việc áp mức học phí trước tiên sẽ ảnh hưởng đến các trường đại học. Ông phân tích, nếu phải trả học phí, số lượng sinh viên quốc tế đến Na Uy sẽ ít hơn, đồng nghĩa nguồn tiền đổ về các địa phương sẽ thấp. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn phải duy trì nguồn chi hiện hành dù quy mô lớp học nhỏ. Như vậy, nguồn ngân sách sẽ không còn ổn định như trước.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia giáo dục Jérôme Rickmann, cho biết, hiện nay, một số cơ sở giáo dục đại học được Chính phủ Na Uy phân bổ nguồn tài trợ nếu thu hút nhiều sinh viên quốc tế. Điều này giúp các trường duy trì hoạt động và có động lực thúc đẩy chất lượng đào tạo. Do đó, nếu sinh viên đóng học phí, nguồn trợ cấp này sẽ bị cắt nhưng số lượng sinh viên theo học chưa chắc chắn có thể bù lấp nguồn tiền này.
Ở hướng ngược lại, sinh viên quốc tế cũng gặp khó khăn vì chưa biết đến hoặc chưa có sự chuẩn bị cho kế hoạch thay đổi này. Khảo sát của Study.eu cũng chỉ ra 2/3 số người được hỏi chưa nghe nói về đề xuất mới.
Nếu được thông qua, quy định áp mức học phí với sinh viên quốc tế có thể sẽ triển khai từ năm 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các trường đại học còn “lúng túng” nên chưa thể cung cấp chính thức mức học phí cho những thí sinh dự kiến đăng ký du học từ năm sau.
“Việc áp mức học phí với sinh viên quốc tế một cách vội vàng sẽ làm hỏng kế hoạch du học nước ngoài của những người trẻ và có khả năng gây tổn hại đến uy tín lâu dài của ngành Giáo dục Na Uy cũng như quốc gia”, ông Blöss nhấn mạnh.
Theo phân tích của Study.eu, lý do lớn nhất mà sinh viên quốc tế lựa chọn Na Uy là danh tiếng của các trường đại học. Tiếp đó là các chương trình đào tạo miễn phí, đặc biệt là đối với sinh viên Mỹ, muốn tìm kiếm cơ hội học tập với chi phí hợp lý tại châu Âu.
Nhờ được miễn học phí, sinh viên quốc tế tại Na Uy có thể trang trải chi phí sinh hoạt ở quốc gia nằm trong khu vực có mức sống tương đối đắt đỏ.
Do đó, các chuyên gia đều bày tỏ lo ngại khi Na Uy dừng miễn học phí, chi phí phát sinh lớn khiến sinh viên quốc tế phải chuyển hướng học tập và ảnh hưởng đến uy tín học thuật của quốc gia này.
Câu chuyện này từng diễn ra tại Thụy Điển và Phần Lan. Khi hai quốc gia bắt đầu áp mức học phí với sinh viên quốc tế lần lượt vào năm 2011 và 2017, trong ngắn hạn, số lượng sinh viên nước ngoài đã sụt giảm, kéo theo đó là chương trình học bổng và quảng bá quốc tế. Điều này khiến ngành Giáo dục Thụy Điển và Phần Lan rơi vào danh sách “tăng trưởng phục hồi chậm”.