Mỹ - Trung “đấu khẩu” về Covid - 19

Mỹ - Trung “đấu khẩu” về Covid - 19

Cuộc chiến báo chí

Quan hệ Mỹ - Trung vốn đã đầy chông gai kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, giờ lại xấu hơn trong dịch Covid-19. Ngày 18/3, Trung Quốc thông báo trục xuất tất cả phóng viên Mỹ của các tờ báo lớn là New York Times, Wall Street Journal và Washington Post, làm gia tăng sự bất tín và thù địch giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, các công dân Mỹ làm cho 3 tờ báo này sẽ phải nộp lại giấy phép hoạt động báo chí trong vòng 10 ngày. Điều này có nghĩa là họ phải rời Trung Quốc vì visa gắn với giấy phép. Họ cũng không được phép làm việc tại các vùng lãnh thổ tự trị Hồng Kông và Macao.

Đây là hành động trả đũa trực tiếp của chính phủ Trung Quốc sau khi chính quyền Trump coi 5 tờ báo của Trung Quốc là đoàn ngoại giao - nghĩa là đòi hỏi họ đăng ký tài sản và nhân viên ở Mỹ; hạn chế số người Trung Quốc làm việc cho các tờ báo này. Theo hãng tin AP, đó thực chất là hành động trục xuất khoảng 1/3 nhân viên người Trung Quốc của các báo.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, việc trả đũa là cần thiết và tương xứng với việc Mỹ “đàn áp phi lý các tổ chức báo chí Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ”. Tờ Nhân dân Nhật báo ngày 18/3 viết: “Tác động từ hành động của Mỹ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực báo chí, mà sẽ tạo ra tác động tiêu cực nói chung cũng như sự không chắc chắn trong quan hệ”.

Bình luận về phản ứng mạnh mẽ này của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng không thể so sánh được hành động của hai nước. Ông nói phóng viên ở Washington được hưởng tự do báo chí mà ở Trung Quốc không tồn tại. Còn tờ Nhân dân Nhật báo cho rằng các phóng viên Trung Quốc ở Mỹ “luôn tuân thủ luật pháp Mỹ, đạo đức báo chí và các nguyên tắc khách quan, công bằng, sự thật, chính xác”.

Kỳ thị từ tên gọi

Kể từ khi dịch Covid-19 lan rộng, Tổng thống Mỹ D.Trump và các quan chức hàng đầu của ông đã không ngớt lời chỉ trích Trung Quốc, nhấn mạnh rằng dịch bùng đầu tiên là ở Vũ Hán cuối năm 2019. Họ nhiều lần gọi Covid-19 là “virus Vũ Hán”, “virus Trung Quốc”, bất chấp Tổ chức Y tế Thế giới đã đặt ra thuật ngữ để tránh việc gọi virus theo vùng địa lý.

Riêng hôm 17/3, ông Trump đã nhắc đến nguồn gốc của virus ít nhất tại hai sự kiện, và bác bỏ rằng ông có ý kỳ thị khi nói vậy. Gặp gỡ các giám đốc khách sạn lớn tại Nhà Trắng, ông Trump không ngần ngại đặt câu hỏi: “Chẳng phải tất cả những điều này bắt đầu ở Trung Quốc hay sao? Đó là nơi các vị thấy vấn đề xảy ra đầu tiên, là nơi bị tác động đầu tiêu hay sao?”. Một câu hỏi kiểu “mớm lời” và giám đốc chuỗi khách sạn Marriott Arne Sorenson đáp: “Chắc chắn rồi”.

Tại một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao, ông Pompeo tới 6 lần gọi Covid-19 là “virus Vũ Hán”, và gợi ý rằng người Trung Quốc đang cố làm thế giới bớt chú ý đến những thiếu sót của họ trong phản ứng ban đầu với dịch.

Ông khẳng định Trung Quốc phải có “trách nhiệm đặc biệt” khi phát hiện virus đầu tiên ở Vũ Hán: “Rõ rằng chính phủ đầu tiên biết về virus Vũ Hán là Trung Quốc. Điều đó tạo nên một trách nhiệm đặc biệt, lẽ ra phải giương cao ngọn cờ mà nói rằng chúng tôi có vấn đề, việc này rất khác, rất đặc biệt và tạo nên những nguy cơ.

Thế mà đã mất quá nhiều thời gian để thế giới nhận ra nguy cơ đó, và điều đó thuộc về phía Trung Quốc”. Ông Pompeo cũng nói rằng sẽ có một báo cáo được công bố để chứng thực cho lời nói của ông. Tất cả cho thấy căng thẳng giữa hai bên khó mà kết thúc khi dịch còn chưa chấm dứt.

Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “ Gần đây một số chính trị gia Mỹ đã liên hệ giữa virus Corona mới với Trung Quốc để kỳ thị Trung Quốc. Chúng tôi mạnh mẽ phản đối điều đó. Chúng tôi thúc giục Mỹ hãy sửa chữa ngay lập tức sai lầm của mình và ngừng cáo buộc Trung Quốc một cách vô căn cứ”. Mỹ lại đáp lại bằng cách triệu tập Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải lên để phản đối.

Dịch đảo chiều

Trong lúc các nhà lãnh đạo mải cãi nhau thì Covid-19 đã đảo chiều mạnh mẽ. Ở Trung Quốc, hôm đầu tuần, số ca nhiễm mới từ nước ngoài vượt qua số người nhiễm mới trong nước. Con số nhiễm mới cũng chỉ ở mức vài chục người. Còn tại Mỹ và châu Âu, số người nhiễm và tử vong tăng vùn vụt. Ở Mỹ đến sáng 18/3 là 6.135 người nhiễm, 112 người tử vong, dịch lan ra cả 50 bang trên toàn nước Mỹ.

Ở Italy, nước bị Covid-19 nặng nhất châu Âu, là khoảng 28.000 ca nhiễm và 2.150 ca tử vong. Châu Âu, như báo chí mô tả, là sự hoảng loạn, tê liệt khi hàng loạt nước phong tỏa, đóng cửa biên giới, Pháp tuyên bố tình trạng giống chiến tranh.

EU cũng đã quyết định đóng toàn bộ biên giới trên bộ, trên biển, trên không của cả khối trong vòng 30 ngày. Cả hai bờ Đại Tây Dương, mũi dùi giờ đây chĩa vào các nhà lãnh đạo rằng đã phản ứng chậm chạp, không đồng bộ, không quyết liệt.

Tất nhiên việc phục hồi ở Trung Quốc mới là ban đầu, và đã có những cảnh báo rằng dịch vẫn có thể quay lại, song Trung Quốc đã bắt đầu chìa tay ra cho các nước phương Tây trong cuộc chiến chống dịch.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tối 17/3, đã điện đàm với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, khẳng định những biện pháp phòng chống dịch của Trung Quốc đã có hiệu quả; sẵn sàng hợp tác với các nước và cung cấp viện trợ trong khả năng của mình. Trước đó, ông Tập cũng điện đàm với Thủ tướng Italia Giuseppe Conte.

Không thể loại trừ khả năng, trong lúc Mỹ vật lộn với dịch Covid-19 trong nước, thì Trung Quốc sẽ là người giúp đỡ châu Âu vượt qua dịch bệnh và tăng cường ảnh hưởng của họ với các nước châu Âu.

Cuộc chạy đua vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 đang diễn ra giữa Trung Quốc với phương Tây. Trung Quốc sau khi trải qua đại dịch đã có đủ kinh nghiệm để vững vàng hơn trong giai đoạn sắp tới. Đến lúc đó, bất kể ông Trump có muốn gọi Covid-19 bằng cái tên gì thì cũng có nguy cơ phải mất phần nào ảnh hưởng của mình với lục địa già.

Thêm vào các cuộc chiến Mỹ - Trung về thương mại, công nghệ viễn thông… việc ăn miếng trả miếng trên truyền thông về Covid-19 hóa ra không hề đơn giản và có thể dẫn tới những hậu quả khó chịu hơn nhiều cho nước Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ